Đến giữa tháng 3/2014, Vinalines mới cổ phần hóa xong 2 trong số 7 đơn vị nằm trong kế hoạch cổ phần hóa năm 2013

Đến giữa tháng 3/2014, Vinalines mới cổ phần hóa xong 2 trong số 7 đơn vị nằm trong kế hoạch cổ phần hóa năm 2013

Vinalines: Đại án xử xong, tái cơ cấu sẽ thế nào?

Cả hai mục tiêu quan trọng trong quá trình tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) là tái cơ cấu tài chính và cổ phần hóa công ty mẹ, công ty thành viên đều gặp nhiều mắc mứu.

Đổi lái

Đến thời điểm này (18/3/2014), quy trình điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Việt, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Vinalines sang giữ chức Phó trưởng ban Phòng chống lụt bão Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đang ở những bước cuối cùng.

Dự kiến, ông Lê Anh Sơn, Phó tổng giám đốc Vinalines sẽ được Bộ này bổ nhiệm thay thế ông Việt. Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, chậm nhất trong tháng này, việc luân chuyển cán bộ tại Vinalines sẽ được hoàn tất.

Mặc dù Bộ GTVT không tiết lộ lý do, nhưng nhiều khả năng quá trình cổ phần hóa (CPH), tái cơ cấu chậm so với yêu cầu đề ra tại Vinalines là lý do quan trọng dẫn tới sự thay đổi này.

Được biết, tại văn bản của Vinalines gửi Bộ GTVT hồi tháng 3/2014, ông Việt không có tên trong danh sách 10 cán bộ tham gia Ban chỉ đạo cổ phần hóa Tổng công ty.

Trước đó, tại cuộc họp về tình hình công tác tái cơ cấu và CPH Vinalines diễn ra vào tháng 2/2014, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã phê bình Hội đồng thành viên, Ban tổng giám đốc Vinalines về việc chưa thống nhất trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu, sắp xếp, CPH. “Lãnh đạo Tổng công ty chưa thực sự kiên quyết trong việc xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền, cũng như chưa kịp thời báo cáo những vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu lên Bộ GTVT, Chính phủ”, ông Thăng chỉ rõ.

Chưa biết CEO tương lai của Vinalines sẽ có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu đơn vị, nhưng với một loạt yêu cầu mới nhất vừa được Bộ GTVT đưa ra, thì vị trí lãnh đạo Vinalines đang đối mặt với thử thách lớn.

 Vinalines có nhanh hết mắc

Cần phải nói thêm rằng, hiện cả hai mục tiêu quan trọng trong quá trình tái cơ cấu Vinalines là tái cơ cấu tài chính và CPH công ty mẹ, công ty thành viên đều đang gặp nhiều mắc mứu lớn.

Cụ thể, tính đến giữa tháng 3/2014, Vinalines mới cổ phần hóa xong 2/7 đơn vị nằm trong kế hoạch CPH trong năm 2013 là Cảng Khuyến Lương và Cảng Quy Nhơn. Nếu so với mục tiêu hoàn thành dứt điểm CPH trong quý I/2014, đó là hoàn thành cổ phần hóa Cảng Hải Phòng, Cảng Quảng Ninh, Công ty Hàng hải Vinalines Nha Trang, thì khả năng bị trễ gần như là chắc chắn.

Khi trao đổi về vấn đề này, ông Lê Anh Sơn, Phó tổng giám đốc Vinalines cũng cho biết: “Các đơn vị nói trên chỉ có thể hoàn thành CPH vào tháng 6/2014”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự chậm trễ này sẽ chất thêm gánh nặng cho chính Vinalines, bởi cũng trong năm 2014, Tổng công ty phải hoàn thành phương án IPO công ty mẹ cùng 8 DN khác, trong đó có 3 cảng biển lớn là Sài Gòn, Cam Ranh và Nghệ Tĩnh. Vinalines cũng được yêu cầu tiến hành công bố phá sản ngay đối với Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) và Công ty cổ phần Vận tải dầu khí – Falcon.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng được chỉ đạo phải thoái ngay phần vốn góp tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam và các công ty bảo hiểm.

Liên quan tới công tác tái cơ cấu khoản nợ khổng lồ lên tới 54.746 tỷ đồng của công ty mẹ, các DN vận tải biển, cảng liên doanh…, hiện Vinalines đã cơ cấu được 196,25 triệu USD vay từ các tổ chức tín dụng nước ngoài và 43.000 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, do đại đa số các khoản nợ chỉ được xử lý theo hướng giãn nợ và lãi phải trả từ 1 - 3 năm, trong khi khoảng thời gian tối thiểu mà Vinalines cần là 5 - 6 năm, nên bản chất đơn vị này mới chỉ giảm một phần rất nhỏ áp lực dòng tiền.

Đặc biệt, trong số này, tổng dư nợ của 5 DN vận tải biển từ Vinashin (nay là SBIC) chuyển về lên đến hơn 17,8 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, do Vinshinlines sẽ tiến hành phá sản theo chỉ đạo của Bộ GTVT, nên số dư nợ tại 4 DN còn lại mà Vinalines muốn tái cơ cấu còn hơn 3.800 tỷ đồng. Nhưng chỉ riêng số nợ vay của các DN này tại các ngân hàng thương mại mà nhà nước nắm cổ phần chi phối mỗi năm ngốn của Tổng công ty khoảng 150 tỷ đồng.

“Các khoản nợ không thay đổi, thời gian giãn nợ ngắn là gánh nặng tài chính lớn khiến quá trình tái cơ cấu Vinalines gặp rất khó khăn”, một chuyên gia đánh giá.

Tin bài liên quan