Thức ăn chăn nuôi: Hòa Phát có đủ sức chống lại CP và Cargill?

Lính mới Hòa Phát đang được kỳ vọng sẽ “làm nên chuyện” trên thị trường thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là vẽ lại thị phần cho khối doanh nghiệp Việt.

Đại gia thép Hòa Phát gây ngỡ ngàng khi chọn lĩnh vực thức ăn chăn nuôi để làm bàn đạp tấn công vào ngành nông nghiệp

Đại gia thép Hòa Phát gây ngỡ ngàng khi chọn lĩnh vực thức ăn chăn nuôi để làm bàn đạp tấn công vào ngành nông nghiệp

Kỳ vọng lập thế trận mới

Quyết định bỏ ra 300 tỷ đồng xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi, đại gia thép Hòa Phát gây ngỡ ngàng khi chọn lĩnh vực “xương” nhất để làm bàn đạp tấn công vào ngành nông nghiệp. Gọi là lĩnh vực xương xẩu bởi thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang đầy rẫy “những con cá mập” tầm cỡ thế giới như CP (Thái Lan), Cargill (Mỹ)…, với doanh số toàn cầu lên tới hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

Năm 2014, doanh thu của Tập đoàn CP (Thái Lan) là 34 tỷ USD, còn doanh thu của Cargill là 140 tỷ USD. Riêng tại Việt Nam, doanh thu của Cargill năm 2014 là 900 triệu USD, còn doanh thu CP có thể cao gấp đôi, gấp ba. Hiện CP và Cargill đang nắm tới gần 30% thị phần thức ăn chăn nuôi Việt Nam (Cargill 9% thị phần, CP gần 20% thị phần).

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về việc mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông Trần Tuấn Dương, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát đưa ra 4 lý do.

Thứ nhất, trong lịch sử hơn 20 năm phát triển, Hòa Phát đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh nhiều lần.  Đặc biệt, khi bước vào ngành thép (năm 2001), Hòa Phát cũng là lính mới, song sau hơn 13 năm, thép đã trở thành ngành chính, cốt lõi của Tập đoàn. “Nói như vậy để thấy rằng, tham gia lĩnh vực mới không có gì lạ với Hòa Phát”, ông Dương nói.

Thứ hai, theo ông Dương, nhu cầu thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn đạt mức tăng khoảng 10%/năm, với nhu cầu dự báo đến năm 2015 là 18-20 triệu tấn thức ăn công nghiệp, doanh số lên tới 6 tỷ USD. Mặc dù tỷ suất lợi nhuận không cao, song ngành thức ăn chăn nuôi lại có quy mô lớn và rất tiềm năng. Nếu hiệu quả, sau 10 năm, doanh thu trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi của Hòa Phát sẽ tương đương với thép hiện nay.

Thứ ba, ông Dương tỏ ra rất lạc quan khi cho rằng, năm 2020, Hòa Phát sẽ đạt mục tiêu 1  triệu tấn thức ăn gia súc, 1 triệu đầu lợn, doanh thu 15.000-20.000 tỷ đồng. Với mục tiêu này, thị phần mà Hòa Phát chiếm giữ trên thị trường thức ăn chăn nuôi vào khoảng 10%, tương đương Cargill, Proconco hiện nay.

Và cuối cùng, với tình hình tài chính dồi dào như hiện nay, không khó để Hòa Phát hiện thực hóa ý định bơm 5.000-10.000 tỷ đồng vào lĩnh vực này, song cạnh tranh trên thị trường thức ăn chăn nuôi không chỉ cần có vốn.

Doanh nghiệp Việt có đủ sức phản công?

Cùng với CP, Cargill, hơn 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang nắm tới 60% thị phần thức ăn chăn nuôi cả nước. Khối doanh nghiệp trong nước, dù lực lượng đông đảo (gần 240 doanh nghiệp), song chỉ chia nhau miếng bánh rất nhỏ còn lại, với doanh thu khiêm tốn. Liệu sự xuất hiện của Hòa Phát có đủ sức khuấy động thị trường, tiếp lửa cho doanh nghiệp Việt tạo sức phản công với khối FDI?

