Nếu không cẩn thận, Việt Nam sẽ trở thành nơi cho thuê và làm thuê của các trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới

Nếu không cẩn thận, Việt Nam sẽ trở thành nơi cho thuê và làm thuê của các trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới

Trung tâm chế biến mới của thế giới: không dễ cho Việt Nam

(ĐTCK) Hội thảo khoa học quốc tế: “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015” do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, quá trình phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thường trải qua các giai đoạn từ trình độ thấp đến trình độ cao, khởi đầu là thu hút FDI vào các ngành sử dụng nhiều lao động, sau đó chuyển sang giai đoạn tập trung vào nghiên cứu, phát triển.

Thống đốc cho rằng, do các nước có xuất phát điểm khác nhau nên hiện nay đang hình thành nhiều xu hướng dịch chuyển của các trung tâm chế biến, chế tạo trên thế giới. Trong đó, xu thế chủ đạo là sự dịch chuyển các trung tâm chế biến, chế tạo từ các nền kinh tế phát triển sang các nước đang phát triển, bên cạnh xu thế dịch chuyển các trung tâm này giữa các nước trong khu vực và giữa các nước đang phát triển. Ngoài ra, cũng có xu hướng chuyển dịch ngược của các “công xưởng thế giới” từ các nước đang phát triển trở về các nước phát triển.

Ông Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng Khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương của ANZ nhận định, nền kinh tế Trung Quốc đã già đi, đắt đỏ, nên chắc chắn sẽ có sự dịch chuyển trung tâm chế biến, chế tạo sang phía Nam, nhưng xa đến đâu sẽ phụ thuộc vào chính sách của từng quốc gia.

Xét 9 điều kiện tiên quyết để trở thành công xưởng thế giới được ông Glenn Maguire điểm tên, thì Việt Nam tuy có lợi thế của người đi sau, nhưng để trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015, con đường không được trải sẵn.

Thậm chí, nếu không cẩn thận, Việt Nam sẽ trở thành “nơi cho thuê và làm thuê của các trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới”, TS. Tạ Lợi, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân nói.

Thực tế cho thấy, mặc dù Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế dân số vàng, nhưng theo ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương, chất lượng nhân công kỹ thuật và năng suất lao động chưa cao. Nguồn nhân lực dồi dào, song thiếu hụt lực lượng thợ kỹ thuật có tay nghề cao, chất lượng kỹ sư các trường kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế sản xuất, thiếu hụt lực lượng kỹ sư trưởng và tổng công trình sư thiết kế…

Đại diện Hiệp hội Tony Blair cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài cộng tác với các DN trong nước từng đề cập đến việc khó tìm được những nhà cung cấp nội địa đáng tin cậy và quy mô lớn. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Mỹ, “Mazda và Ford, hai nhà sản xuất ô tô chủ chốt cũng đã thông báo chuyển các dự án đầu tư trị giá 700 triệu USD sang các nước láng giềng của Việt Nam, bởi vì họ không thể tìm được những DN Việt Nam có thể cung ứng các bộ phận xe ô tô đơn giản như trục vít, dây điện hay nhựa”.

“Thể chế kinh tế chưa hoàn thiện, gây quan ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hệ thống văn bản pháp luật chưa hoàn thiện: nhiều văn bản luật, văn bản dưới luật chậm được ban hành; trong khi một số văn bản pháp luật đã ban hành vẫn còn tình trạng chồng chéo, hiệu lực thi hành thấp. Công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch còn yếu kém, tác động không nhỏ đến sự phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng”, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV nói.

Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội chia sẻ, trong số các DN Nhật Bản đầu tư vào 15 nước thuộc châu Á và châu Đại Dương, bao gồm cả Việt Nam, khi được hỏi về “rủi ro trong môi trường đầu tư” thì có 58,1% DN chỉ ra đó là “sự gia tăng chi phí nhân công”, 42,4% DN cho là “sự phức tạp trong các thủ tục hành chính”, 38,9% DN cho là “cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện”… Điều mà các DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam coi là “vấn đề” nhất đó là “hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch”, chiếm 60,3%.

Theo ông Glenn Maguire, Việt Nam cần có sự chuyển mình để đảm bảo sự thịnh vượng cho đất nước. Đặc biệt, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam cần bảo đảm sự bền vững của môi trường, nhằm tránh cạn kiệt nguồn tài nguyên.

Theo ANZ, 9 điều kiện để trở thành công xưởng thế giới đó là: dân số trẻ; hệ thống giáo dục và đào tạo nghề bài bản; hệ thống và cơ chế mở để thu hút FDI; tính minh bạch cao và định hướng rõ ràng cho các cải cách trung hạn, bao gồm cả các DNNN; thị trường tài chính cần đủ mạnh để tài trợ trong nước việc mở rộng các hoạt động cổ phần hóa; có khoảng cách gần với các nền kinh tế có thu nhập thấp, tạo điều kiện dễ dàng cho việc mở rộng chuỗi cung ứng; hạ tầng cơ sở, vận tải và thông tin cần được thiết kế đồng bộ và tân tiến, bao gồm cả hạ tầng cơ sở điện tử; sự ổn định về năng lượng; môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.

Tin bài liên quan