Theo luật Việt Nam, phải nộp vận đơn khi nhận hàng, người có tên trong vận đơn đích danh là người nhận hàng hợp pháp

Theo luật Việt Nam, phải nộp vận đơn khi nhận hàng, người có tên trong vận đơn đích danh là người nhận hàng hợp pháp

Trả hàng theo vận đơn: Không cẩn trọng dễ rước họa

(ĐTCK) Vận đơn đích danh (vận đơn ghi rõ tên người nhận hàng) được dùng rất phổ biến. Với quan điểm khác nhau về việc có phải nộp vận đơn khi nhận hàng hay không của luật và phán quyết của tòa án, trọng tài ở một số nước, tranh chấp về vấn đề này vẫn thường xảy ra.

Đầu tư Chứng khoán giới thiệu bài viết của luật sư Ngô Khắc Lễ, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).

Tranh chấp

Năm 2016, tòa án tại một quận của thành phố Hải Phòng đã thụ lý đơn khởi kiện liên quan đến việc trả hàng bằng vận đơn đích danh của chuyến hàng xuất khẩu đi Vương quốc Anh do một doanh nghiệp Việt Nam (người bán hàng) khởi kiện doanh nghiệp giao nhận vận tải.

Người bán và người mua thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hàng hóa rằng, ngoài những vấn đề khác, người mua trả trước một phần và sau khi trả nốt tiền hàng, người bán sẽ yêu cầu người vận chuyển/hãng tàu giao hàng cho người mua (người nhận hàng). Người mua đã trả một phần tiền hàng để người bán ký hợp đồng thuê công ty giao nhận thu xếp việc vận chuyển.

Người bán yêu cầu công ty giao nhận chỉ giao hàng cho người nhận hàng khi có điện giao hàng của người bán. Người giao nhận cho rằng, người bán không lấy vận đơn gốc nên mặc nhiên được coi là loại vận đơn đã nộp và hàng được trả cho người nhận mà không cần thu hồi vận đơn gốc.

Người bán cho rằng, không có bằng chứng cho thấy họ không yêu cầu cấp vận đơn gốc. Việc trao đổi giữa người bán và người giao nhận về vấn đề này được thực hiện qua skype và dùng cách viết rút gọn (ví dụ: “đgh” là “điện giao hàng”). Cảng dỡ hàng là một cảng của Anh và luật của Anh không yêu cầu nộp vận đơn loại này khi nhận hàng.

Quan điểm khác nhau

Theo Điều 86, Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005: “Vận đơn có thể được ký phát dưới các dạng sau: a) Ghi rõ tên người nhận hàng, gọi là vận đơn đích danh...”; “Người có tên trong vận đơn đích danh là người nhận hàng hợp pháp”.

Điều 93, Bộ luật này quy định: “Khi tàu biển đến cảng trả hàng, người vận chuyển có nghĩa vụ trả hàng cho người nhận hàng hợp pháp nếu có vận đơn gốc, giấy gửi hàng đường biển hoặc chứng từ vận chuyển khác có giá trị để nhận hàng...”. Như vậy, theo luật Việt Nam, phải nộp vận đơn khi nhận hàng.

Nhưng ở một vụ việc tương tự tại Anh, không cần phải nộp vận đơn đích danh khi nhận hàng, dựa trên Bộ luật Hàng hải Anh. Toà án nước này cho rằng, vận đơn là chứng từ về quyền sở hữu - chứng từ mà theo Luật Hàng hải, quyền sở hữu hàng hóa có thể được chuyển nhượng một cách đơn giản là ký hậu. Trong khi đó, vận đơn đích danh không có chức năng này nên không phải là vận đơn, vì thế không cần phải nộp khi nhận hàng ngay cả khi trên vận đơn có dòng chữ in sẵn là phải nộp.

Bài học thực tiễn

Qua những vụ tranh chấp nêu trên, đặc biệt là vụ xảy ra tại Việt Nam, để tránh tổn thất, trong trường hợp người bán/người giao hàng cần khống chế/kiểm soát vận đơn để đảm bảo việc thanh toán tiền hàng, cần lưu ý hai trường hợp sau:

Thứ nhất, trường hợp người nhận hàng phải nộp vận đơn để nhận hàng, người thuê vận chuyển/người giao hàng cần thông báo bằng văn bản cho người giao nhận (người vận chuyển/chủ tàu) về việc mặc dù là vận đơn đích danh nhưng người nhận hàng phải nộp vận đơn mới lấy được lệnh giao hàng hoặc nhận hàng, đồng thời thông báo này nên được sao gửi cho người nhận hàng để biết.

Như vậy, đối với những nước có luật giống luật Anh (không cần phải nộp vận đơn đích danh khi nhận hàng) nhưng luật không cấm các bên có thỏa thuận khác. Vì vậy, người vận chuyển/đại lý của họ phải thực hiện yêu cầu chỉ trả hàng khi thu hồi vận đơn.

Thứ hai, trường hợp người bán (người giao hàng) không lấy vận đơn gốc mà dùng hình thức “vận đơn đã nộp” và trả hàng theo điện giao hàng, cần thông báo bằng văn bản cho người người giao nhận (người vận chuyển/chủ tàu) về việc mặc dù là vận đơn đích danh và vận đơn đã nộp nhưng người nhận hàng chỉ nhận được lệnh giao hàng hoặc nhận hàng khi người giao nhận (người vận chuyển/chủ tàu) nhận được điện giao hàng của người người bán (người giao hàng); đồng thời thông báo này nên được sao gửi cho người nhận hàng để biết.

Với cách làm nêu trên, có thể nói, hầu như sẽ không xảy ra tranh chấp, vì các bên có liên quan coi như đã có “thỏa thuận” trước về việc trả hàng, mặc dù luật pháp địa phương tại nơi trả hàng cho phép nhận hàng mà không cần nộp vận đơn gốc.

Tin bài liên quan