Đại hội Đảng lần thứ XII đưa ra những quyết sách quan trọng về kinh tế tư nhân, vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường, về quyền kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng… Đây là bệ phóng cho Việt Nam hội nhập mạnh mẽ và thành công

Đại hội Đảng lần thứ XII đưa ra những quyết sách quan trọng về kinh tế tư nhân, vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường, về quyền kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng… Đây là bệ phóng cho Việt Nam hội nhập mạnh mẽ và thành công

Việt Nam không đứng một mình ngoài thế giới

Những cam kết hội nhập quyết liệt và chủ động đang đưa Việt Nam vào những vị trí mới trong thị trường thế giới. Nhưng đó mới là nửa chặng đường để kinh tế Việt Nam hòa mình vào dòng chảy chung của thế giới.

Thành viên đặc biệt

Ngày 4/2 tới, Việt Nam sẽ có mặt tại Auckland (NewZealand), cùng với 11 thành viên khác của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặt bút ký chính thức, đánh dấu hoàn tất tiến trình đàm phán hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất từ trước tới nay.

Mặc dù vẫn còn thủ tục phê chuẩn nội bộ trong 12 nước, dự kiến kéo dài trong khoảng 2 năm trước khi có hiệu lực, nhưng TPP đã chính thức đưa vào Việt Nam vào cùng “mâm” với những nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Như ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam nói, vị thế của Việt Nam đã thay đổi và khác biệt hẳn.

Thực ra, không phải đến giờ, vị thế khác hẳn của Việt Nam mới được nhắc tới. Ngay từ năm 2008, khi Việt Nam được mời tham gia những vòng đàm phán đầu tiên của TPP, câu hỏi tại sao lại chọn Việt Nam đã được đặt ra. Bởi, chỉ một năm trước đó, ở vị trí người đi sau, buộc phải tuân thủ bất cứ quy tắc gì mà 149 thành viên của WTO lúc đó đưa ra, Việt Nam đã mất tới 11 năm, với 15 vòng đàm phán mới có được sự gật đầu của tất cả thành viên để trở thành thành viên tứ 150 của WTO.

Nhưng lần này, với TPP, Việt Nam là thành viên sáng lập, có quyền xây dựng luật chơi. “Tôi cũng đã hỏi tại sao lại chọn Việt Nam, chứ không phải là Thái Lan, Philippines hay Malaysia (lúc đó Malaysia chưa tham gia - PV), Trưởng đoàn Mỹ đã nói, họ có lý do để tin tưởng Việt Nam có khả năng tham gia đàm phán, dù là nền kinh tế kém phát triển nhất”, ông Khánh kể.

Lý do mà các đối tác nhắc đến là việc thực thi nhất quán đường lối Đổi mới, khả năng thực hiện tốt các cam kết về tự do thương mại đã ký. Họ cũng nhìn thấy vai trò, vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực, không chỉ là quốc gia có quy mô đáng kể về dân số, thị trường…

Song phải nhắc tới một ẩn ý của những nước lớn khi mời một nước trong ASEAN 4 (gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar) tham gia ngay từ phiên đàm phán đầu tiên, dù ở tư cách quan sát viên, đó là thu hút sự quan tâm của thế giới với TPP.

Việc một nền kinh tế trình độ thấp vẫn có thể tham gia đàm phán và đàm phán thành công hiệp định trình độ cao cho thấy sự sẵn sàng hỗ trợ của các nền kinh tế lớn hơn trong quá trình thực thi của các thành viên yếu hơn, để xóa bỏ những ngần ngại của các nền kinh tế khác. Các nước khởi xướng muốn biến TPP thành hạt nhân của các hiệp định thương mại tự do. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Barack Obama còn muốn đây sẽ là nền tảng cho “thương mại thế kỷ 21”.

Thực tế cho thấy, sau khi nội dung TPP được công bố, các nước trong khu vực thể hiện sự quan tâm. Indonesia, Philippines đều đặt vấn đề với Tổng thống Obama về khả năng tham gia. Thái Lan lập một bộ phận nghiên cứu nghiêm túc tham gia vào hiệp định này.

