“Tuýt còi” 17 trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe

“Tuýt còi” 17 trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe

Thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải vừa chỉ ra hàng loạt sai sót, vi phạm trong đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới tại nhiều địa phương và cả các cơ sở tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Đụng đâu… thiếu đấy

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa hoàn tất Kết luận Thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở GTVT, 31/56 đơn vị thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam và 6 tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình.

Ngoại trừ Bắc Cạn, Tuyên Quang có lưu lượng đào tạo khiêm tốn, 4 tỉnh còn lại đều có lưu lượng đào tạo lái xe ô tô rất lớn. 

Thời gian qua, nhằm siết chặt đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, Bộ GTVT đã ban hành bộ câu hỏi dành cho học viên học lái xe tăng lên 450 câu, bài sát hạch cũng tăng thêm độ khó và đưa camera vào quản lý, giám sát.

Dù vậy, mỗi lần thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ GTVT vẫn phát hiện hàng loạt các vi phạm tại các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe.

Vi phạm mà nhiều trung tâm đào tạo lái xe bị “thổi còi” nhiều nhất là hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo chưa đảm bảo so với quy định tại Nghị định số 65/2016/NĐ - CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

Cụ thể, đối với hệ thống phòng học chuyên môn, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện Trung tâm Dạy nghề GTVT Thành Nam (Ninh Bình) thiếu 1 phòng học Kỹ thuật lái xe; Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe PTS (Nghệ An) thiếu 1 phòng học Pháp luật giao thông đường bộ so với lưu lượng đào tạo lái xe được cấp; Trung tâm Đào tạo lái xe ô tô Công ty CP Vận tải, Dịch vụ và xây dựng Bắc Kạn có phòng học Kỹ thuật lái xe được bố trí trong lán xe, không phù hợp để tổ chức giảng dạy.

Kết quả thanh tra cho thấy, 5 đơn vị dù có phòng học Thực tập bảo dưỡng sửa chữa hoặc phòng học Kỹ thuật lái xe không đủ trang thiết bị phục vụ giảng dạy.

Về xe tập lái, đoàn Thanh tra cũng phát hiện có tới 30/31 đơn vị được kiểm tra có sân tập lái thiếu biển báo hiệu đường bộ, hoặc có biển báo hiệu không đúng quy định tại QCVN 40:2015/BGTVT;

Đặc biệt, sân tập lái số 1 của Trường Trung cấp Nghề Bình Minh (Quảng Bình) có diện tích chưa đáp ứng quy định tại điểm a, Khoản 3, Điều 6, Nghị định số 65/2016/NĐ - CP; Trường Trung cấp Nghề GTVT Thanh Hóa có số lượng sân tập lái chưa phù hợp với lưu lượng đào tạo lái xe được cấp.

Mặc dù là một trong những điều kiện vật chất tối thiểu cần có, nhưng tại Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang, Thanh tra Bộ GTVT ghi nhận số lượng xe tập lái hiện có không đáp ứng lưu lượng đào tạo lái xe ô tô được cấp; số lượng xe tập lái hiện có của Trường Cao đẳng Kỹ thuật công, nông nghiệp (Quảng Bình) không đáp ứng lưu lượng đào tạo lái xe ô tô được cấp.

Lộn xộn tuyển sinh 

Một tình trạng khá phổ biến là công tác tuyển sinh tại các cơ sở đào tạo lái xe được thực hiện thiếu nghiêm túc.

Theo đó, một số hồ sơ học viên học lái xe tại 16 đơn vị có không có giấy khám sức khỏe, hoặc giấy khám sức khỏe ghi ngày khám sau ngày khai giảng khóa học...

Về công tác đào tạo, Thanh tra Bộ GTVT cho biết, có 19 đơn vị không xây dựng, ban hành giáo trình đào tạo lái xe trên cơ sở giáo trình khung của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hoặc không ban hành văn bản về việc sử dụng giáo trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm giáo trình giảng dạy.

Tình trạng thiếu nghiêm túc trong đào tạo lái xe ô tô còn thể hiện ở việc nhiều giáo viên không tự ghi chép hoặc ghi chép sơ sài, mang tính hình thức tại sổ lên lớp, giáo án giảng dạy và sổ theo dõi thực hành lái xe.

Sổ theo dõi thực hành lái xe in sẵn không có đủ chữ ký của trưởng ban nghề, giáo viên, học viên; ghi chép, phân bổ một số nội dung, thời gian, địa điểm đào tạo không phù hợp với thực tế giảng dạy. 

Liên quan đến công tác sát hạch lái xe, Thanh tra Bộ GTVT cho biết, Sở GTVT Ninh Bình thường xuyên tổ chức lại kỳ sát hạch lái xe ngay trong ngày hôm sau (có quyết định thành lập hội đồng sát hạch) cho số học viên không đạt của kỳ sát hạch ngày trước đó; không công khai kế hoạch tổ chức các kỳ sát hạch này trên Trang thông tin điện tử của Sở theo quy định; tổ chức một số kỳ sát hạch lái xe ô tô không nằm trong kế hoạch sát hạch đã được công bố.

Cần phải biết rẳng, nếu công tác đào tạo, sát hạch lái xe bị buông lỏng sẽ khiến chất lượng lái xe đi xuống, ảnh hưởng lớn tới an toàn giao thông.

17 trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe vi phạm Nghị định số 65/2016/NĐ – CP
Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo lái xe Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I 
Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo lái xe Học viện Quốc tế 
Trường Cao đảng Nghề dân tộc nội trú Bắc Kạn
Trường Cao đẳng Nghề số 1 BQP - Chi nhánh Đào tạo lái xe Bắc Kạn
Trung tâm Đào tạo lái xe ô tô - Công ty CP Vận tải, Dịch vụ và xây dựng Bắc Kạn
Trường Cao đẳng Nghề KT - CN Tuyên Quang 
Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình 
Trường trung cấp Nghề GTVT Thanh Hóa; 
Trường Cao đẳng Nghề số 4 BQP 
Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe 
Trung tâm Đào tạo lái xe cơ giới đường bộ (Công ty CPVT Nghệ An) 
Trung tâm Đào tạo lái xe Công ty CP đầu tư và phát triển Miền Trung
Trung tâm Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ Nghệ An 
Trung tâm Đào tạo lái xe cơ giới đường bộ Sông Biển (Nghệ An) 
Trường Cao đẳng Nghề Quảng Bình 
Trường Trung cấp Nghề Bình Minh (Quảng Bình) 
Trường Cao đẳng Kỹ thuật công, nông nghiệp (Quảng Bình)

Tin bài liên quan