Tranh chấp thương hiệu: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

Tranh chấp thương hiệu: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

(ĐTCK) Việc Trung Nguyên từng mất thương hiệu café chồn Legendee Coffee, Vinataba từng mất hơn 1 tỷ đồng để bảo vệ thương hiệu tại nước ngoài là 2 trong số nhiều câu chuyện đang xảy ra với thương hiệu Việt.

Tập trung bán hàng mà quên đi yếu tố quản trị thương hiệu, nhiều doanh nghiệp Việt bỗng dưng một ngày nhận ra “đứa con” của mình đang thuộc quyền sở hữu của một người xa lạ đến từ Mỹ hay châu Âu. 

Mất thương hiệu vì quên không đăng ký

Trung Nguyên được xem là một trường hợp điển hình cho các doanh nghiệp trong câu chuyện mất thương hiệu bởi quên không đăng ký. Năm 2000, thương hiệu café Trung Nguyên tại Mỹ đã bị Công ty Rice Field đăng ký bảo hộ tại Tổ chức Bảo hộ trí tuệ thế giới (WIPO).

Sau 2 năm đàm phán và thương thảo, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu này và Rice Field nhận làm đại lý phân phối tại Mỹ. Thương vụ dàn xếp trên ngốn của Trung Nguyên hàng trăm nghìn USD. Ngay sau đó, công ty này đã đi đăng ký thương hiệu tại 60 quốc gia khác trên thế giới.

Cộng đồng doanh nghiệp khi đó xôn xao về bài học đắt giá “mất bò mới lo làm chuồng” của Trung Nguyên và lấy làm tấm gương để tỉnh táo hơn trong vấn đề bảo hộ thương hiệu ngay tại thị trường nội địa và khi bước ra sân chơi toàn cầu.

Tưởng rằng đã yên ổn nhưng năm 2012, Trung Nguyên lại đau đầu thêm một lần nữa khi bỗng dưng phát hiện thương hiệu Legendee Coffee của mình đã thuộc sở hữu của một cái tên hoàn toàn xa lạ.

Tranh chấp thương hiệu: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng ảnh 1

Cụ thể, trang chủ của Văn phòng về Bằng sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO) cho thấy, bản quyền thương hiệu Legendee Coffee (café legendee - café Chồn) đã được đăng ký tại Mỹ, chủ sở hữu là ông Alexander Nguyen.

Trong khi Trung Nguyên không đăng ký bản quyền Legendee Coffee trên USPTO. Thực tế, Nguyễn Trọng Khoa là người đăng ký và chủ sở hữu tên miền legendeecoffee.com đã bán lại cho ông Alexander.

Tương tự Trung Nguyên, “ông lớn” Vinataba - thương hiệu thuốc lá hàng đầu của Việt Nam bị P.T. Putra Stabat Industri (một công ty của Indonesia) đăng ký sở hữu tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước ASEAN. Vinataba đã phải chi đến 1 tỷ đồng cho việc bảo vệ thương hiệu ở nước ngoài.

Nước mắm Phú Quốc cũng từng bị Công ty Viet Huong Fishsauce - Mỹ đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Mỹ và cộng đồng chung châu Âu, Trung Quốc và Australia.

Hình ảnh thương hiệu mà Viet Huong Fishsauce đăng ký bảo hộ chính xác là có chữ “Phú Quốc” kèm logo là hình con cá cơm và bản đồ Việt Nam, đồng thời có vẽ dấu hiệu chỉ đến vị trí huyện đảo Phú Quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang.

Việc Viet Huong Fishsauce đăng ký nhãn hiệu “Phú Quốc và hình ảnh” dưới tên của mình gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho người tiêu dùng về nguồn gốc Phú Quốc gắn liền với sản phẩm nước mắm nổi tiếng đang được Việt Nam bảo hộ.

Mới đây, sau 3 năm thực hiện các thủ tục, thương hiệu nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) được Ủy ban châu Âu (EC) cấp quy chế bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Liên hiệp châu Âu (EU).

