Tự bảo vệ mình, start-up cần thẩm định nhà đầu tư

Tự bảo vệ mình, start-up cần thẩm định nhà đầu tư

Ở Việt Nam, đại đa số start-up đều đang “chờ” nhà đầu tư. Chỉ một số ít start-up đủ tiềm lực và đang phát triển mới thường đặt ra các tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư. Đó là điểm khởi đầu để yêu cầu thẩm định nhà đầu tư được đặt ra trước khi nhận vốn.

Tự bảo vệ mình

Việc tiến hành thẩm định ngược nhà đầu tư là cơ sở để start-up đảm bảo an toàn pháp lý về dòng vốn tiếp nhận, tăng tính trách nhiệm của nhà đầu tư và cũng là để start-up hiểu rõ hơn về con đường hợp tác phát triển của các bên.

Thực tế cho thấy, có không ít nhà đầu tư sử dụng việc đầu tư vào start-up (hoặc lập ra các công ty khởi nghiệp) như là một công cụ để hợp thức hóa dòng tiền hay hoạt động như các công cụ đầu tư.

Hay chuyện nhà đầu tư “bẩn” sử dụng các phương thức đầu tư không minh bạch, trốn thuế, “lách thuế” thông qua các khoản đầu tư phi truyền thống hay pháp luật chưa quy định.

Việc kiện tụng nhà đầu tư là việc không tưởng, hầu như ít start-up đủ tiềm lực thực hiện việc này. Do đó, việc start-up gọi vốn cần thẩm định nhà đầu tư ngay từ ban đầu là cách hiệu quả để hạn chế rủi ro và tổn thất sau này. 

Thẩm định gì và như thế nào?

Đó là câu hỏi dễ dàng đặt ra, nhưng không phải start-up nào cũng biết và có thể thực hiện. Thông thường, với tâm thế của bên yếu thế - “cửa dưới”, start-up quên đi tính chất pháp lý của giao dịch bình đẳng để đàm phán đôi bên cùng có lợi.

Quan hệ hợp tác - đầu tư phải là quan hệ mang tính song vụ, tức là quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại.

Start-up cần thẩm định về quá trình đầu tư, về kinh doanh, nguồn vốn… và các vấn đề liên quan đến nghiệp vụ - đạo đức đầu tư của nhà đầu tư trước khi làm việc. Về tài chính, cần tìm hiểu và biết rõ dòng tiền đầu tư sẽ được “bơm” vào start-up.

Với kinh nghiệm từ việc tư vấn các thương vụ đầu tư vào start-up, xin liệt kê 5 điểm cốt lõi mà start-up cần lưu ý để có thể tự thẩm định nhà đầu tư, từ đó hạn chế rủi ro khi tiếp nhận vốn như sau:

Thứ nhất, hiểu rõ về tư cách pháp lý mà nhà đầu tư sử dụng để đầu tư vào start-up của mình. Đó có thể là công ty địa phương, công ty “ngoài khơi” hoặc được đầu tư trực tiếp bằng tư cách cá nhân.

Mỗi tư cách khác nhau sẽ dẫn đến các trách nhiệm pháp lý khác nhau của start-up và nhà đầu tư trong giao dịch (đặc biệt là thuế).

Thứ hai, xem xét kỹ tính pháp lý và mục đích sử dụng nguồn vốn của nhà đầu tư sau giao dịch, đặc biệt là nguồn vốn được cấp từ nhà nước - vốn có nguồn gốc từ tổ chức tín dụng hoặc vốn không rõ nguồn gốc từ nước ngoài.

Thứ ba, tìm hiểu hoặc yêu cầu nhà đầu tư công bố các thông tin về mình, nếu là pháp nhân thì đó là giấy phép, điều lệ, báo cáo tài chính hoặc xác nhận tài chính…

Thậm chí, trong một số trường hợp, phải cung cấp bản nghị quyết (hoặc văn bản tương đương) về thẩm quyền đầu tư hoặc người được ủy quyền đại diện đầu tư vào start-up.

Thứ tư, start-up tự học cách tra cứu, tìm kiếm thông tin về lịch sử đầu tư và đạo đức đầu tư của nhà đầu tư. Mở rộng hơn, họ cần hiểu rõ các danh mục đầu tư tiềm năng và những thương vụ đầu tư trong quá khứ của nhà đầu tư.

Các hiểu biết này giúp start-up biết thêm về “khẩu vị” đầu tư, cũng như cách thức làm việc, hợp tác tốt nhất.

Thứ năm, cần biết rõ về trách nhiệm pháp lý với cơ quan chức năng, người lao động và các bên liên quan sau khi nhận vốn. Có thể sau khi nhận vốn, trách nhiệm start-up đã lớn hơn, nên khi xảy ra các rủi ro từ phía nhà đầu tư, start-up thường gánh chịu nhiều hậu quả hơn.

Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng

Giả định rằng, nếu kết quả thẩm định nhà đầu tư không tốt hoặc không có khả năng thẩm định cần thiết, start-up nên đàm phán đưa các điều khoản then chốt để ràng buộc trách nhiệm đầu tư. Vấn đề pháp lý cần nghiêm ngặt hơn, nếu các kết quả thẩm định nhà đầu tư là không tốt.

Việc thẩm định nhà đầu tư không chỉ dừng lại trước khi gọi vốn, mà nên được tiến hành một cách đều đặn và trải dài qua từng giai đoạn để đảm bảo tính an toàn cho start-up trong suốt quá trình vận hành và tăng trưởng.

Tin bài liên quan