Sân gôn Legend Hill của BRG Group do Tập đoàn Nicklaus Design thiết kế

Sân gôn Legend Hill của BRG Group do Tập đoàn Nicklaus Design thiết kế

Trang sử mới, góc nhìn từ các thương vụ kinh doanh Việt - Mỹ

(ĐTCK) Gặp gỡ giới báo chí ngày 15/5 bên lề sự kiện động thổ sân gôn 18 hố của Tập đoàn BRG tại Hà Nội, Jack Nicklaus II, Phó Chủ tịch Tập đoàn Nicklaus Design (Mỹ) chia sẻ, ông rất ấn tượng với sự phát triển của Việt Nam và tin tưởng, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước sẽ góp phần đem lại sự thịnh vượng hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Việt - Mỹ đang có những chuyển biến tích cực.

Đối tác Mỹ phá bỏ tiền lệ

Sân gôn 18 hố mang tên Kings Course là dự án sân gôn đầu tiên do Jack Nicklaus II, con trai của huyền thoại gôn thế giới Jack Nicklaus, thiết kế tại Việt Nam trong khuôn khổ hợp đồng hợp tác độc quyền giữa tập đoàn thiết kế và phát triển sân gôn hàng đầu thế giới Nicklaus Design và BRG Group. Đã có không ít lần khảo sát địa điểm để hình thành những ý tưởng độc đáo trong việc thiết kế sân gôn, Jack Nicklaus II cho biết, ông rất phấn khởi khi được làm việc tại Việt Nam, một đất nước có mối quan hệ đặc biệt với Hoa Kỳ.

Từng thiết kế 140 sân gôn trên khắp thế giới, trong lịch sử hoạt động của mình, Nicklaus Design chưa từng ký hợp đồng độc quyền với bất cứ đối tác nào, song sự đồng điệu, thấu hiểu và tìm thấy ở nhau nhiều điểm chung giữa hai tập đoàn đã khiến đối tác Mỹ phá bỏ những tiền lệ mà họ chưa từng thực hiện.

Về phía BRG, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn nói: “Trong số rất nhiều tên tuổi thiết kế gôn nổi tiếng trên thế giới, BRG chọn đối tác chiến lược là Nicklaus Design cũng bởi chia sẻ chung tầm nhìn và sứ mệnh phát triển bền vững, hướng đến cộng đồng và cuộc sống tốt đẹp hơn của tập đoàn này”.

Mối duyên lành giữa Nicklaus Design và BRG là một trong hàng chục ngàn hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước kể từ khi Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ được ký kết tháng 7/2000 và có hiệu lực từ ngày 10/12/2001. 

Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Ông Ngô Quang Xuân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại khóa XII của Quốc hội, đại sứ tại Liên hợp quốc New York (1993 - 1999), đại sứ tại WTO và các tổ chức quốc tế tại Geneva (2002-2008) chia sẻ, thời mới bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ (chính thức vào năm 1995), những người trong cuộc như ông không thể tưởng tượng được nhận thức chung của hai bên ngày càng có nhiều điểm tương đồng, mức độ tin cậy về tiềm năng và hiểu biết lẫn nhau đã đẩy lùi tồn tại khác biệt và giới hạn nhanh đến như vậy.

Thương mại hai chiều năm 2015 đạt 45 tỷ USD, tăng 100 lần so với năm 1995 (451 triệu USD). Đặc biệt, kim ngạch thương mại đã tăng đều đặn khoảng 20%/năm (kể cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008 - 2009), đã đưa Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch 33,48 tỷ USD vào năm 2015, tăng 16,9% so với năm 2014. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ đạt 7,8 tỷ USD, tăng 23,8%. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ liên tục tăng, năm 2014 là 23,8 tỷ USD, năm 2015 là 25,5 tỷ USD, đã bù đắp được khoản nhập siêu từ Trung Quốc và ASEAN, góp phần xuất siêu từ năm 2012 đến 2014.

Ông Ngô Quang Xuân tin tưởng, với việc Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sang thăm chính thức Việt Nam tháng 5/2016, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ bước sang một trang mới, toàn diện hơn, mang đến sự thịnh vượng chung cho hai quốc gia. Theo đó, các doanh nghiệp hai bên đều có quyền hy vọng.