Tuy nhiên, chính vị trí đặc biệt của Việt Nam trong TPP đã khiến ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương băn khoăn. Thậm chí, ông lo doanh nghiệp, người dân Việt Nam có thể sẽ bị cuốn theo dòng chảy, trào lưu của hội nhập, nghĩa là không được hưởng lợi từ hội nhập, mà trái lại, có thể bị vùi dập; nền kinh tế Việt Nam có thể ngày càng bị lệ thuộc vào bên ngoài; phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc hơn…

“Hiện giờ chúng ta vẫn đang bị kéo vào cuộc chơi hội nhập đẳng cấp cao. Đó là điều kiện quan trọng và rất cần thiết, nhưng chưa đủ. Điều kiện đủ để Việt Nam không bị ra rìa cuộc chơi là phải cải cách để tương thích với luật chơi, người chơi, để có thể đi cùng, kết nối được với những nền kinh tế đẳng cấp nhất thế giới. Vì hiện tại, chúng ta đang chơi cách chơi khác xa chuẩn mực của hội nhập quốc tế nói chung và TPP nói riêng”, ông Cung đặt vấn đề.

Ông Cung muốn gọi là đây là “pha” II của Đổi mới, để thị trường vận hành đầy đủ và tốt nhất, sau khi phase I đã hoàn thành mục tiêu mở cửa thị trường, đưa Việt Nam hội nhập toàn diện. 

“Thượng phương bảo kiếm”

Giới chuyên gia kinh tế đang nhìn vào những chủ thuyết quan trọng về kinh tế tư nhân, về vai trò của nhà  nước trong nền kinh tế thị trường, về quyền kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng… mà lần đầu tiên Đại hội Đảng lần thứ XII bàn tới.

Thậm chí, ông Cung gọi đây là “thượng phương bảo kiếm” để Chính phủ mới có thể xoay chuyển tình thế, thay đổi được bộ máy nhà nước theo tư duy quản lý sang tư duy phát triển theo thị trường. Đây chính là các điều kiện cần và đủ để thiết lập nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại.

Điểm thuận lợi là, xét về môi trường kinh doanh, với hệ thống luật pháp mới về đầu tư - kinh doanh như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…, đến năm 2015, Việt Nam đã đạt được đỉnh cao nhất về quyền tự do kinh doanh từ trước đến nay. Nghĩa là, người dân được tự do lựa chọn làm những gì Nhà nước không cấm.

Lúc này, cần phải có thể chế khuyến khích người dân làm tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn, chiến lược hơn để nâng cao được năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.

Với quan điểm này, giới chuyên gia đang hướng tới trọng tâm mới của tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 2016-2020, đó là cải cách vi mô, tạo nền tảng cho kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ hơn.

“Nói ngắn gọn, môi trường kinh doanh năm 2016 phải an toàn hơn, ít rủi ro, giảm chi phí, tăng độ chắc chắn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng”, ông Cung nói.

Nhưng không dễ để đạt được các trọng tâm ngắn gọn này. Bởi, trong Nghiên cứu “Một số vấn đề cơ bản của tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020” do CIEM thực hiện, đây lại là một trong những trần mà công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn vừa qua vẫn chưa chạm đến được. Như không có thị trường sơ cấp về đất đai, tài nguyên thiên nhiên. Gia nhập thị trường có bước tiến lớn nhưng chưa có môi trường cạnh tranh trật tự và công bằng.

“Nếu tư duy quản lý nhà nước còn ‘sợ’ thị trường, coi nhẹ cạnh tranh công bằng; không nhận thức được cạnh tranh công bằng là cốt lõi của kinh tế thị trường, là động lực đối với doanh nghiệp và người dân thì không thể tạo nên sự thay đổi trong thị trường. Mà đây lại là cốt lõi của giai đoạn hội nhập, nguyên tắc của các cam kết hội nhập mà Việt Nam đang và tiếp tục tham gia sâu hơn”, ông Cung nhấn mạnh.

