Honda Việt Nam đã quyết định nhập khẩu Civic nguyên chiếc từ Thái Lan

Honda Việt Nam đã quyết định nhập khẩu Civic nguyên chiếc từ Thái Lan

Việt Nam chi gần 6 tỷ USD nhập ô tô và linh kiện

Năm 2016, Việt Nam đã chi ra 2,3 tỷ USD để nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và 3,54 tỷ USD nhập khẩu linh kiện ô tô. Khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về 0% vào năm sau, con số này cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh nếu sản xuất trong nước bị bỏ trống.

Sẽ phải chi hàng chục tỷ USD nhập ô tô

Theo thống kê hải quan, năm 2016, có tới 113.567 chiếc ô tô nhập khẩu về Việt Nam với tổng giá trị xấp xỉ 2,3 tỷ USD. Nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô các loại cũng đạt hơn 3,54 tỷ USD.

Con số gần 6 tỷ USD này cũng bỏ xa so với trị giá 2,1 tỷ USD của việc xuất khẩu 4,8 triệu tấn gạo trong năm 2016.

Nếu so với việc xuất khẩu 6,87 triệu tấn dầu thô khai thác được trong thềm lục địa của Việt Nam với kim ngạch đạt 2,36 tỷ USD, rõ ràng nhập khẩu của ngành ô tô là rất lớn.

Theo dự báo của Bộ Công thương, với dự báo nhu cầu ô tô tiêu thụ năm 2025 theo phương án trung bình là khoảng 800.000 - 900.000 xe; năm 2030 khoảng 1,5 - 1,8 triệu xe và toàn bộ xe con được nhập khẩu; xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, còn lại 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hoá 50%, thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 dự kiến khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD.

Con số đáng giật mình này còn hóc hiểm bởi câu hỏi kèm theo là “nguồn tiền nào sẽ được cân đối để phục vụ cho việc nhập khẩu ô tô”.

Phân tích sâu hơn thực tế nhập khẩu ô tô từ năm 2014 trở lại đây qua thống kê Hải quan cũng cho thấy, lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN, mà thực chất chỉ từ Thái Lan và Indonesia, có xu hướng tăng dần cả về số lượng và giá trị.

Nếu như năm 2014, tỷ trọng nhập khẩu xe từ ASEAN chiếm 22,7% về lượng thì tới năm 2016 đã là 33,7%. Xét về giá trị, năm 2014 là 16,4% thì tới năm 2016 đã là xấp xỉ 30%.

Không những thế, nhập khẩu ô tô từ ASEAN trong 3 tháng đầu năm 2017 cũng tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Đã có 7.893 chiếc, chiếm tỷ trọng 46% trong tổng số xe được nhập khẩu đến từ thị trường ASEAN, tăng 400% so với cùng kỳ 2015.

Năm 2017, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam giảm còn 30% và tới năm 2018, mức thuế suất sẽ về 0%. Và nhận định của Bộ Công thương cũng thừa nhận rằng, sau 2018 lượng xe con nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng.

 Nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại và linh kiện, phụ tùng ô tô giai đoạn 2014-2016

Tên hàng

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

Lượng
(Nghìn chiếc)

Trị giá
(Triệu USD)

Lượng
(Nghìn chiếc)

Trị giá
(Triệu USD)

Lượng
(Nghìn chiếc)

Trị giá
(Triệu USD)

Ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống

31.55

363,24

51.44

535,51

51.63

685,80

Ô tô trên 9 chỗ ngồi

0.93

26,85

1.25

35,73

0.87

24,56

Ô tô vận tải

27.28

657,34

48.96

1.298,72

47.58

972,69

Ô tô loại khác

11.19

534,24

23.89

1.112,70

13.60

653,73

Tổng cộng

70.95

1.581,67

125.53

2.982,66

113.68

2.336,78

Linh kiện phụ tùng ô tô

2.182,88

3.028,27

3.549,29

               Tổng hợp từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Dâng thị trường cho nước ngoài

Trong báo cáo mới nhất đánh giá về ngành công nghiệp ô tô đang được Bộ Công thương lấy ý kiến doanh nghiệp có chỉ rõ, trong 10 nước ASEAN, đến nay chỉ có 5 nước có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Số liệu thống kê của Hiệp hội ô tô ASEAN (AAF) cho thấy, công nghiệp ô tô phát triển chủ yếu ở Thái Lan và Indonesia. Sản lượng ô tô của Thái Lan đã lớn gấp đôi quy mô thị trường trong nước, năm 2014 giảm so với năm 2013, nhưng từ đó đến nay đã tăng trở lại, mặc dù lượng xe tiêu thụ trong nước mỗi năm một giảm.

Việt Nam chi gần 6 tỷ USD nhập ô tô và linh kiện ảnh 1

Năm 2016 có 26.855 chiếc xe bán tải, trị giá đạt 542 triệu USD được nhập khẩu nguyên chiếc, gấp 10 lần về lượng xe nhập khẩu và 11 lần về trị giá nhập khẩu so với năm 2010. 

Đối với Indonesia, từ năm 2014 trở đi, sản lượng đã vượt quy mô thị trường trong nước để tiến tới xuất khẩu.

Đáng nói là báo cáo cũng chỉ rõ xu thế xuất khẩu của hai nước này lại trùng với xu thế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của Việt Nam từ hai nước này kể từ năm 2014 đến nay. 

Theo các chuyên gia, tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô phụ thuộc vào 3 yếu tố là quy mô và cơ cấu dân số - mức thu nhập bình quân đầu người - số xe trung bình/1000 dân. Những nước được xem là có tiềm năng nếu có dân số đông và cơ cấu dân số trẻ, có mức thu nhập bình quân đầu người đạt ngưỡng 3.000USD/năm và bước vào thời kỳ motorization (thời kỳ ô tô hóa với bình 50 xe/1.000 dân).

