Từ ngày 8/3, K+ áp dụng một giá thuê bao cho mọi thời hạn đăng ký, đồng thời giảm giá thiết bị

Từ ngày 8/3, K+ áp dụng một giá thuê bao cho mọi thời hạn đăng ký, đồng thời giảm giá thiết bị

Truyền hình trả tiền vào cuộc chiến khốc liệt

Thị trường truyền hình trả tiền đang nóng lên khi các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền có những động thái cạnh tranh trực tiếp.

Truyền hình số K+, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với 600.000 thuê bao mới đây đã công bố chiến lược kinh doanh mới. Theo đó, từ ngày 8/3, K+ chính thức cơ cấu lại 3 gói kênh và áp dụng một giá thuê bao cho mọi thời hạn đăng ký, giảm giá thiết bị.

Cụ thể, 3 gói kênh Access+, Premium+ và HD+ được cơ cấu lại thành 2 gói kênh mới là Access+ và HD+. Phí thuê bao gói Access+ là 85.000 đồng/tháng và PremiumHD+ là 220.000 đồng/tháng bất kể thời hạn 3, 6 hay 12 tháng. Ngoài ra, K+ còn giảm giá thiết bị đầu thu SD từ 1,5 triệu đồng xuống còn 990.000 đồng; HD từ 2 triệu đồng/bộ xuống còn 1,8 triệu đồng/bộ.

Động thái này của K+ được giới chuyên môn nhận định là “phả hơi nóng vào gáy” các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, đi trước trong cạnh tranh về giá thuê bao, nhằm thu hút khách hàng.

Nhận định trên là có cơ sở, khi trước đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel đưa ra thông điệp rằng, Viettel tiếp tục định hướng cung cấp dịch vụ giá rẻ, nhằm đáp ứng đa phần nhu cầu của người tiêu dùng tại Việt Nam và truyền hình cáp là một trong những mũi nhọn tích hợp các tiện ích về kết nối và nội dung đến từng gia đình.

Trước đó, như Báo Đầu tư đã thông tin, Viettel được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp vào ngày 26/4/2013 và theo cam kết trong vòng 12 tháng, sẽ khai trương dịch vụ, nếu không kịp sẽ tự chịu phạt 30 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là, cuối tháng 4/2014, Viettel sẽ khai trương dịch vụ. Chiến lược của Viettel là nhắm tới đối tượng khách hàng nông thôn, vùng sâu vùng xa, tận dụng lợi thế về hạ tầng truyền dẫn. Trong chiến lược này, Viettel được đánh giá là có lợi thế rất lớn và hoàn toàn có khả năng để tung ra một mức giá thuê bao thực sự cạnh tranh, có thể làm “giật mình” các nhà đài khác.

Ông Cao Văn Liết, Tổng giám đốc K+ cho biết, việc giảm giá thuê bao, thiết bị của K+ tất nhiên sẽ ảnh hưởng tới doanh thu của K+. Tuy nhiên, trong truyền hình trả tiền, nhiều nhà đài khác có mức giá thuê bao thấp hơn, nhưng vẫn có lãi. Đối với K+, việc giảm giá là bài toán nghiêng về khách hàng hơn, có sự điều chỉnh chiến lược để có lợi hơn cho khách hàng.

Cuộc cạnh tranh về giá trong truyền hình trả tiền tất nhiên sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn đến chính các nhà mạng. Nhưng theo lãnh đạo K+, một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng là việc phải tạo ra sự khác biệt về chất lượng nội dung. Và ở trong lĩnh vực này, rõ ràng, K+ đang chiếm ưu thế, khi sở hữu bản quyền Giải Ngoại hạng Anh tới năm 2016, cũng như phát sóng nhiều chương trình truyền hình ăn khách trong lĩnh vực bóng đá, thể thao, giải trí.

“Năm 2014, K+ sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Với chiến lược khác biệt trong thị trường cạnh tranh tập trung chất lượng nội dung để thu hút khách, chúng tôi thường xuyên thực hiện nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu khách hàng để có các chương trình độc đáo, đặc sắc”, ông Jacques Aymar, Phó tổng giám đốc K+ khẳng định.

Ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đánh giá, truyền hình trả tiền là thị trường cạnh tranh lành mạnh, việc nhà đài cung cấp dịch vụ với chất lượng tốt, giá rẻ thì người tiêu dùng sẽ được lợi.

Trước những lo ngại của doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền hình trả tiền rằng Viettel sẽ áp dụng chiến lược giá rẻ như từng áp dụng và chiến thắng trong lĩnh vực viễn thông, ông Cường cho biết, giả sử Viettel xây dựng mức giá 40.000 đồng/tháng, thì nhiều khả năng sẽ không được các cơ quan có thẩm quyền đồng ý, bởi liên quan đến nhiều yếu tố như khấu hao, bù chéo hay các quy định trong giấy phép.

“Hiệp hội vừa có văn bản gửi các bộ Công thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, về việc phải hoàn tất xây dựng mức giá sàn trong quý II/2014, để chống cạnh tranh không lành mạnh”, ông Cường nói.

Tin bài liên quan