Thông tin Uber tạm dừng hoạt động chỉ là... “tin vịt“

(ĐTCK) Ngay sau khi Cục thuế TP.HCM ra quyết định xử phạt hành chính, truy thu số tiền thuế "siêu khủng" 66,68 tỷ đồng của Công ty Uber, có nhiều tin đồn lan truyền Uber sẽ dừng hoạt động tại Việt Nam, bỏ của chạy lấy người. Tuy nhiên, đại diện Uber khẳng định đó chỉ là "tin vịt".

Sau sự cố về thuế lớn nói trên, trả lời báo chí, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Uber Việt Nam bác bỏ tin đồn Uber tạm dừng hoạt động tại Việt Nam, cho đó chỉ là tin vịt.

Mới đây, theo yêu cầu của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Cục thuế TP.HCM đã thanh tra các nghĩa vụ thuế tại Công ty TNHH Uber B.V (Hà Lan). Thời gian thanh tra đối với công ty này là từ năm 2014 khi Uber gia nhập thị trường đến hết tháng 6/2017.

Thông tin Uber tạm dừng hoạt động chỉ là... “tin vịt“ ảnh 1

Đại diện Uber khẳng định: Thông tin Uber tạm dừng hoạt động sau khi Cục thuế TP.HCM xử phạt, truy thu số thuế khủng chỉ là... "tin vịt" 

Sau thanh tra, Cục Thuế TP.HCM phát hiện Uber có hành vi kê khai sau dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Với vi phạm này, Uber bị phạt 10,3 tỷ đồng.

Cục thuế TP.HCM cũng tiến hành truy thu số tiền thuế chưa nộp của Uber là 51,48 tỷ đồng. Trong số đó có 26,3 tỷ đồng là thuế VAT khấu trừ nộp thay, hơn 14,6 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân khấu trừ nộp thay. Còn lại là gần 10,5 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp với nhà thầu nước ngoài. Theo quyết định của Cục Thuế TP.HCM, Uber còn phải nộp thêm số tiền chậm nộp tính đến 31/8 là khoảng 4,9 tỷ đồng.

Tổng cộng, với số tiền phạt, truy thu và tiền chậm, Uber phải nộp số tiền là 66,68 tỷ đồng.

Thông tin được Bộ Tài Chính tiết lộ, Uber ở Việt Nam vẫn chưa đóng số tiền 66,68 tỷ đồng bị truy thu thuế. Công ty này cũng đang khiếu nại lên Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính, viện dẫn hiệp định để tránh đánh thuế hai lần.

Được biết, ngay sau kết quả về truy thu thuế và xử phạt hành chính nói trên, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46), Bộ Công an đề nghị Tổng cục Thuế cung cấp văn bản liên quan đến việc thu thuế của Uber và Grab.

Kể từ khi có mặt tại Việt Nam, Uber và Grab được cho là cạnh tranh bất bình đẳng về giá cước và cáo buộc hình thức vận tải này dù hoạt động tương tự như taxi song lại không tuân thủ các quy định như loại hình kinh doanh taxi. Thời gian qua, nhiều xung đột quan điểm giữa các ngành, địa phương cũng đã xảy ra về cơ chế quản lý, thu thuế và xác định tính pháp lý của loại hình kinh doanh mới "kinh tế sẻ chia" mà thế giới đang phát triển mạnh mẽ.

Về phần các doanh nghiệp taxi, sự xuất hiện của Uber, Grab bị nhiều hãng cáo buộc là nguyên nhân chính khiến họ thua lỗ, sa thải lao động và doanh thu sụt giảm. Nhưng hiện phần lớn người tiêu dùng đang ủng hộ phương thức này, đa số người tiêu dùng đã, đang sử dụng loại hình vận tải Uber, Grab ủng hộ bởi sự hợp lý về giá cước, sự tiện lợi của phương thức vận tải tiên tiến.

Tin bài liên quan