Theo Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, Việt Nam đang gia tăng vị thế là nhà cung cấp hàng đầu trong khu vực ASEAN cho Hoa Kỳ. Từ một nước thành viên ASEAN có kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ thuộc loại ít nhất, năm 2014, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất, chiếm 21,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của ASEAN vào Hoa Kỳ, vượt Malaysia (19,8%) Thái Lan (14,7%), Indonesia (12,5%), Singapore (9,5%). Con số này có thể đạt hơn 30% trước năm 2020.

Trang sử mới, góc nhìn từ các thương vụ kinh doanh Việt - Mỹ ảnh 1

Vietjet đặt mua 100 máy bay Boeing nhân chuyến thăm của Tổng thống Obama 

... và là thị trường trọng điểm của nhiều doanh nghiệp niêm yết

Với rất nhiều doanh nghiệp niêm yết, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường trọng điểm. Chẳng hạn, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu phần mềm lớn thứ hai của FPT, sau Nhật Bản. Doanh thu của FPT tại Mỹ đạt khoảng 1.121 tỷ đồng (tương đương 49,5 triệu USD) trong năm 2015, song tiềm năng của thị trường này vẫn rất lớn.

Theo khảo sát của Hãng nghiên cứu thị trường Gartner, Mỹ là thị trường có mức chi cho dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất toàn cầu, có thể đạt 1.286 tỷ USD trong giai đoạn 2015 - 2017, gấp gần 2,5 lần so với con số của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm Australia, Nhật Bản, NewZealand, Singapore, Hàn Quốc. Miếng bánh lớn này đang dành cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ thông tin nói chung, FPT nói riêng.

Tuy không phải là thị trường lớn nhất ở nước ngoài của FPT, song Mỹ là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất, với doanh thu năm 2015 tăng 37% so với năm 2014. Con số được kỳ vọng trong vòng 5 năm tới là 100 triệu USD.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho biết, nếu như trước đây, FPT cũng như nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam khác chỉ đơn thuần vào thị trường Mỹ theo cách khách hàng thuê gì làm nấy và chủ yếu tham gia vào những công đoạn có giá trị thấp, thì hiện đã có thể cung cấp dịch vụ cho khách hàng từ A đến Z, tức là từ khâu tư vấn, thiết kế đến triển khai và bảo trì. Thậm chí, nhiều dịch vụ, giải pháp của Việt Nam dựa trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ di động (Mobility) cũng đã được những tên tuổi lớn của Mỹ đưa vào sử dụng.

Đối với CTCP Vicostone, thị trường Mỹ cũng có tầm quan trọng hàng đầu. Năm 2015, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất, chiếm hơn 50% thị phần doanh thu và là thị trường có tốc độ tăng trưởng lớn nhất của Vicostone. Theo số liệu của Hải quan Mỹ năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, nếu tính theo công ty, thương hiệu Vicostone là nhà xuất khẩu đá tấm lớn thạch anh lớn thứ 5 vào thị trường Mỹ về số lượng m2 và giá trị, chỉ sau một số tập đoàn lớn ở Israel, Tây Ban Nha, Canada. Công ty đã thiết lập những cơ sở kho hàng và văn phòng bán hàng tại miền Nam, bờ Tây, bờ Đông nước Mỹ, riêng năm 2015 đã mở thêm 3 cơ sở kho hàng và văn phòng giao dịch tại Chicargo, Atlanta, Houseton.

Theo dự báo mới nhất của Hiệp hội Nhà bếp và Phòng tắm Mỹ (NKBA) được nêu trong Báo cáo khảo sát “2016 NKBA Design Trends Survey”, với sự tham gia của 450 nhà thiết kế tại Mỹ, đá ốp lát cốt liệu thạch anh là loại vật liệu được ưa chuộng nhất cho các dự án xây dựng, cải tạo nhà bếp. Cụ thể, có đến 81% nhà thiết kế đã lựa chọn vật liệu này trong năm 2015 và 67% dự kiến tiếp tục sử dụng cho các dự án mới trong năm 2016. Kết quả khảo sát và dự báo của NKBA cho thấy, Mỹ sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng hàng đầu của sản phẩm đá nhân tạo nói chung và đá nhân tạo cốt liệu thạch anh nói riêng trong ít nhất 5 năm tiếp theo. 