Việc chậm trễ trong đăng ký chứng nhận độc quyền tại nước ngoài đã khiến nhiều doanh nghiệp bị mất thương hiệu hoặc phải tốn rất nhiều công sức, chi phí đòi lại.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải nâng cao tính chuyên nghiệp cho mình, ngoài đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong nước, cần đăng ký tại các quốc gia khác.

Doanh nghiệp cũng cần thường xuyên kiểm soát nhãn hiệu trên thị trường, cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm, thậm chí thuê đơn vị tư vấn chiến lược bảo hộ nhãn hiệu, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Tranh chấp, kiện tụng bảo hộ thương hiệu

Lơ là trong quản trị thương hiệu sẽ khiến doanh nghiệp gặp phải nhiều câu chuyện cười ra nước mắt. Thị trường từng chứng kiến nhiều doanh nghiệp “lời qua tiếng lại” với nhau vì tranh chấp thương hiệu, thậm chí đưa nhau ra tòa.

Đơn cử câu chuyện giữa Công ty cổ phần Sữa Việt Nam(Vinamilk) và Công ty cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood (Nutifood) giằng co nhau nhãn hiệu Grow Plus, sản phẩm dành cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi.

Tháng 5/2015, ngay khi Vinamilk cho ra mắt sản phẩm Dielac Grow Plus lập tức gặp phải phản ứng của Nutifood khi đã lưu hành sản phẩm tên Grow Plus từ năm 2012. Tuy nhiên, cả hai đều đưa ra cái lý của mình, không bên nào phục bên nào.

Phía Nutifood cho rằng, doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý, đảm bảo mình là chủ sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu Grow Plus. Trên cơ sở đó, ngày 23/5/2015 Nutifood đã kiến nghị “Tạm chưa phát sóng quảng cáo sản phẩm Grow Plus của Công ty Vinamilk do Vinamilk sử dụng nhãn hiệu hàng hóa có khả năng gây nhầm lẫn”.

Vinamilk khẳng định, nhãn hiệu Dielac Grow Plus của mình tuân thủ quy định pháp luật khi đưa ra thị trường. Dielac Grow Plus cũng đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo quy định. Đến nay, 2 sản phẩm vẫn song hành xuất hiện trên thị trường.

Một câu chuyện lùm xùm về nhãn hiệu khác là Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (Vina Acecook) tố Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) nhái bao bì sản phẩm mì Hảo Hạng giống bao bì mì Hảo Hảo của Vina Acecook.
Tranh chấp thương hiệu: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng ảnh 2

Bao bì mì Hảo Hạng của Asia Foods giống bao bì mì Hảo Hảo cuar Vina Acecook

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, mẫu bao gói mì Hảo Hạng của Asia Foods sử dụng trong thực tế khác với mẫu đăng ký bảo hộ trước đó của công ty này; như vậy là vi phạm quy định.

Asia Foods đã có văn bản phúc đáp, khẳng định không nhái nhãn hiệu vì Asia Foods đã xác lập được chỗ đứng nhất định trên thị trường. Tuy nhiên, với quan điểm không muốn tranh chấp trong những việc có liên quan đến pháp lý nên ngay sau khi Vina Acecook gửi thông báo, Công ty này đã thiết kế lại mẫu bao gói mì Hảo Hạng (quay về mẫu được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa) và ngưng sản xuất theo mẫu mà Vina Acecook cho rằng gây nhầm lẫn.

Tranh chấp nhãn hiệu cũng xảy ra trong sản phẩm bột ngọt (mì chính) giữa Công ty Hà Trung Hậu, đơn vị phân phối sản phẩm bột ngọt Ajino - Takara và Công ty Ajinomoto Việt Nam. Công ty Hà Trung Hậu nhập khẩu sản phẩm bột ngọt Ajino - Takara từ Thái Lan và phân phối tại thị trường Việt Nam.