Cách đây vài năm, những khác biệt của nền kinh tế Việt Nam - một nền kinh tế chuyển đổi, có xuất phát điểm thấp, nguồn lực hạn chế… -  hay được coi là lý do hợp lý để Việt Nam cần thêm thời gian để tiếp cận đến các chuẩn mực, thông lệ tốt của thế giới. Nhưng sân chơi hội nhập ngày càng sâu rộng hơn đang khiến những khác biệt này nếu không nhanh hóa giải sẽ cản đường Việt Nam hòa vào dòng chảy chung của thế giới.

Quản trị nhà nước phải tuân thủ theo luật lệ toàn cầu

- Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Hiện nay, chúng ta đã hội nhập sâu rộng. Quản trị nhà nước phải tuân thủ theo luật lệ toàn cầu, chuẩn mực toàn cầu. Điều này đòi hỏi bộ máy phải được rèn luyện, chuyển dịch theo hướng đó. Nếu không, sau khi các cam kết đã ký bắt đầu được thực hiện, nền kinh tế sẽ đối mặt rất với những rủi ro, trong đó rủi ro lớn nhất là chúng ta không thể lường trước được rủi ro.

Thứ nữa, trong hội nhập và phát triển, thuộc tính cao nhất là tốc độ. Nếu chúng ta đi chậm thì đó là vấn đề  lớn. Thị trường chậm, cải cách doanh nghiệp nhà nước chậm, bộ máy nhà nước kém hiệu quả… sẽ khiến chúng ta đi chậm lại, thụt lùi so với xu hướng.n

Thế giới chơi thế nào, ta phải chơi cùng luật để không bị mời ra

Ông Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam

Là nền kinh tế đi sau, Việt Nam có thể rút ngắn thời gian, có thể tăng tốc ở khía cạnh sản lượng, công nghệ, nhưng cách tiếp cận đổi mới thể chế không thể bỏ qua nền tảng, không thể đi tắt đón đầu. Có nghĩa là, chúng ta phải tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của thị trường nếu như không muốn tụt hậu xa hơn. Hiện tại, chúng ta chưa tôn trọng kinh tế tư nhân, cạnh tranh bình đẳng và thị trường hóa các nguồn lực.

Nếu muốn hội nhập thực sự, thì thế giới chơi thế nào, ta phải chơi cùng luật để không bị mời ra. Nghĩa là sẽ phải bắt đầu các giải pháp trong các vấn đề căn cơ, đó là muốn đổi mới kinh tế thì phải xây dựng nhà nước pháp quyền thực sự, tạo cơ hội phát triển cho cả người nghèo, người yếu thế và cả tầng lớp trung lưu, người giàu…

Hãy làm cho nền kinh tế thị trường hoạt động tốt hơn

- Ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT)

Có 3 mục tiêu chính khi xây dựng mô hình phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Một là, phải đảm bảo phát triển nhanh và bền vững. Các nước làm được, sao mình không làm được. Hai là, phải thu hút được nguồn lực. Ba là, phải có một nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại. Đây là điều quan trọng nhất.

Để thực hiện, có nhiều giải pháp. Đầu tiên là phải hoàn thành quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Ta được bốn mấy nước công nhận, nhưng quan trọng là ta phải thực sự là nền kinh tế thị trường. Để làm được, quan trọng là hãy làm cho nền kinh tế thị trường hoạt động tốt hơn.

Việt Nam cần dứt khoát đi hẳn vào kinh tế thị trường bằng tư duy kinh tế thị trường

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế

Nền kinh tế Việt Nam sau 30 năm Đổi mới có nhiều dấu ấn và thách thức. Thách thức lớn nhất đang ở tính chất lưỡng thể, lưỡng tính trong tư duy, trong chính sách. Để bước chân vào thế giới một cách sòng phẳng, Việt Nam cần dứt khoát đi hẳn vào kinh tế thị trường bằng tư duy kinh tế thị trường. Thể chế kinh tế thị trường phải theo chuẩn quốc tế chứ không thể theo chuẩn riêng có của Việt Nam. Có như vậy, chúng ta mới phát triển theo hướng phát triển chung của thế giới.

Tin bài liên quan