Doanh nghiệp vẫn than phiền về chính sách thuế (Ảnh minh họa: Internet)

Doanh nghiệp vẫn than phiền về chính sách thuế (Ảnh minh họa: Internet)

Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất: 33% chưa hài lòng về chính sách thuế

(ĐTCK)  Theo kết quả khảo sát, trong năm 2014 vừa qua, các doanh nghiệp vẫn gặp phải một số vấn đề vướng mắc chủ yếu liên quan đến thuế như quy định pháp luật, chính sách thuế. 33% số doanh nghiệp được khảo sát chung nhận định này. 

Trong khuôn khổ Lễ công bố Bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam năm 2015 (V1000) diễn ra sáng 27/11, CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã giới thiệu cuốn Báo cáo thường niên: Tổng quan Môi trường thuế Việt Nam 2015, điểm lại những kết quả ngành thuế đạt được sau một năm thực hiện cải cách. 

Báo cáo điểm lại những kết quả mà ngành thuế đã đạt được trong 1 năm thực hiện cải cách vừa qua thông qua khảo sát, lấy ý kiến phản hồi của đại diện các doanh nghiệp V1000 trong 5 năm trở lại đây nhằm hướng tới xây dựng một hệ thống thuế minh bạch, hoàn thiện và hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Báo cáo cũng ghi nhận những đánh giá của các chuyên gia về tác động của việc ký kết Hiệp định TPP đến ngành thuế.

Bảng xếp hạng V1000 năm 2015 một lần nữa đón nhận Viettel tại vị trí đầu bảng với những đóng góp to lớn cho ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, Top 10  Bảng xếp hạng năm nay chứng kiến sự vươn lên của 4 gương mặt mới là Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, Công ty TNHH SamSung Electronics Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Theo kết quả khảo sát, trong năm 2014 vừa qua, các DN vẫn gặp phải một số vấn đề vướng mắc chủ yếu liên quan đến thuế như quy định pháp luật, chính sách thuế, với 33% số doanh nghiệp lựa chọn ý kiến này; biểu mẫu rườm rà hay thay đổi (16%); thủ tục hành chính phức tạp (13%); quá trình thanh tra kiểm tra (12%); và các vấn đề liên quan đến kê khai thuế qua mạng (11%).

Ngoài ra, 9% số doanh nghiệp có mong muốn được tham gia vào quá trình soạn thảo, sửa chữa, bổ sung các văn bản pháp luật về thuế, trong đó tỷ lệ doanh nghiệp thể hiện mong muốn này nhiều nhất đến từ khối FDI và tư nhân. 

Cũng theo kết quả khảo sát, gần một nửa số doanh nghiệp (49%) nhận thấy mình sẽ được hưởng lợi từ những thay đổi về chính sách thuế sau khi Việt Nam ký kết hiệp định TPP. Trong khi đó, 42% doanh nghiệp cho rằng, mình không chịu quá nhiều tác động của những chính sách cải cách thuế sau khi TPP được thông qua.

9% số doanh nghiệp còn lại có cái nhìn “bi quan” khi nhận thấy những ảnh hưởng tiêu cực mà những cải cách thuế dựa trên hiệp định lịch sử này sẽ đem đến cho doanh nghiệp.

Tin bài liên quan