Ưu tiên phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp

(ĐTCK) Tại nhiệm kỳ mới 2016 - 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện quan điểm cứng rắn, quyết liệt trong việc giải quyết những khó khăn hiện tại của nền kinh tế, cũng như vướng mắc của doanh nghiệp nội địa, coi đây là một nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Nhiều thông điệp mạnh mẽ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, doanh nghiệp tư nhân chính là động lực phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập xã hội. Vì thế, cần phải có chính sách riêng để nhóm doanh nghiệp này phát triển và hội nhập. Việc yêu cầu mỗi địa phương phải công khai đường dây nóng, website, hướng dẫn thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đã thể hiện quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp của ông.

Đặc biệt, việc Thủ tướng ngay lập tức có chỉ đạo không được “hình sự hóa” quan hệ kinh tế tại vụ quán cà phê Xin Chào cho thấy, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

Tại kỳ họp thứ I, Quốc hội Khóa XIV, người đứng đầu Chính phủ cũng không ngần ngại chỉ ra những khó khăn, hạn chế của nền kinh tế hiện nay. Đó là tình trạng bội chi ngân sách kéo dài, tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại; áp lực nợ công và khó khăn trong xử lý nợ xấu; khó khăn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước chưa hiệu quả… Những khó khăn này, theo Thủ tướng, đang gây áp lực cho phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm và những năm tiếp theo. 

Cam kết gỡ các nút thắt của nền kinh tế

Để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, nhất là cho doanh nghiệp, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên những nhiệm vụ, đồng thời đề xuất giải pháp sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Theo đó, việc ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục là trọng tâm, được đánh giá là nền tảng của sự tăng trưởng bền vững. Để làm được điều này, Chính phủ cho biết, sẽ có chính sách linh hoạt về tài khóa, tiền tệ, kiểm soát lạm phát, tiếp tục giảm lãi suất và đảm bảo vốn cho nền kinh tế. Đặc biệt, việc chống thất thu thuế, giảm nợ thuế cũng trở thành nhiệm vụ hàng đầu.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cam kết sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường chứng khoán, thị trường mua bán nợ. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa Việt Nam, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, xóa bỏ cơ chế xin cho, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Mục tiêu là ngay trong năm 2016, Việt Nam đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh tối thiểu bằng mức trung bình của khu vực.

Cũng trong năm 2016, Chính phủ sẽ thực hiện tái cơ cấu tổng thể kinh tế và tái cơ cấu các ngành; chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng. Đồng thời cam kết tiếp tục xóa bỏ các rào cản, ưu tiên phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp.

Để làm được việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện hệ thống pháp luật về đăng ký và hoạt động của doanh nghiệp, kiên quyết xóa bỏ các giấy phép con không còn phù hợp. 

Về việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, vấn đề đang gặp khó khăn kéo dài, theo cam kết của Thủ tướng, Nhà nước sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ vốn bán ra, thoái vốn ngoài ngành, đồng thời xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ này.

Với hàng loạt những việc đã làm trước nhiệm kỳ mới, Chính phủ hiện tại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được đánh giá là một chính phủ hành động, quyết liệt và nhìn thẳng vào những khó khăn, thách thức của mình. Chính phủ đang đi đúng hướng, vấn đề là phải tự tin đi tiếp con đường đã đi dù còn khó khăn.     

Tin bài liên quan