Thủ tục khi cổ đông triệu tập ĐHCĐ bất thường để bầu, bãi nhiệm HĐQT, Ban kiểm soát

Thủ tục khi cổ đông triệu tập ĐHCĐ bất thường để bầu, bãi nhiệm HĐQT, Ban kiểm soát

(ĐTCK) Cổ đông hoặc nhóm cổ đông có quyền triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu, bãi nhiệm HĐQT, Ban kiểm soát. Vậy, khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường, trong tài liệu mời họp, cổ đông/nhóm cổ đông có cần cung cấp chứng cứ, bằng chứng chứng minh sai phạm của HĐQT không?

Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Chuyên viên tư vấn quản trị doanh nghiệp phụ trách Đại hội đồng cổ đông trực tuyến (EzGSM),  CTCP Chứng khoán FPT:

Theo quy định khoản 3 Điều 114 Luật doanh nghiệp 2014- Quyền của cổ đông phổ thông “Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp sau đây:

a) Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao;

b) Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị đã vượt quá 06 tháng mà Hội đồng quản trị mới chưa được bầu thay thế;

c) Trường hợp khác theo quy định của Điều lệ công ty.

Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải được lập bằng văn bản và phải có họ, tên, địa chỉ thường trú, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty, căn cứ và lý do yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông. Kèm theo yêu cầu triệu tập họp phải có các tài liệu, chứng cứ về các vi phạm của Hội đồng quản trị, mức độ vi phạm hoặc về quyết định vượt quá thẩm quyền".

Ngoài ra, theo quy định Điều 136 Luật doanh nghiệp 2014 - Thẩm quyền triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), sau khi cổ đông nhóm cổ đông đủ điều kiện gửi yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ bất thường và các tài liệu kèm theo nêu trên cho Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát và các bên có liên quan, HĐQT phải tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường trong thời hạn 30 ngày.

Nếu quá thời hạn 30 ngày mà HĐQT không tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường thì Ban kiểm soát thay thế HĐQT tổ chức ĐHĐCĐ bất thường trong thời hạn 30 ngày tiếp theo. Nếu tiếp tục quá thời hạn trên mà Ban Kiểm soát vẫn không tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường thì cổ đông, nhóm cổ đông mới có quyền đại diện công ty triệu tập ĐHĐCĐ bất thường.

Trong trường hợp này, luật cũng không quy định cụ thể cổ đông nhóm cổ đông phải gửi các tài liệu nêu trên cho cổ đông khi gửi thông báo, tài liệu mời họp. Tuy nhiên, để đảm bảo cơ sở pháp lý của ĐHĐCĐ, cổ đông, nhóm cổ đông cần chuẩn bị các tài liệu để chứng minh cho đại hội và các cơ quan có thẩm quyền: cổ đông, nhóm cổ đông có đủ thẩm quyền triệu tập ĐHĐCĐ bất thường và đã tuân thủ đúng quy trình, trình tự thủ tục triệu tập ĐHĐCĐ.

Tin bài liên quan