Ảnh Internet

Ảnh Internet

Vải thiều chưa xuất Mỹ vẫn sẽ có thị trường ASEAN và khu vực

(ĐTCK) Theo dự báo, niên vụ vải thiều năm 2015, tổng sản lượng ước đạt trên 200.000 tấn quả tươi. Bộ Công thương dự báo sẽ tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng khoảng 120.000 tấn; xuất khẩu khoảng 40%, tương ứng 80.000 tấn.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, niên vụ vải thiều năm 2015, tổng sản lượng ước đạt trên 200.000 tấn quả tươi. Thời gian thu hoạch vải thiều niên vụ năm nay dự kiến sớm hơn, từ ngày 15/5 đến 05/6/2015 (tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Yên, Lục Nam và Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang), thu hoạch vải chính vụ dự kiến từ ngày 01/6 đến 20/7/2015.

Với tổng sản lượng này, Bộ Công thương dự báo sẽ tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng khoảng 120.000 tấn (chủ yếu là quả tươi); xuất khẩu khoảng 40%, tương ứng 80.000 tấn (trong đó khoảng 85% là quả tươi, 15% là quả sấy khô và chế biến bóc cùi đông lạnh) với thị trường chính là Trung Quốc, các nước ASEAN như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore... và các nước châu Âu. Bên cạnh đó, gần đây có tín hiệu tốt từ các thị trường Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng, chiếm khoảng 90% tổng sản lượng xuất khẩu.

Về giá cả, theo đánh giá của Bộ Công thương, giá vải thiều năm nay được dự báo ổn định và có mức tương đương với năm 2014.

Để đẩy mạnh tiêu thụ, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tổ chức một số Hội nghị xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều năm 2015 tại Bắc Giang và TP. HCM, đồng thời trực tiếp làm việc với chính quyền một số địa phương phía Trung Quốc và các doanh nghiệp kinh doanh vải thiều của Việt Nam.

Về lâu dài, Bộ Công thương cho biết, đang tiếp tục đàm phán một cách tích cực các hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA với EU, Liên minh thuế quan. Theo đó, nếu các hiệp định này được ký kết, sẽ mở ra những cơ hội lớn cho nhiều sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có mặt hàng vải thiều tươi.

Cụ thể, trong nhóm này, nhiều mặt hàng nông - thủy sản, mặt hàng chế biến của Việt Nam gần như được đưa về mức thuế bằng 0% hoặc ở mức thấp để sau đó tiến tới bằng 0%. Bên cạnh đó là việc dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm hàng hóa của các nước có thể tiếp cận thị trường của nhau một cách dễ dàng.

Tin bài liên quan