Tụt hậu đã hiện hữu, nền kinh tế không còn đường lùi

Tụt hậu đã hiện hữu, nền kinh tế không còn đường lùi

(ĐTCK) Đổi mới theo hướng cải cách cơ bản, sâu và rộng để nâng cấp thể chế kinh tế thị trường đã và đang trở thành yêu cầu cấp thiết, giúp Việt Nam thoát khỏi nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thông điệp này đã được các chuyên gia nhấn mạnh tại Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức với chủ đề “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-2035”.

Tụt hậu đã hiện hữu, không còn là nguy cơ

Đánh giá về tương quan vị trí của Việt Nam trên bản đồ kinh tế khu vực và thế giới, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên thẳng thắn cho rằng: “Không nên nói tụt hậu là nguy cơ mà thực tế đã tụt hậu xa hơn ở một số lĩnh vực”. Ông Thiên nhấn mạnh, tụt hậu đã là thực tế hiện hữu, chứ không phải là nguy cơ.

Các con số thống kê về kinh tế, xã hội mà Tổng cục Thống kê đưa ra đã minh chứng cho nhận định này. Theo đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2.052 USD/người/năm, gấp 21 lần năm 1990; nhưng chỉ tương đương mức GDP bình quân của Malaysia (năm 1988), Thái Lan (năm 1993), Indonesia (năm 2008), Philippines (năm 2010); Hàn Quốc (năm 1982). Trong năm 2014, GDP bình quân đầu người của Việt Nam bằng 3/5 của Indonesia, 2/5 của Thái Lan, 1/5 của Malaysia, 1/14 của Hàn Quốc và bằng 1/27 của Singapore.

Trên bình diện cơ cấu kinh tế và các cân đối vĩ mô cũng có nhiều điểm đáng lưu tâm. Theo Tổng cục Thống kê, cơ cấu kinh tế của Việt Nam vừa qua đã chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng còn chậm, tỷ trọng nông nghiệp còn lớn so với một số nước trong khu vực. Trong khi đó, các cân đối vĩ mô có xu hướng lệch một cách thiếu tích cực. Cụ thể, tỷ lệ tiết kiệm so với GDP luôn thấp hơn tỷ lệ đầu tư so với GDP và đang có xu hướng giảm dần từ 28,94% năm 2005 xuống 28,44% năm 2010 và tụt xuống 27% vào năm 2013.

Về cân đối tài khóa, tình trạng bội chi ngân sách và nợ công có xu hướng tăng lên gần đây, khi tỷ lệ nợ Chính phủ so với GDP xếp thứ 9 trong khu vực ASEAN, so với thứ 5 vào năm 2013. Thị trường tài chính Việt Nam phát triển tương đối yếu và còn nhiều bất ổn so với một số nước trong khu vực. Điều này thể hiện ở giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu của các công ty niêm yết Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Năm 2014, vốn hóa TTCK Việt Nam mới đạt khoảng 52 tỷ USD, chỉ bằng 1/2 TTCK Philippines; 1/6 TTCK Malaysia; 1/10 TTCK Singapore.

Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng và hiệu quả nền kinh tế thấp so với các nước trong khu vực, thể hiện ở chi phí đầu vào cho sản xuất của Việt Nam có xu hướng tăng dần qua các năm từ 1996 trở lại đây. Mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất có xu hướng tăng, trong khi hiệu quả sử dụng năng lượng, hiệu quả đầu tư các nguồn vốn cũng như đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp cho tăng trưởng lại thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực.

Khoảng cách tương đối về năng suất lao động với các nước ASEAN đã được thu hẹp dần, song khoảng cách tuyệt đối so với một số nước thuộc nhóm phát triển trong khu vực lại gia tăng mạnh. Theo cảnh báo của TS Trần Đình Thiên, đặt trong bối cảnh xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, sự tụt hậu này sẽ là một tình thế đầy nguy hiểm và thách thức cho phát triển.  

Cải cách không thể chần chừ

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: “Chúng ta đang đứng trước tình trạng không còn đường lùi”. Để đạt được mục tiêu phát triển, thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực chứ chưa nói tới thế giới, ông Cung cho rằng, chỉ có cách duy nhất là nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài nguyên, nâng cao năng suất lao động thông qua thay đổi thể chế.

Nhờ đó thiết lập hệ thống khuyến khích lành mạnh, thay thế hệ thống khuyến khích sai lệch hiện nay; tạo điều kiện để nguồn lực được phân bổ và sử dụng bởi thị trường, theo tín hiệu của thị trường cạnh tranh công bằng thay, cho tín hiệu của thị trường méo mó và thân hữu.

 Một cách cụ thể, ông Cung nhấn mạnh, bản chất của việc đổi mới lần này là nâng cấp chất lượng của nền kinh tế Việt Nam theo hướng nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ và hội nhập. Theo đó, nội dung cải cách nằm ở các phía thị trường và Nhà nước. Trong đó về phía thị trường, phát triển toàn diện các loại thị trường, đặc biệt là thị trường vốn, đất đai, tài nguyên và đảm bảo về thể chế để các thị trường này vận hành hiệu quả.

Về phía Nhà nước, cần thu hẹp phạm vi, quy mô của Nhà nước, đổi mới toàn diện quản trị quốc gia, gồm đổi mới vai trò, chức năng của Nhà nước, đổi mới cơ cẩu tổ chức Nhà nước, nhất là cơ cấu Chính phủ, các bộ và cơ quan thuộc bộ máy Chính phủ.

Đối với giai đoạn 2016-2020, ông Cung nhấn mạnh, cần tập trung các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tập trung chủ yếu vào cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, các quy định quản lý chuyên ngành xuất khẩu và nhập khẩu, các quy định về thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường; tạo và củng cố thêm mức độ an toàn, giảm chi phí, rủi ro và tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh…   

Tin bài liên quan