Thương mại phải dựa cả vào xuất khẩu và thị trường nội địa

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) về vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020.
Bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê)

Bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê)

Bà có nghĩ rằng, dường như doanh nghiệp quá tập trung vào xuất khẩu mà lãng quên thị trường trong nước với 93 triệu người tiêu dùng khá dễ tính?

Bất cứ ai cũng thấy rất rõ điều này khi vào các cửa hàng, siêu thị ở cả đô thị lẫn nông thôn, đâu đâu cũng tràn ngập hàng tiêu dùng nhập khẩu. Người có điều kiện thì sử dụng hàng nhập khẩu từ châu Âu, Nhật Bản. Người có thu nhập khá thì mua hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc. Người có thu nhập trung bình thì sử dụng hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia… Còn người thu nhập thấp mua hàng Trung Quốc.

Năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.243.000 tỷ đồng, tính ra vào khoảng 147,4 tỷ USD. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ước đạt 173,6 tỷ USD - lớn hơn nhiều so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước. Tôi cũng lưu ý rằng, trong tổng mức bán lẻ hàng hóa có tỷ trọng hàng nhập khẩu rất lớn.

Vì sao doanh nghiệp lại lãng quên thị trường trong nước?

Tôi nghĩ rằng, doanh nghiệp không quên thị trường trong nước, mà là hàng tiêu dùng sản xuất trong nước không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu trên mọi khía cạnh, từ mẫu mã, hình thức bao bì, chủng loại… đến chất lượng và giá cả. Giá cả hàng nhập khẩu càng ngày càng rẻ khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do cùng với việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan. Doanh nghiệp trong nước không phải tập trung vào xuất khẩu, mà thực ra chủ yếu là gia công cho nước ngoài, vì đi làm thuê thì không phải lo đầu vào, đầu ra, mẫu mã, chủng loại, chất lượng hàng hóa.

Nielsen là một công ty hàng đầu trên thế giới chuyên cung cấp thông tin về hành vi của người tiêu dùng. Công ty này đo và theo dõi những gì người tiêu dùng xem (chương trình, quảng cáo) và những gì người tiêu dùng mua (chủng loại, nhãn hiệu, sản phẩm) trên toàn cầu và địa phương. Qua tìm hiểu, tôi được biết, hầu hết khách hàng của Nielsen Vietnam là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, có thể hiểu, doanh nghiệp trong nước hầu như không quan tâm đến hành vi, thói quen mua sắm của người tiêu dùng, tức là họ sản xuất mà không cần biết sản phẩm của mình có được người tiêu dùng chấp nhận hay không.

Hàng hóa sản xuất trong nước khó tiếp cận được với người tiêu dùng còn có nguyên nhân nữa là hệ thông phân phối cả bán buôn lẫn bán lẻ gần như rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài và sự liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất với nhau, giữa doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối vô cùng lỏng lẻo.

Nhưng hiện có hàng trăm hiệp hội ngành hàng để liên kết các DN với nhau và hầu hết các địa phương đều có đề án, chiến lược phát triển thương mại?

Dưới góc độ cá nhân, tôi cho rằng, hoạt động của rất nhiều hiệp hội dường như mang tính chất của câu lạc bộ, các thành viên sinh hoạt vui vẻ, gắn kết tình cảm là chính, chứ không phải là tổ chức hỗ trợ các thành viên, không phải là nơi để các thành viên gắn kết, hợp tác với nhau trong sản xuất, phân phối sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm.

Còn các đề án, chiến lược phát triển thương mại, dịch vụ rất chung chung, rất vĩ mô, tính khả thi không cao.

Thế còn dịch vụ thì sao, thưa bà?

Thị trường dịch vụ hiện còn quá yếu, đặc biệt là dịch vụ vận tải, logistics, bảo hiểm hàng nhập khẩu, giáo dục, y tế… Vì quá yếu, không đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng, nên mỗi năm, người dân phải bỏ ra hàng tỷ USD để cho con em đi du học, bỏ ra hàng tỷ USD để ra nước ngoài chữa bệnh.

Năm 2015, xuất khẩu dịch vụ ước đạt 11,2 tỷ USD, nhưng nhập khẩu dịch vụ 15,5 tỷ USD, trong đó chủ yếu là nhập khẩu dịch vụ vận tải và bảo hiểm hàng nhập khẩu (9 tỷ USD, chiếm 58%).

Thị trường dịch vụ kém phát triển, nên doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép, vì xuất khẩu với giá CIF còn nhập khẩu với giá FOB, tức là toàn dịch vụ vận tải và bảo hiểm hàng xuất nhập khẩu rơi vào tay nước ngoài.

Theo bà, đổi mới mô hình tăng trưởng như Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng yêu cầu thì cần phải làm gì?

Tôi cho rằng, chủ trương chuyển hướng nền kinh tế từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước được Đại hội Đảng XII đặt ra là một chủ trương rất đúng.

Năm 2017, Tổng cục Thống kê sẽ tiến hành tổng điều tra kinh tế. Năm nay, chúng tôi tiến hành điều tra thí điểm. Kết quả cuộc điều tra sẽ cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu được 100 đồng thì thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận, có lợi hơn so với bán ở trong nước hay không. Từ kết quả điều tra đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ có chính sách phát triển thị trường nội địa cụ thể đối với từng ngành hàng, từng lĩnh vực, chứ không chung chung, vĩ mô như hiện nay. Còn với doanh nghiệp, nếu thấy xuất khẩu không hiệu quả bằng bán trong nước, thì họ sẽ tự biết phải làm gì.

Tin bài liên quan