VBF - Kênh đối thoại hiệu quả giữa Chính phủ và doanh nghiệp

VBF - DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM (Vietnam Business Forum), nhiều năm được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam biết đến như một sự kiện quan trọng, một kênh đối thoại có hiệu quả giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Kênh đối thoại quan trọng này được tổ chức định kỳ hàng năm, mỗi năm hai lần: giữa kỳ và cuối năm. VBF giữa kỳ 2015 sẽ được tổ chức vào ngày 9/6/2015 tại Hà Nội.
VBF đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong nhiều năm qua

VBF đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong nhiều năm qua

Tại sao VBF duy trì được lâu, và trở thành một DIỄN ĐÀN quan trọng trong đời sống sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn FDI.? Cách ứng xử đối với VBF và các bước đi tiếp của VBF nên như thế nào trong các năm tới cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước? Đó là những câu hỏi đặt ra đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cũng như đối với các đơn vị tổ chức, chịu trách nhiệm triển khai hoạt động VBF.

Nhìn lại quá trình hoạt động lâu dài, ổn định gần 20 năm qua của VBF, cho thấy diễn đàn này đã đi cùng với sự đổi mới và phát triển của đất nước nói chung, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Nếu kể cả “DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN” tiền thân của VBF hiện nay, đã được tổ chức trong một giai đoạn ngắn trước 1998, thì đến nay tuổi đời của VBF đã vào khoảng 20.

Hai thập kỷ đã trôi qua, VBF đã đi cùng với quá trình đổi mới thể chế và quản lý kinh tế của đất nước. Nhờ có sự đổi mới đó, cùng sự tự điều chỉnh, vươn lên của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp đã từng bước được nâng cao. Thu hút FDI nhiều hơn, có hiệu quả hơn.

Nếu năm 1997 thu hút FDI chỉ đạt 5,9 tỷ USD vốn đăng ký, vốn giải ngân đạt 3,2 tỷ USD, thì FDI đã đạt đỉnh cao vào năm 2008: với trên 71 tỷ USD vốn đăng ký và 11,5 tỷ USD vốn thực hiện. Các năm vừa qua 2013-2014, kết quả thu hút FDI đạt ở mức bình quân trên 20 tỷ USD vốn đăng ký, và 12,3 tỷ USD vốn thực hiện vào năm 2014. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thực sự  trở thành trụ cột của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã xây dựng được thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm của mình.

Trả lời câu hỏi vì sao VBF đã không những tồn tại, phát triển mà còn trở thành một sự kiện quan trọng trong nhiều năm qua. Trước hết phải nói đến trách nhiệm rất cao của các đơn vị đã tổ chức, thực hiện VBF: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB Việt Nam), Tổ chức Tài chính Quốc tế tại Việt Nam (IFC Việt Nam), trong đó có sự đóng góp chủ yếu về tài chính và tư vấn của IFC. Tiếp đến, cần phải nhắc đến việc xác định đúng các chủ đề và nội dung của VBF hàng năm.

Căn cứ vào bối cảnh kinh tế hàng năm, chủ đề và các nội dung đưa ra thảo luận tại VBF đều đã đi đúng vào những vấn đề “nóng” của nền kinh tế, chỉ rõ những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt.

Các đề xuất và kiến nghị chính xác, kịp thời của cộng đồng doanh nghiệp trong năm: về các nội dung cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ xung đối với khung pháp luật, chính sách hiện hành; Về các giải pháp và điều hành nền kinh tế, điều hành doanh nghiệp của Chính phủ;… đã được các bộ, ngành tiếp nhận, giải đáp và phần lớn các đề xuất, kiến nghị đó đã được giải quyết trong thời gian giữa hai kỳ VBF đã mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất – kinh doanh sau đó, chứng minh được hiệu quả của hoạt động VBF, vì thế VBF ngày càng hấp dẫn, trở thành một hoạt động quan trọng, không thể thiếu được của doanh nghiệp hàng năm.