Xét theo những yếu tố này, trong các nước ASEAN có Indonesia, Philippines và Việt Nam là những nước có tiềm năng lớn nhất hiện nay. Còn Malaysia đã ở giai đoạn bão hoà và Thái Lan sắp bước vào giai đoạn bão hoà (250 xe/1.000 dân).

Như vậy, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng trong thời gian tới, nếu ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước không được phát triển thì Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng nước ngoài. Áp lực nhập siêu của nền kinh tế sẽ ngày càng gia tăng, gây mất cân đối cán cân thanh toán và bất ổn kinh tế vĩ mô.

                                Thị trường cung cấp linh kiện phụ tùng ô tô cho Việt Nam năm 2016

Thị trường
cung cấp

Tháng 12/2016
(USD)

Thay đổi
so với T12/2015 (%)

12 tháng/2016
(USD)

Thay đổi
so 12T/2015 (%)

Tỷ trọng
12T/2016 (%)

Tổng

329.273.413

4,2

3.549.516.050

17,2

100

Hàn Quốc

100.446.544

60,7

856.211.442

48,0

24,1

ASEAN

76.989.903

0,4

880.706.653

14,5

24,8

Thái Lan

50.010.026

-15,4

668.623.143

10,9

18,8

Indonesia

20.652.187

73,1

151.287.357

29,7

4,3

Malaysia

3.396.324

-19,8

38.403.105

15,0

1,1

Philippines

2.931.366

105,7

22.393.048

38,4

0,6

Nhật Bản

59.883.123

-19,5

788.112.394

6,3

22,2

Trung Quốc

55.509.190

-21,8

674.572.504

1,0

19,0

EU

19.963.344

33,0

234.475.085

42,8

6,6

Ấn Độ

1.832.508

76,0

26.303.988

24,8

0,7

Mỹ

841.497

1,6

8.994.220

-33,1

0,3

Nga

307.074

-68,3

9.112.689

93,2

0,3

Braxin

49.499

-93,2

5.820.591

-32,2

0,2

Bêlarút

0

742.876

-91,7

0,0

                     Nguồn: Tổng hợp từ số liệu thống kê Hải quan

Ngóng chính sách riêng

Tuy nhiên, quy mô thị trường ô tô Việt Nam hiện còn quá nhỏ, thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ô tô tại ASEAN và chỉ bằng 1/3 quy mô thị trường ô tô Thái Lan hay 1/4 thị trường Indonesia, trong khi ngành công nghiệp ô tô phát triển dựa vào lợi thế quy mô.

Tính đến hết năm 2016, trong nước có khoảng 173 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó có 56 doanh nghiệp sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 doanh nghiệp sản xuất từ xe cơ sở, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 500.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, doanh nghiệp trong nước khoảng 53%.

Việt Nam chi gần 6 tỷ USD nhập ô tô và linh kiện ảnh 2

 Lắp ráp ô tô tại Nhà máy Hyundai Thành Công

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Ô tô Hyundai Thành Công cho hay, tại các nước, ngành ô tô phát triển được đều nhờ Chính phủ nước sở tại có những hỗ trợ nhất định. “Đầu tư vào ngành ô tô là công nghệ nguồn nên tốn tiền và mất nhiều thời gian, vì vậy cần có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư. Với thực tế người dân chờ đợi thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0% nhưng doanh nghiệp vẫn quyết tâm mở rộng sản xuất, không ngại cạnh tranh ngoài các yếu tố phải tính toán khác còn có thực tế chúng tôi là doanh nghiệp Việt Nam, có khát khao và mong muốn duy trì ngành công nghiệp ô tô trong nước, dù không dễ chút nào”. 

Tại Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), năm 2016 đã bán được 112.874 xe, đạt doanh thu 65.000 tỷ đồng. Với mức tỷ lệ nội địa hóa của xe con đạt được bình quân từ 15-18% và xe thương mại là 50%, giá trị nội địa hóa mà Thaco đạt được do sử dụng các linh phụ kiện sản xuất tại Việt Nam vào khoảng 15.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 650 triệu USD). Dĩ nhiên nếu Thaco không cố gắng nội địa hóa sản xuất tại Việt Nam, 15.000 tỷ đồng này sẽ được nhập khẩu, tạo nguồn thu cũng như công ăn việc làm cho lao động của các nước khác, chưa kể phải lo ngoại tệ để nhập khẩu.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco cho hay, làm ô tô, nhất là xe du lịch rất khó. Dù mức nội địa hóa hiện tại mà Thaco đang đạt được như đánh giá của cơ quan hữu trách là 15-18% với xe du lịch và 50% với xe thương mại, nhưng với sản lượng ô tô lớn, doanh thu cao, đã có rất nhiều công ăn việc làm trong khâu sản xuất được tạo ra ngay tại Việt Nam.

Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai – Trường Hải của Thaco tại Quảng Nam hiện có gần 9.000 lao động trực tiếp trong khâu sản xuất, trong tổng số 16.400 người của toàn Công ty. Nếu tính thêm 22.000 lao động của 288 nhà cung cấp linh phụ kiện là vệ tinh của Thaco, thì chỉ riêng khâu sản xuất đã tạo ra 30.000 chỗ làm.

Với thực tế nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành ô tô đang có xu hướng chuyển sang nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN như nói trên, vấn đề chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp dám đầu tư mở rộng sản xuất để giữ việc làm lại Việt Nam đang ngày càng rất khẩn cấp. Nhất là khi thời gian bước sang năm 2018 chỉ còn hơn 6 tháng nữa. 

Tin bài liên quan