Chủ đầu tư đã lựa chọn ống gang dẻo làm vật liệu sử dụng trong hệ thống truyền tải dự án mới

Chủ đầu tư đã lựa chọn ống gang dẻo làm vật liệu sử dụng trong hệ thống truyền tải dự án mới

Vỡ ống nước Sông Đà 10 lần, cổ đông Vinaconex hết chịu nổi?

(ĐTCK) Ngày 15/1, sự cố đường ống nước Sông Đà vỡ lần thứ 10 không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của 70.000 cư dân Thành phố, mà còn khiến không ít cổ đông của Vinaconex (VCG) bức xúc. 

Với những gì Vinaconex đang phải thực hiện để khắc phục sự cố này, nhiều khả năng lĩnh vực kinh doanh nước sạch sẽ tiếp tục phải bù lỗ và ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của Tổng công ty.

Theo thông tin từ CTCP Nước sạch Vinaconex -Viwasupco (Vinaconex sở hữu 51% vốn), vào 8h15, ngày 15/1, Công ty đã phát hiện một điểm xung yếu có rò rỉ trên tuyến ống tại Km 21+367 - Đại lộ Thăng Long. Công ty đã phải chủ động ngừng cấp nước để gia cố, sửa chữa, nâng cao độ an toàn cho tuyến ống. Đến 20h cùng ngày, Công ty đã cấp nước trở lại cho khách hàng.

Tuy nhiên, phản ánh của người dân các khu vực bị mất nước cho biết, phải đến sáng hôm sau, gia đình họ mới có nước trở lại. Đây là lần thứ 10 đường ống nước Sông Đà bị vỡ kể từ khi đưa vào sử dụng gây bức xúc trong dư luận. Trước đó, Cơ quan điều tra C46 đã khởi tố vụ án và đang trong quá trình điều tra tại Vinaconex.

Vấn đề cổ đông và các nhà đầu tư quan tâm là chi phí để khắc phục và ngăn ngừa các sự cố vỡ đường ống nước là bao nhiêu? Việc Vinaconex và Viwasupco phải gấp rút tìm vốn đầu tư cho tuyến ống số 2 có khiến dự án phải đội thêm chi phí hoặc chịu giá vốn đắt? Theo ước tính của một số đơn vị thi công trong lĩnh vực này, chi phí để sửa chữa, kiểm tra, tăng cường bảo dưỡng đường ống có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.

Liên quan đến việc triển khai xây dựng 21 km tuyến ống truyền tải chính (đường kính 1.800 mm) từ Cổng viện phim về đến cầu chui dân sinh km 9+656, Vinaconex cho biết, Tổng công ty đang nỗ lực để động thổ khởi công dự án trước Tết Âm lịch. Dự kiến, dự án sẽ triển khai đồng loạt toàn tuyến với 6 - 8 mũi thi công để sau 12 tháng hoàn thành, để bổ sung thêm khoảng 40 nghìn m3 nước sạch/ngày đêm về trung tâm Thành phố.

Về vật liệu sử dụng trong hệ thống truyền tải, chủ đầu tư đã chọn lựa phương án ống gang dẻo. Như vậy, Nhà máy sản xuất ống cốt sợi thủy tinh (đã được dùng cho tuyến ống số 1) sẽ không còn là “khách hàng sộp” như dự kiến ban đầu nữa. Điều này đồng nghĩa với một sự lãng phí khi trước đó, Vinaconex và các công ty thành viên là cổ đông lớn nhất bỏ vốn đầu tư vào nhà máy.

Về vốn đầu tư tiếp theo cho dự án, chỉ tính riêng mức đầu tư cho hạng mục tuyến ống nêu trên là khoảng 1.200 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp chiếm 15% (khoảng 180 tỷ đồng), vốn vay 85% (khoảng 1.020 tỷ đồng), (Dự án không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước). Vinaconex cho biết, cho đến nay đã có ngân hàng cam kết cho chủ đầu tư vay 85% vốn để thực hiện dự án với thời gian cho vay dự kiến là 18 năm, thời gian ân hạn bằng thời gian thi công dự án.

Hiện Viwasupco đang cung cấp nước sạch với lượng nước tiêu thụ trung bình khoảng 227.000 m3/ngày đêm, chiếm khoảng 30% tổng lượng nước sạch cung cấp trên địa bàn TP. Hà Nội. Để nâng công suất của hệ thống lên 600.000 m3/ngày đêm (giai đoạn 2 của Dự án), trong năm 2015, Vinaconex và chủ đầu tư Viwasupco sẽ tập trung triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư như thu xếp nguồn vốn, khảo sát, thiết kế, bản vẽ thi công, chuẩn bị phát hành hồ sơ mời thầu quốc tế lựa chọn các đơn vị cung cấp vật liệu và phụ kiện...

Những sự cố vừa qua chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ tới dự toán giai đoạn 2 của Dự án, chỉ tính riêng dự toán mức đầu tư 21 km tuyến ống sắp triển khai đã đội thêm 200 tỷ đồng.

Đầu năm 2014, trước các cổ đông, ông Vũ Quý Hà, Tổng giám đốc Vinaconex cho biết, đến hết 2015, doanh nghiệp này sẽ trả hết khoản nợ 1.500 tỷ đồng. Thời điểm đầu năm 2014, Viwasupco còn khoản lỗ lũy kế 54 tỷ đồng, song đến hết năm 2014, doanh nghiệp này sẽ có lãi ít nhất 16 tỷ đồng. Tuy nhiên, những tính toán trên, có thể chưa lường đến các chi phí khắc phục sự cố vỡ đường ống từ đầu năm đến nay.

Tin bài liên quan