Từ vụ nhập máy y tế “hết đát”, thấy gì về hiện trạng nhập máy móc “rác thải”

Từ vụ nhập máy y tế “hết đát”, thấy gì về hiện trạng nhập máy móc “rác thải”

Thông tư 20/2014/TT-BKHCN do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 15/7/2014 đang gặp phải sự phản ứng gay gắt từ các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Quy định khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại nhất là quy định về tuổi đời của máy móc, thiết bị được phép nhập khẩu. Cụ thể, Điều 6, Thông tư 20/2014/TT-BKHCN quy định, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu nếu có thời hạn sử dụng không quá 5 năm. Riêng máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong ngành bia, rượu, nước giải khát có cồn và không cồn, ngành bưu chính thì thời gian sử dụng không quá 3 năm; còn máy móc, thiết bị trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, đóng tàu, sửa chữa tàu, xây dựng công trình giao thông…, thì không quá 7 năm. 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Giám đốc Công ty TNHH Máy xây dựng Kim Long, ông Doãn Quý Huỳnh tỏ ra lo lắng, bởi nếu theo quy định trên, từ ngày 1/9/2014, thời điểm Thông tư 20 có hiệu lực, các doanh nghiệp không còn có cơ hội mua máy móc, thiết bị đã qua sử dụng với giá rẻ, mà sẽ phải mua máy mới hơn với giá cao hơn nhiều lần. “Lúc đó, chúng tôi chỉ có cách bán hết hàng đã nhập rồi nghỉ”, ông Huỳnh nói.

Gần 20 năm nay, Công ty TNHH Minh Thanh phát triển tốt nhờ nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ từ các nước phát triển như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc. Riêng với các sản phẩm được nhập khẩu từ Nhật Bản, Giám đốc Công ty là ông Lê Văn Định phải sang tận nơi tham gia đấu giá cùng nhiều doanh nghiệp từ các nước phát triển khác.

Những máy móc của Nhật Bản trước khi bán ra đã được kiểm định chất lượng nhất định. Sau khi những máy này được đưa về Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục kiểm tra rất chặt, chỉ cần sản phẩm thiếu đèn, gương thì cũng không được đăng kiểm.

“Nếu Thông tư 20 có hiệu lực, thì gần như 100% doanh nghiệp nhập khẩu máy công trình đã qua sử dụng phải đóng cửa, bởi không đủ nguồn lực nhập khẩu máy móc mới hơn. Ngay cả những doanh nghiệp đủ lực nhập những dòng máy móc mới với giá cao thì cũng khó tìm được khách hàng mới”, ông Định nói.

Câu chuyện về việc nhập máy cũ giá cao có thể khiến doanh nghiệp rơi vào nguy cơ phá sản được ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Thiết bị Xây dựng Vân Phong dẫn chứng từ chính công ty mình. Năm 2009, Công ty Vân Phong nhập một máy sản xuất từ năm 2000 với giá trên 11 tỷ đồng, nhưng phải đắp chiếu 4 năm trước khi bán được với giá trên 8 tỷ đồng.

Nói về lý do ban hành Thông tư 20, bà Trần Tuyết Nhung, Phó vụ trưởng Vụ Đánh giá và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, thực tế cho thấy, nhiều máy móc nhập khẩu về đến cửa khẩu, nhưng không doanh nghiệp nào dám nhận do không đạt chất lượng. Có nhiều trường hợp máy được nhập về, nhưng không vận hành được, do hỏng hóc và không có thiết bị thay thế.

Trước ý kiến này, ông Nguyễn Văn Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hạnh cho rằng, bất cứ lĩnh vực nào cũng có tiêu cực, nên không thể lấy một vài biểu hiện tiêu cực rồi đánh đồng để hoạch định chính sách. “Doanh nghiệp chúng tôi không được tham vấn ý kiến để xây dựng Thông tư 20. Nếu các chính sách được xây dựng và ban hành mà không có sự tham vấn trực tiếp những đối tượng bị tác động, thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, cản trở sự phát tiển của nền kinh tế”, ông Thọ nói.

Điều 6 của Thông tư 20 còn đưa ra một điều kiện khác đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu, đó là “chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên”.

Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, quy định này rất khó thực hiện. “Chúng tôi làm trong ngành kiểm định chất lượng khá lâu, nhưng chưa bao giờ xác định được máy móc còn bao nhiêu phần trăm chất lượng. Vì vậy, cần có hướng dẫn chi tiết về cách đánh giá chất lượng cụ thể”, ông Hải đề nghị.

Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa đã được ban hành từ năm 2008, giao trách nhiệm kiểm định chất lượng của máy móc, thiết bị cũ nhập khẩu cho Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ này cũng đã ban hành Thông tư 63/2011/TT-BGTVT quy định cụ thể vấn đề kiểm định chất lượng hàng hóa.

Vì vậy, việc Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành thêm Thông tư 20 sẽ gây hiện tượng chồng chéo, thêm khó khăn cho doanh nghiệp. “Tôi vẫn lưu ý các nhà làm luật rằng, đời sống của luật là thực tế và kinh nghiệm chứ không phải là logic, nên nếu ngồi trong phòng mà làm luật logic thì sẽ bị thực tế đào thải”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.

Tin bài liên quan