Nhiều cơ hội mới, nhưng cũng không ít thách thức

Nấc thang mới trong hợp tác kinh tế giữa doanh nghiệp hai nước được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó Mỹ và Việt Nam là thành viên. Mở cửa thị trường sẽ là động lực kích thích đổi mới, sáng tạo đối với các doanh nghiệp Việt Nam và cũng tạo ra nhiều cơ hội để gia tăng xuất khẩu vào Mỹ; ngược lại, thúc đẩy các nhà đầu tư Mỹ gia tăng cơ hội bỏ vốn vào Việt Nam.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất của Việt Nam nhờ TPP là dệt may. Thuế nhập khẩu mặt hàng này vào Hoa Kỳ hiện là 17 - 18%, nhưng sẽ tiến tới giảm xuống 0%, không những làm cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh hơn, mà còn đưa lại lợi nhuận nhiều hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Song liệu doanh nghiệp Việt Nam, vốn chủ yếu tham gia ở công đoạn gia công có được hưởng lợi nhiều? Câu trả lời, theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch CTCP Đầu tư Thương mại TNG hoàn toàn không như vậy. Các doanh nghiệp Việt Nam gia công cho các tập đoàn nước ngoài chỉ được hưởng khoảng 5 - 10% trong chuỗi lợi nhuận. Với mỗi sản phẩm, sau khi chuyển thiết kế, nhà sản xuất đều chỉ định hoặc đã ấn định giá các loại nguyên vật liệu, bởi vậy chính họ mới là người được hưởng lợi nhiều nhất khi thuế nhập khẩu của Mỹ về 0%.

Muốn có lợi thế, các doanh nghiệp Việt Nam không có con đường nào khác là phải làm được hàng ODM (chủ động đầu vào, thiết kế, sản xuất) mang thương hiệu của riêng mình để xuất khẩu. Tuy rất gian nan, song ông Thời cho biết, 5 năm là quãng thời gian đủ để doanh nghiệp như TNG đầu tư.

Giấc mơ thời trang mang thương hiệu TNG đã được ông Thời ấp ủ và việc sáp nhập CTCP Thời trang TNG vào đầu năm nay là chiến lược mới nhằm có sự đầu tư bài bản hơn. Đã từng thất bại khi đưa hàng TNG sang Mỹ, ông Thời và các cộng sự quyết tâm sẽ trở lại nước Mỹ ở vị thế mới trong tương lai.

Một thách thức khác từ hội nhập, theo nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã có kinh nghiệm vào thị trường Mỹ, chính là những rào cản kỹ thuật rất cao. Những năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam đã phải đương đầu với các vụ kiện bán phá giá, trong đó vụ kiện đầu tiên tại thị trường Hoa Kỳ là vụ cá basa (2002), tiếp đó là vụ tôm (năm 2004) cùng với 11 nước khác.

Trong báo cáo thường niên năm 2015, Vicostone cũng nhấn mạnh đến rủi ro pháp lý khi kinh doanh trên thị trường quốc tế, Công ty luôn phải đối mặt với nguy cơ bị khởi kiện từ khách hàng, từ các đối thủ cạnh tranh liên quan đến chất lượng dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, trách nhiệm xã hội, hoặc các tranh chấp liên quan đến việc giao nhận hàng hóa, dịch vụ từ các nhà cung cấp. Mặc dù kết luận cuối cùng của các tranh chấp này có thể không nằm về phía lỗi của Công ty, tuy nhiên những chí phí bằng tiền và chi phí cơ hội khi tham gia quá trình tố tụng là không nhỏ.

Năm 2012, Vicostone bị khởi kiện bởi đối thủ cạnh tranh tại Mỹ liên quan đến tranh chấp về sở hữu trí tuệ. Hiện tại, vụ kiện này đang được tạm dừng do không có đủ cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, những vụ kiện tương tự như vậy có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

“Hiểu rõ mình là ai, đang đứng ở đâu, đối tác của mình như thế nào và hiểu thấu đáo chuỗi giá trị mình sẽ tham gia, đồng thời thực hiện đầy đủ những gì mình đã nói và cam kết, đó là văn hoá kinh doanh ít rủi ro nhất”, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Vicostone đúc kết.

Tin bài liên quan