Các mặt hàng rau, củ quả là những mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn thị trường

Các mặt hàng rau, củ quả là những mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn thị trường

TP. HCM mở rộng các mặt hàng bình ổn năm 2015

Chương trình bình ổn thị trường năm 2015 và Tết Bính Thân 2016 của TPHCM bắt đầu từ ngày 1/4/2015 đến ngày 31/3/2016 với sự tham gia của 85 DN, số lượng hàng bình ổn dự kiến tăng từ 10-35%. Vốn tín dụng ưu đãi dành cho Chương trình là 11.850 tỷ đồng, tăng 3.550 tỷ đồng so với năm trước.

Thời gian qua, Chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) đã trở thành công cụ điều tiết thị trường hiệu quả của TPHCM.

Cùng với việc mở rộng điểm bán, phát triển và nâng chất của hệ thống phân phối… hàng hóa của CTBOTT có chất lượng cao, đảm bảo ATTP, giá cả hợp lý (giá cả mặt hàng thiết yếu thấp hơn thị trường 5-15%), được cung ứng đầy đủ và phong phú, đủ sức chi phối, định hướng dẫn dắt thị trường, tạo được uy tín và niềm tin lớn trong người dân.

Bên cạnh đó, CTBOTT cũng ngày càng hấp dẫn, thu hút được sự tham gia của các DN với số lượng ngày càng tăng, số DN năm sau luôn tăng hơn năm trước.

Hệ thống phân phối liên tục phát triển

Hệ thống phân phối trong CTBOTT liên tục phát triển nhanh, sâu rộng và ngày càng hiện đại.

Siêu thị, cửa hàng tiện lợi bình ổn thị trường đã có mặt trên địa bàn 24 quận, huyện, xen kẽ vào khu dân cư, các chợ truyền thống, KCX-KCN, phục vụ nhanh chóng, kịp thời nhu cầu mua sắm cho người dân, đặc biệt đối với các đối tượng là công nhân, người lao động thu nhập thấp. Qua đó, góp phần xây dựng hạ tầng thương mại, hình thành hệ thống phân phối văn minh, hiện đại, giúp hạn chế và loại trừ dần các hình thức kinh doanh tự phát.

Đến nay, CTBOTT đã có 8.967 điểm bán, tăng 764 điểm so với đầu chương trình và tăng 8.719 điểm bán so với năm 2008, gồm các hệ thống siêu thị hiện đại, các cửa hàng bình ổn, các chợ truyền thống…

Bên cạnh việc phát triển các điểm bán cố định, CTBOTT còn đẩy mạnh phát triển công tác bán hàng lưu động. Các DN bình ổn đã tổ chức thực hiện 1.317 chuyến bán hàng lưu động, tăng 51 chuyến so với năm 2013, tới các địa bàn vùng xa, khu lưu trú công nhân các KCX-KCN.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, việc phát triển nhanh các hệ thống phân phối đã góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Các mặt hàng tham gia CTBOTT đều sản xuất trong nước, thông qua hệ thống phân phối rộng khắp, kể cả hệ thống phân phối của DN FDI, đưa sản phẩm bình ổn sản xuất trong nước chiếm lĩnh thị phần trong nước và tiến tới xuất khẩu.

Đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam trong các hệ thống phân phối hiện đại chiếm từ 90-95%, và nhiều sản phẩm thông qua hệ thống siêu thị Saigon Co.op, Big C, Lotte đã xuất khẩu ra thị trường các nước trong khu vực.

Mở rộng, đa dạng mặt hàng bình ổn

Tại Hội nghị sơ kết CTBOTT năm 2014-Tết Ất Mùi 2015, triển khai kế hoạch 2015-2016  tổ chức ngày 31/3, đại diện Sở Công Thương TPHCM cho biết, trong năm 2015 này lượng hàng hóa tham gia chương trình của các DN cũng được mở rộng và tăng cao hơn so với năm trước.

Cụ thể, CTBOTT lương thực, thực phẩm tiếp tục thực hiện bình ổn 9 nhóm mặt hàng như năm trước và bổ sung thêm chủng loại hàng hóa như: Gà pha lóc, bún tươi, bánh phở tươi, hủ tiếu tươi, nha đam, chuối laba… Lượng hàng bình ổn dự kiến tăng bình quân 30-35% so với kết quả thực hiện năm 2014.

CTBOTT mùa khai giảng tăng 61 sản phẩm so với năm 2014; bổ sung thêm nhãn hiệu tập vở Thuận Tiến, giày Ananas. Lượng hàng hóa tham gia chương trình dự kiến tăng bình quân 15-20%.

Trong khi đó, CTBOTT sữa sẽ tăng thêm 12 mẫu sữa, với lượng hàng hóa tăng thêm khoảng hơn 10%. Chương trình dược phẩm tăng thêm 20 hoạt chất với hơn 500 mặt hàng dùng để điều trị các bệnh thường gặp cũng như bệnh mạn tính ở nhiều người.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, một đơn vị đi đầu trong việc tham gia các CTBOTT cho biết, trong năm 2015 và Tết Bính Thân 2016, Saigon Co.op cam kết sẽ tiếp tục tăng khối lượng hàng hóa và mở rộng danh mục các mặt hàng thiết yếu bình ổn giá trong hệ thống các siêu thị Co.op Mart tại các tỉnh, thành trong cả nước, nơi có các siêu thị Co.op Mart.

Bên cạnh việc tăng lượng hàng hóa của các DN sản xuất và phân phối, năm nay, các hệ thống ngân hàng thương mại tham gia CTBOTT cũng tăng vốn hỗ trợ cho các DN bình ổn với tổng số vốn là 11.850 tỷ đồng từ 11 ngân hàng thương mại, tăng 3.550 tỷ đồng so với năm 2014, lãi suất giảm từ 0,5% đến 2%, trong đó, có 6.100 tỷ đồng vay ngắn hạn với lãi suất chỉ từ 5-6%/năm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, CTBOTT đã tạo được sức lan tỏa lớn, từ mô hình thành công của TPHCM sẽ là kinh nghiệm cho các địa phương khác trong cả nước noi theo.

Bên cạnh đó, thông qua CTBOTT, các DN đã có sự thay đổi cơ bản trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ, quản trị, mở rộng, nâng cao chất lượng các kênh phân phối, xây dựng thương hiệu cho hàng Việt và nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Tin bài liên quan