Hiện tại, 96% DN của Việt Nam có quy mô nhỏ

Hiện tại, 96% DN của Việt Nam có quy mô nhỏ

Việt Nam thiếu doanh nghiệp cỡ vừa

(ĐTCK) Trong số nửa triệu doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại Việt Nam, có tới 96% là doanh nghiệp quy mô nhỏ, chỉ có 2% doanh nghiệp quy mô lớn, 2% doanh nghiệp quy mô vừa.

Đây cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam không thể phát huy được lợi thế về quy mô, dẫn đến không tiếp cận được chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại diễn đàn Kinh doanh với chủ đề “Vượt lên dẫn đầu”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói rằng, Chính phủ Việt Nam đánh giá cao những đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân đối với nền kinh tế, góp phần vào sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam khi đóng góp 30% nguồn thu của ngân sách nhà nước và 40% GDP.

Phó Thủ tướng cho biết: “Những biến động lớn trên thị trường toàn cầu, trong đó có sự kiện Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ đã tác động tới nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư có tâm tư vui, buồn, lo lắng khác nhau nhưng chúng tôi cam kết đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Việt Nam có đầy đủ khả năng, nguồn lực thực hiện thành công việc này”.

Có vai trò to lớn trong nền kinh tế nhưng theo ý kiến của các diễn giả tại diễn đàn, chỉ có 2% doanh nghiệp cỡ vừa là điều không bình thường, cho thấy tính chất manh mún, phi chính thức của nền kinh tế Việt Nam khá lớn.

Cụ thể, đối với khối DNNN, ít mô hình thành công như Vietel, Đạm Phú Mỹ, Tân Cảng…

Hiện tiến trình cổ phần hóa diễn ra chậm, nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng không dẫn tới sự thay đổi về quản trị, hiệu quả, cơ chế bộ ngành can thiệp vào sản xuất kinh doanh của DNNN là vấn đề lớn trong khu vực này.

Đối với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới, sản xuất ở phân khúc chất lượng cao nhưng lại không có tính kết nối vào kinh tế nội địa. Do vậy, dù xuất khẩu cải thiện (đóng góp 70% từ doanh nghiệp FDI) nhưng có hơn 90% nguyên liệu cấu thành sản phẩm được nhập khẩu nên giá trị gia tăng từ khu vực này tạo ra cho nền kinh tế không nhiều.

Đối với doanh nghiệp tư nhân, nhiều doanh nghiệp quy mô lớn nhưng không ít trong số đó là doanh nghiệp kinh doanh dựa trên quan hệ. Doanh nghiệp tư nhân tầm cỡ thì có khoảng cách rất lớn giữa quy mô sản xuất và năng lực quản trị.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, việc tiếp cận vốn có sự khác biệt đối với những nhóm doanh nghiệp khác nhau.

Ở những doanh nghiệp lớn, các ngân hàng rất săn đón, thậm chí đưa ra những mức lãi suất thấp hơn lãi suất huy động. Nhưng với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, nhất là những ngân hàng có nợ xấu cao thì càng dè chừng hơn. Do vậy, cách để doanh nghiệp khối này có thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng dễ hơn chính là nâng cao tính minh bạch, đảm bảo tính chính xác, trung thực trong các báo cáo tài chính.

Bên cạnh đó, cũng cần những cơ chế hỗ trợ của Chính phủ, chẳng hạn thành lập những trung tâm cung cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp ngân hàng mạnh dạn cho doanh nghiệp vay vốn kinh doanh.

Đa phần các chuyên gia kinh tế cho rằng, để nâng tầm doanh nghiệp, không chỉ nội tại doanh nghiệp phải có sự thay đổi về năng lực quản trị, tái cơ cấu sản xuất…, mà về phía Nhà nước cũng cần phải có những chính sách đột phá cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, VCCI đang cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia quá trình soạn thảo Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ, kỳ vọng sẽ hoàn thành sớm trong vòng 1 - 2 năm tới. Theo ông Lộc, nền tảng vẫn là các doanh nghiệp Việt Nam cần phải lớn lên, đạt chuẩn quốc tế (quản trị, trách nhiệm xã hội, công nghệ…).

Nếu có một chương trình hỗ trợ đồng bộ, doanh nghiệp sẽ “lớn” hơn về chất lượng. Khi đó, doanh nghiệp không chỉ đáp ứng được về giá cả, chất lượng sản phẩm mà còn cả yếu tố cách thức sản xuất sản phẩm không gây tổn hại môi trường, xã hội, đảm bảo được đầy đủ nghĩa vụ cho người lao động…

Có như vậy, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. “Đây là yêu cầu mới đối với doanh nghiệp Việt Nam, nhưng doanh nghiệp phải tiếp cận và xây dựng kinh doanh trên quan điểm đó”, ông Lộc nói.

Tin bài liên quan