Tìm cách “níu chân” doanh nghiệp ở lại sàn

Tìm cách “níu chân” doanh nghiệp ở lại sàn

(ĐTCK) Để tránh “làn sóng” rời bỏ TTCK, cơ quan quản lý cần nghiên cứu để đưa ra một chính sách đủ “hấp dẫn” để giữ chân các doanh nghiệp niêm yết

Theo thống kê sơ bộ, tính đến hết quý III, số lượng doanh nghiệp hủy niêm yết tự nguyện và bắt buộc trên 2 sàn lên đến gần 30 doanh nghiệp, trong khi số doanh nghiệp niêm yết mới chỉ đạt hơn 10 doanh nghiệp.

Trong số doanh nghiệp hủy niêm yết, phần lớn là do kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp, âm vốn chủ sở hữu, hay một số doanh nghiệp buộc phải hủy niêm yết để sáp nhập với doanh nghiệp khác… Tuy nhiên, điều đáng nói là vẫn có một số doanh nghiệp làm ăn hiệu quả nhưng lại quyết định hủy niêm yết.

Mới đây, Ngân hàng Nam Việt (Navibank) xin ý kiến cổ đông về việc hủy niêm yết cổ phiếu NVB.

Trước đó, CTCP Gò Đàng (AGD) đã hoàn tất thủ tục rời sàn HOSE sau 2 năm kể từ ngày Doanh nghiệp công bố chính thức niêm yết.

Những tên tuổi quen thuộc trên sàn như CTCP Thủy sản Minh Phú (MPC), CTCP Bê tông Xuân Mai (XMC)… đã thông qua việc hủy niêm yết tự nguyện, vấn đề chỉ là chọn thời điểm thích hợp.

Lãnh đạo một doanh nghiệp dự định hủy niêm yết cho biết, mục đích của công ty khi quyết định lên sàn, ngoài việc minh bạch hóa thông tin, còn là tìm kênh huy động vốn. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm niêm yết, những gì công ty kỳ vọng không đạt được, kể cả tính thanh khoản lẫn hiệu quả huy động vốn, nên đã quyết định hủy niêm yết.

Trong ĐHCĐ năm 2013, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Anphanam (ALP) thẳng thắn chia sẻ, vì giá cổ phiếu trên sàn niêm yết bị giảm nhiều quá nên thà Công ty chịu “mang tiếng” là không minh bạch để rời sàn, còn hơn để giá cổ phiếu ngày càng thấp.

Thời kỳ đỉnh cao, TTCK là kênh huy động vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp và giá trị TTCK mang lại cho các doanh nghiệp là không nhỏ. Tuy nhiên, những khó khăn chung của thị trường làm cho kênh đầu tư cổ phiếu không còn hấp dẫn như trước, song chỉ vì thị trường kém hấp dẫn mà doanh nghiệp “rủ nhau” rời bỏ TTCK. Đây là một tổn thất, cần sớm được nhận diện, xét trên lợi ích tổng thể của nền kinh tế. Cần phải có một cơ chế ưu đãi để “giữ chân” doanh nghiệp.

Trước đây, để hỗ trợ doanh nghiệp lên niêm yết, Bộ Tài chính đã có chính sách ưu đãi thuế. Cụ thể, khi mới lên sàn, Doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, sau đó được giảm 50%, nhưng đến năm 2010, chính sách ưu đãi thuế đã không còn được áp dụng.

Bên cạnh đó, khi vận hành TTCK, ngoài mục đích tạo kênh huy động vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế, thì hơn hết, thông qua việc niêm yết, thông tin của các doanh nghiệp sẽ minh bạch hơn. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, khi việc kinh doanh ngày càng khó khăn, lãnh đạo một số doanh nghiệp cho rằng, việc phải công bố thông tin là một bất lợi lớn cho doanh nghiệp khi mà mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành ngày càng gay gắt. Do vậy, để bù đắp điểm bất lợi này, nên chăng cần có những chính sách ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp đang niêm yết.

Việc các doanh nghiệp bị hủy niêm yết do làm ăn kém hiệu quả đã đành, nhưng các doanh nghiệp vẫn đang ổn định cũng đua nhau rời sàn lại là vấn đề đáng xem xét. Có những lý do chủ quan của doanh nghiệp, nhưng cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu để đưa ra một chính sách đủ “hấp dẫn” để giữ chân các doanh nghiệp niêm yết, khi đó, TTCK mới phát triển bền vững.