Trống ghế CEO, Khách sạn Kim Liên khó “cầu hiền”

Trống ghế CEO, Khách sạn Kim Liên khó “cầu hiền”

(ĐTCK) Áp dụng nhiều giải pháp từ thuê công ty săn đầu người, thông báo tuyển dụng rộng rãi, công khai đến trực tiếp “đi câu” các ứng viên tiềm năng, song HĐQT CTCP Du lịch Kim Liên, đơn vị khai thác khách sạn Kim Liên (Hà Nội), vẫn chưa tìm được tổng giám đốc suốt một năm qua.

Khách sạn Kim Liên đã có lịch sử 50 năm hoạt động và là địa chỉ quen thuộc với người dân Thủ đô. Lợi thế của khách sạn nằm ở chỗ tọa lạc trên khu đất lên tới 3,5 héc-ta, trên phố Đào Duy Anh, ngay giữa trung tâm Thành phố. Với quy mô lên tới 9 toà nhà gồm 437 phòng và 5 nhà hàng, khách sạn có thể phục vụ hàng nghìn lượt khách ăn, ở cùng lúc. Lợi nhuận hàng năm không cao nhưng vẫn đạt 15 - 17 tỷ đồng.

Tiêu chuẩn đặt ra với các ứng viên, theo thông báo của CTCP Du lịch Kim Liên, cũng không quá nghặt nghèo, chủ yếu là có bằng cấp, năng lực điều hành, có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, kinh doanh khách sạn… Thu nhập dành cho nhân sự này cũng không hề thấp, có thể tới cả trăm triệu đồng/tháng, ngoài ra cơ chế thưởng nếu doanh nghiệp có lợi nhuận tốt cũng được đặt ra. Ghế tổng giám đốc tại doanh nghiệp này không hề “xương”, tại sao trong thời gian dài như vậy, khách sạn không chọn được người?

Trao đổi với ĐTCK, một thành viên HĐQT Công ty cho biết, nếu chỉ tuyển CEO có tài trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, thì không quá khó. Tuy nhiên, cổ đông của Công ty mong muốn tối ưu hóa lợi thế khu đất 3,5 héc-ta. Bởi vậy, trong định hướng dài hạn, doanh nghiệp sẽ đầu tư chuyển đổi hệ thống khách sạn, nhà hàng để đem lại lợi ích nhiều hơn. CEO mới do đó phải đáp ứng 2 tiêu chí, vừa kinh doanh khách sạn tốt vừa có khả năng phát triển, quản lý dự án.

Thông qua công ty săn đầu người, một số ứng viên đã được giới thiệu đến doanh nghiệp. Song sau quá trình tìm hiểu hoạt động doanh nghiệp, cũng như trao đổi với Hội đồng tuyển dụng, các ứng viên đều ra đi. Người đòi hỏi mức thu nhập quá cao, người e ngại môi trường làm việc trong một tổ chức có bề dày truyền thống quá lớn sẽ khó điều hành, người không đưa ra được kế hoạch hành động thuyết phục… Rút cuộc, hơn 1 năm qua, ghế CEO vẫn bỏ ngỏ. Các cổ đông lớn của doanh nghiệp dù rất sốt ruột vẫn chưa thể kiếm được người đủ tâm, đủ tài. Hiện một Phó tổng giám đốc của Công ty tạm giữ quyền điều hành. Tuy vậy, HĐQT Công ty cũng phải thừa nhận, thiếu tướng khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý, điều hành.

Câu chuyện tìm CEO của Khách sạn Kim Liên là một ví dụ cho thấy hiện nay nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao vẫn rất lớn, nhất là các vị trí điều hành trong doanh nghiệp. Theo báo cáo mới đây của Navigos, công ty chuyên về lĩnh vực tuyển dụng nhân sự cấp cao, trong quí II các ngành có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao nhiều nhất, bao gồm: sản xuất chiếm 17% nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao; tiêu dùng, bán lẻ chiếm 14%; tài chính - ngân hàng - bảo hiểm chiếm 10%;  công nghệ thông tin chiếm 9% và dệt may chiếm 7%.

Trong số đó, đáng chú ý có ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao tăng mạnh, 14% so với 6% trong quý I.

Với đặc thù là khu vực kinh tế năng động, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao tại TP. HCM vẫn có tỷ lệ cao hơn so với Hà Nội. Mức lương được trả cao nhất trong quí II theo ghi nhận của Navigos thuộc về doanh nghiệp hoạt động tại TP. HCM trong lĩnh vực công nghệ sinh học cho vị trí giám đốc kinh doanh với 161 triệu đồng /tháng. Còn tại Hà Nội, mức lương cao nhất được dành cho vị trí giám đốc nhân sự của một tập đoàn sản xuất với 147 triệu đồng /tháng.

Trong quý II, Navigos đã thống kê thêm về các lĩnh vực được trả lương cao nhất, từ 1.000 USD trở lên. 3 lĩnh vực được trả lương cao nhất bao gồm dịch vụ tài chính; kỹ thuật; bán hàng & tiếp thị.

Tin bài liên quan