Tổ chức đại hội đồng cổ đông: Lơ là lỗi nhỏ, rắc rối về sau

Tổ chức đại hội đồng cổ đông: Lơ là lỗi nhỏ, rắc rối về sau

(ĐTCK) Không ít lỗi vô tâm trong cách thức thực hiện cuộc họp đại hội đồng cổ đông đã để lại hệ lụy về sau như kiện cáo hủy nghị quyết đại hội, đòi bồi thường mua lại cổ phiếu, thậm chí cả đơn kiện lừa đảo tới cơ quan công an.

Nghị quyết, quyết định của đại hội đồng cổ đông có hiệu lực thi hành kể từ ngày được thông qua, hoặc từ ngày có hiệu lực được ghi rõ trong nghị quyết, quyết định đó.

Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp đại hội đồng cổ đông, hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến đại hội đồng cổ đông, cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc, Ban kiểm soát có quyền yêu cầu toà án hoặc trọng tài xem xét, huỷ bỏ quyết định của đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp sau: trình tự và thủ tục triệu tập họp đại hội đồng cổ đông không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty; trình tự, thủ tục ra quyết định và nội dung quyết định vi phạm pháp luật hoặc điều lệ công ty.

Tôi đã tham gia xử lý một số vụ rắc rối, mâu thuẫn phát sinh từ quyền lợi của các nhóm cổ đông không được phân chia hợp lý, nhưng cổ đông lôi nhau ra khiếu kiện với lý do doanh nghiệp kiểm sai tỷ lệ biểu quyết một số nội dung của đại hội.

Doanh nghiệp này biểu quyết bằng giơ phiếu và thiếu căn cứ để lưu vết biểu quyết. Kiện cáo kéo dài và cuối cùng, cổ đông lớn có chân trong ban lãnh đạo doanh nghiệp đã phải nhượng bộ để cổ đông bãi nại và không phải tổ chức lại cuộc họp đại hội đồng cổ đông.

Ở một vụ việc khác, thành phần Ban kiểm phiếu là cán bộ, nhân viên, thực hiện kiểm phiếu bằng tay và có sai sót trong cộng phiếu. Khi doanh nghiệp xảy ra mâu thuẫn với cổ đông, cổ đông lớn khiếu nại, yêu cầu cơ quan quản lý vào cuộc kiểm phiếu lại. Doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm, cũng không lưu lại toàn bộ phiếu biểu quyết. Hậu quả là kết quả cuộc họp đại hội đồng cổ đông bị hủy bỏ, doanh nghiệp phải tổ chức lại đại hội, tốn kém chi phí và có không ít phiền phức về sau.

Nhiều công ty cổ phần hiện nay do một số cổ đông lớn chi phối, họ thường có trong tay cả chục doanh nghiệp, cơ cấu cổ đông cũng cô đặc nên phiên họp đại hội cổ đông thường chỉ có vài chục người, trong đó đa phần là người thân quen với ông chủ lớn nhất của doanh nghiệp.

Tôi đã xử lý một vụ, cổ đông sở hữu hơn 20.000 cổ phần không đến dự họp, nhưng thư ký đại hội vẫn ghi là 100% cổ đông có mặt. Về sau, có mâu thuẫn nảy sinh, cổ đông vắng mặt kia đâm đơn kiện ra tòa và đưa ra bằng chứng ngày diễn ra cuộc họp ông ta đang ở nước ngoài, phía doanh nghiệp viện lỗi ghi chép bất cẩn của thư ký.

Cũng may là trong biên bản họp đại hội đồng cổ đông có mục các cổ đông dự họp ký tên và không có chữ ký của cổ đông này. Vì thế, cáo buộc chủ tọa đoàn đã giả mạo số lượng cổ đông và tỷ lệ cổ phần dự họp của cổ đông kia đã không được tòa án chấp thuận.

Tin bài liên quan