Cho đến hết 2014, VBF còn là một sự kiện luôn được tổ chức trước thềm Hội nghị tài trợ của Quốc tế cho Việt Nam với việc xác định các khoản vốn ODA ưu đãi trong năm tiếp theo (từ 2014, Hội nghị này đã được gọi là “ Hội nghị đối tác phát triển”), chứng minh thêm việc VBF không chỉ có tác động, có tầm quan trọng của các cải cách thể chế, quản lý kinh tế của Chính phủ Việt Nam đạt được thông qua các kiến nghị, đề xuất của chính doanh nghiệp tại VBF, VBF còn được cộng đồng các đối tác phát triển đánh giá cao và quan tâm. Bên cạnh đó, kinh nghiệm tổ chức VBF tại Việt Nam, đã được IFC áp dụng để tư vấn tổ chức tại nhiều nước khác.

Ông Charles Schneider – hiện là Chuyên gia cấp cao của IFC tại Myanmar, người đang cùng với các chuyên gia khác phối hợp với IFC Việt Nam thực hiện việc tư vấn, hỗ trợ Bộ Thương Mại Myanmar (Bộ được Chính phủ Myanmar giao làm đầu mối), Phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar (UFMCCI) tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Myanmar (MBF) lần thứ nhất (dự kiến tổ chức vào cuối tháng 7/2015), cho biết: “với kinh nghiệm tổ chức VBF của Việt Nam, IFC đã phối hợp với Chính Phủ nhiều nước khác tổ chức hoạt động diễn đàn này. Đến nay đã có tới gần 30 quốc gia đã thực hiện. Riêng tại châu Á có đến gần 10 quốc gia tổ chức hoạt động diễn đàn này như: Lào, Campuchia, Bangladet, Nepal,… và sắp tới là Myanmar”.

Ông cũng cho biết thêm, ông sẽ cùng với Đoàn đại biểu Myanmar, gồm Quốc Vụ khanh Phủ Tổng thống, Thứ trưởng Bộ Thương Mại,… vào Hà Nội dự VBF giữa kỳ 2015 vào ngày 9/6/2015 tới.

Chủ đề chính của VBF giữa kỳ 2015 như các năm trước luôn đi vào các vấn đề “nóng” trong năm, là “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế”, với các nội dung thảo luận chính: Đánh giá môi trường kinh doanh; Tác động của việc thực hiện các Luật mới như Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật kinh doanh bất động sản,…; Hiện đại hóa thị trường Ngân hàng và vốn; Phát triển CSHT và thực hành PPP;…

Được biết, từ năm 2012, IFC đã chuyển giao việc tổ chức VBF và việc tài trợ kinh phí cho hoạt động VBF đến 16 thành viên liên minh và liên kết VBF gồm các Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn FDI tại Việt Nam (như AMCHAM, EUROCHAM, JBAV,…), VCCI và Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội. Việc chuyển giao thực hiện này từ IFC sang cho các thành viên liên minh, liên kết VBF nêu trên, cho thấy sự phát triển và nhận thức về trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đối với công cuộc đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư – kinh doanh Việt Nam đã được tăng cường và có trách nhiệm hơn.

Sự tham gia trực tiệp, nhiều hơn, có trách nhiệm hơn của các thành viên cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vào tổ chức, thực hiện VBF, VBF sẽ phản ánh được nhiều hơn, có các kiến nghị cụ thể hơn, sát thực tiễn sản xuất – kinh doanh hơn… sẽ giúp cải cách, đổi mới, điều hành của Chính phủ sẽ sâu sát hơn, nhanh hơn, có hiệu quả hơn, theo hướng tăng cường vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, tăng cường đối ngoại, tạo sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp – Đó chắc sẽ là cách ứng xử của Chính phủ và là mục tiêu mà VBF cần hướng đến trong thời gian tời.

VBF thực sự là một Diễn Đàn quan trọng, một kênh đối thoại thẳng thắn, cởi mở giữa Chính phủ và Cộng đồng doanh nghiệp, một hoạt  động có hiệu quả đã góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp Việt Nam trong những năm vừa qua. Năm 2014, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian đến tham dự và phát biểu chỉ đạo tại cả hai kỳ VBF 2014.

Tin bài liên quan