Việc chênh lệch tỷ giá đã làm phát sinh khoản lỗ cho TKV khoảng 1.200 tỷ đồng

Việc chênh lệch tỷ giá đã làm phát sinh khoản lỗ cho TKV khoảng 1.200 tỷ đồng

Tính lỗ do chênh lệch tỷ giá vào giá điện, DN sẽ quá sức chịu đựng

(ĐTCK) Chưa tính lỗ do chênh lệch tỷ giá vào giá điện là khẳng định của Bộ Công thương tại cuộc Họp báo thường kỳ tháng 8 vừa diễn ra về vấn đề lỗ phát sinh do chênh lệch tỷ giá của một số DN có hoạt động vay vốn ngoại tệ đầu tư và nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, trong đó có các tập đoàn lớn thuộc quản lý của bộ này như EVN, TKV và PVN.

Tuy nhiên, việc tính toán xem xét đề xuất tới đây vẫn không loại trừ bởi Bộ đang yêu cầu các DN, trong đó có các tập đoàn tiếp tục theo dõi chặt chẽ và có báo cáo cụ thể để Bộ xem xét báo cáo Chính phủ có giải pháp xử lý phù hợp.

Theo ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương), chênh lệch tỷ giá trong thời gian gần đây đã khiến nhiều DN thuộc Bộ, trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) phải gánh chịu nhiều khoản lỗ nặng nề. Khoản lỗ này phát sinh do các DN này vay vốn ngoại tệ để đầu tư hoặc nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất và theo đó đều chịu ảnh hưởng bởi tỷ giá khi có diễn biến chênh lệch như vừa qua. Ông Phúc cho biết, chưa có đề xuất nào về việc tính lỗ vào giá điện mà mới chỉ dừng ở việc xem xét tính toán.

“Cục Điều tiết Điện lực đã yêu cầu các đơn vị phát điện có báo cáo về chênh lệch tỷ giá, trong đó tính toán cụ thể các số liệu chênh lệch phát sinh. Trong trường hợp xem xét thấy chênh lệch do yếu tố tỷ giá, chúng tôi sẽ làm việc cùng Bộ Tài chính để xem xét phương án giải quyết”, ông Phúc khẳng định và cho biết, hiện đang chờ báo cáo từ các đơn vị và chưa có đề xuất nào về vấn đề này.

Trước đó, tại cuộc họp giao ban trực tuyến tháng 8 của Bộ Công thương, 3 tập đoàn lớn thuộc bộ này là PVN, TKV và EVN đều đồng loạt cho biết phải chịu các khoản lỗ lớn phát sinh do chênh lệch tỷ giá trong thời gian gần đây. Cụ thể, đại diện TKV cho biết, việc chênh lệch tỷ giá đã làm phát sinh khoản lỗ cho Tập đoàn khoảng 1.200 tỷ đồng.

Tại cuộc họp này, đại diện TKV đã có ý kiến đề xuất Bộ Công thương xem xét cho tính khoản chênh lệch tỷ giá này vào giá thành sản xuất điện. Tương tự, lãnh đạo PVN cho hay, chênh lệch tỷ giá đã ảnh hưởng rất nhiều đến chỉ tiêu tài chính của PVN, ước tính sản lượng điện do tập đoàn này cung cấp cho lưới điện quốc gia hiện nay là trên 100 tỷ kWh.

Theo tính toán của ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc EVN, chỉ tính riêng tỷ trọng sản lượng điện cung ứng cho lưới điện quốc gia của TKV mới chiếm 10 - 15% toàn hệ thống mà đã phát sinh khoản lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng, thì nếu cộng tất cả các con số mà cả TKV và PVN đưa ra trong lĩnh vực điện thì khả năng khoản phát sinh lỗ do tỷ giá có thể gấp hơn 10 lần con số trên.

Đây là những khoản lỗ rất lớn mà EVN đang thống kê cụ thể để có báo cáo với Bộ Công thương xem xét, đề xuất hướng giải quyết phù hợp, bởi nếu đưa hết vào giá điện thì khả năng sẽ tác động rất lớn tới chi phí sản xuất điện cũng như tình hình tài chính chung của EVN.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, không nên đưa lỗ tỷ giá vào hạch toán giá điện trong bối cảnh sức cạnh tranh của các DN khác trong nền kinh tế đang yếu. Theo ông Ánh, thêm một đồng chi phí, hàng hóa Việt Nam sẽ càng đắt đỏ thêm trong khi giá cả hàng hóa trên thế giới đang có xu hướng giảm, mà điện là chi phí đầu vào rất lớn của nhiều DN.

Trong một cuộc hội thảo mới đây, đề cập đến lợi nhuận và chi phí của nhà đèn, TS. Nguyễn Hồng Nga, Trường đại học Kinh tế Luật TP. HCM cho rằng, EVN cần xem lại hoạt động của mình. Theo con số của Bộ Công thương, khâu phụ trợ và quản lý của EVN trong biểu giá thành vào khoảng 6,47 đồng/kWh. Thực tế, con số này không phải lớn về mặt tuyệt đối, nhưng nếu tính tổng giá trị, thì khâu phụ trợ và quản lý tiêu tốn hơn 1.100 tỷ đồng (6,67 đồng x 172 tỷ KWh). Rõ ràng, 6,47 đồng không còn là một con số nhỏ.

Vị chuyên gia trên cũng đề cập đến vấn đề mà dư luận đang nói tới là chuyện EVN đã tự hạch toán giá xây biệt thự, siêu xe vào giá thành bán ra, đẩy giá điện lên cao? Đây có được xem là cách giải quyết khoản chênh lệch giữa giá mua vào với bán ra của EVN? Theo ông Nga, giả thiết là việc hoạch toán việc xây biệt thự, mua xe sang vào giá thành giá điện là hết sức quan trọng và cần được lưu ý.

“Điện là một ngành độc quyền, nên Nhà nước phải quản lý để hạn chế sức mạnh độc quyền. Nhà nước cần kiểm soát những chi phí hợp lý của nhà độc quyền và không cho phép tính toán những chi phí bất thường, hầu như không liên quan đến hoạt động chính thức của độc quyền, vào giá thành sản phẩm”, ông Nga nhấn mạnh.

Tin bài liên quan