Trước Hòa Phát, Masan cũng mua lại Proconco (Pháp) - công ty chiếm 10% thị phần thức ăn chăn nuôi trong nước. Tuy nhiên, sau gần 3 năm thâu tóm Proconco, Masan thông báo sẽ thoái 100% vốn khỏi Proconco trong năm nay, để tập trung vốn mua lại Saigon Nutri Food. Dường như, việc mua Proconco, với Masan, chỉ là thương vụ đầu tư tài chính đơn thuần.

Trong khi đó, với việc đầu tư xây dựng nhà máy ở phía Bắc, tính đến việc thâu tóm một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở phía Nam và lập các trang trại chăn nuôi công nghiệp ở hai đầu Nam - Bắc, Hòa Phát cho thấy doanh nghiệp này đang đầu tư một cách nghiêm túc vào nông nghiệp. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà Hòa Phát sẽ phải chịu nhiều thách thức lớn.

Hầu hết các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi khi vào Việt Nam đều có chiến lược kinh doanh hết sức bài bản: đầu tiên là cung cấp thức ăn, con giống, sau đó là thiết lập các trang trại chăn nuôi, xây dựng nhà máy chế biến và mạng lưới phân phối, tạo thành chuỗi khép kín. Đây cũng là khâu yếu nhất của các doanh nghiệp trong nước (thường chỉ tham gia được 1-2 khâu trong chuỗi này).

Tuy nhiên, nhìn vào tham vọng của Hòa Phát, có thể thấy, Tập đoàn này cũng đi theo hướng mà CP, Cargill đang triển khai. Cụ thể, dù mới bắt tay vào xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng Hòa Phát đã làm việc với nhà cung cấp lợn giống của Đan Mạch và đưa ra mục tiêu 1 triệu đầu lợn. “Sau này, có thể chúng tôi sẽ thực hiện theo chuỗi như CP đang làm theo mô hình 3F, từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng”, ông Dương nói.

Chia sẻ thêm với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo Hòa Phát cũng tỏ ra tự tin với cách quản lý sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị trong ngành chăn nuôi như đã làm với ngành thép.

Một vấn đề sống còn nữa đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi là mạng lưới phân phối. Nhiều năm qua, với công cụ hữu hiệu là hoa hồng cao, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực này đã “mua” được một mạng lưới đại lý khổng lồ. “Hòa Phát sẽ có chiến lược riêng để chiếm lĩnh thị phần, xây dựng kênh phân phối và đại lý đủ mạnh giống như hệ thống phân phối thép hiện nay để đảm bảo thị trường tiêu thụ. Hòa Phát chủ trương cạnh tranh bằng chất lượng và giá thành sản phẩm”, ông Dương nói.

Được biết, Hòa Phát đang có mạng lưới đại lý phân phối thép, nội thất khá rộng lớn. Trong tương lai, có thể Tập đoàn sẽ tận dụng mạng lưới này để phân phối thịt lợn và thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên, một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho rằng, dù có mạng lưới rộng, song một vấn đề mà Hòa Phát cũng phải tính đến trong việc thiết lập mạng lưới phân phối là khác với thép, sản phẩm thức ăn chăn nuôi phải len lỏi sâu hơn vào từng thôn, xóm. Một khó khăn nữa là, cũng như các doanh nghiệp khác, Hòa Phát sẽ phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nhất là các chất đạm, dinh dưỡng.

Dự kiến, cuối năm nay, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết, đồng nghĩa với việc các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu sẽ ồn ạt tràn vào Việt Nam. Khi đó, cả người chăn nuôi lẫn các doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ sẽ khó tồn tại nếu không liên kết theo chuỗi sản xuất.

Theo kế hoạch, đầu năm 2016, sản phẩm thức ăn chăn nuôi của Hòa Phát sẽ ra thị trường. Sẽ không quá lâu để kiểm chứng hiệu quả của những bước đi của Hòa Phát. Nếu thành công, tân binh Hòa Phát sẽ tiếp lửa cho những doanh nghiệp nội khác đầu tư vào thị trường này, góp phần tạo sức phản công cho doanh nghiệp Việt ngay trên chính sân nhà.

Tin bài liên quan