Công ty Ajinomoto cho rằng, nhãn hiệu Ajino - Takara mà Công ty Hà Trung Hậu sử dụng xâm phạm đến nhãn hiệu Ajinomoto đã được bảo hộ và có đơn đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Hai công ty đều tiến hành trưng cầu giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Khi thương hiệu bị “đánh cắp” hoặc dính đến tranh chấp, doanh nghiệp tốn rất nhiều công sức, thời gian, tiền của để đi đòi tên cho chính mình. Dính dáng đến pháp luật là điều không doanh nghiệp nào muốn, nhưng để giành lại thương hiệu, họ buộc phải hao “công tốn của”.

Điển hình là câu chuyện của Công ty cổ phần Vinamit trong vụ tranh chấp thương hiệu “Đức Thành” với đối tác phân phối cũ của mình tại Trung Quốc là Xie Hong Yi. Đức Thành vốn là thương hiệu của Vinamit từ ngày đầu thành lập với lịch sử hơn 20 năm hoạt động và cũng là thương hiệu được bán phổ biến tại Trung Quốc.

Vinamit đã thực hiện đầy đủ việc đăng ký bảo hộ bản quyền tại thị trường này nhưng vẫn bị đối tác tranh giành đăng ký thương hiệu. Vinamit đã tốn hàng trăm ngàn USD, thuê luật sư và ròng rã theo đuổi vụ kiện trong 4 năm, tại 3 phiên tòa khác nhau để chính thức đòi lại bản quyền cho mình.

Cũng tại thị trường Trung Quốc, thương hiệu “Kẹo dừa Bến Tre” từng rơi vào tay một công ty bản địa, chủ nhãn hiệu này - bà Nguyễn Thị Tỏ (Hai Tỏ) lặn lội sang Trung Quốc tìm hiểu và phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Rừng Dừa đã làm nhái sản phẩm của mình.

Bà trở về Việt Nam đăng ký sở hữu nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre và bằng độc quyền sáng chế rồi kiện doanh nghiệp làm nhái sản phẩm của mình. Hành trình kéo dài hơn 1 năm của bà Hai Tỏ thành công, thương hiệu kẹo Việt được bảo vệ. Đây là một bài học sâu sắc cho những doanh nghiệp mải bán sản phẩm mà quên định vị giá trị thương hiệu như bà chủ vùng quê miệt vườn này.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, luật sư Nguyễn Đăng Tư, Văn phòng Luật sư Trilaw cho biết, rủi ro lớn nhất của việc doanh nghiệp Việt Nam không đăng ký nhãn hiệu là nhãn hiệu của họ sẽ bị một bên thứ ba đăng ký chiếm chỗ.

Khi đó, việc sử dụng nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên lãnh thổ quốc gia sở tại có thể bị coi là vi phạm pháp luật và chi phí bỏ ra cho việc giành lại nhãn hiệu là rất tốn kém. Trước khi giành lại nhãn hiệu, các sản phẩm của doanh nghiệp có nhãn hiệu đã bị đăng ký chiếm chỗ đó không được phép lưu hành trên thị trường của quốc gia sở tại.

Do đó, các công ty cần chú trọng đến vấn đề bảo hộ các tài sản trí tuệ đó trên phạm vi lãnh thổ của tất cả các quốc gia được coi là thị trường tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ của mình; liên hệ với các đơn vị đăng ký bảo hộ nhãn hiệu uy tín để được tư vấn về việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu khi cần thiết.

Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Xây dựng thương hiệu quốc gia để khẳng định bản sắc trên thị trường thế giới và trong bối cảnh hội nhập là cách đi đúng hướng. Chúng ta có thể kỳ vọng việc khẳng định thương hiệu Việt Nam trên thương trường quốc tế”.

Nhưng quá trình hội nhập chính là bước vào cuộc cạnh tranh, không chỉ trong phạm vi hẹp giữa các doanh nghiệp Việt Nam, mà với cả các doanh nghiệp lớn trên toàn thế giới. Điều này đòi doanh nghiệp Việt cần nâng cao kỹ năng quản trị thương hiệu để có những bước tiến xa hơn, tránh lặp lại những vết xe đổ trước đó.

Tin bài liên quan