Thông quan hàng hóa, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều rào cản

(ĐTCK) Trong khi chờ văn bản hướng dẫn Nghị định 187, cơ quan hải quan áp dụng Nghị định 12 đã hết hiệu lực từ ngày 20/2/2014.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Với mục tiêu chuyển mạnh sang hậu kiểm để phù hợp với thông lệ quốc tế, Nghị quyết 19/NQ-CP ban hành ngày 12/3/2015 yêu cầu 10 bộ triển khai rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành.

Tính đến nay, đã có một số nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của các bộ quản lý chuyên ngành được thực hiện về việc xây dựng kế hoạch đo thời gian giải phóng hàng với sự tham gia của 7 bộ liên quan để đánh giá thực tế thời gian thông quan hàng hoá, làm căn cứ cho việc xây dựng các giải pháp cải cách thủ tục quản lý chuyên ngành, về quy trình thí điểm cấp giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet và thí điểm việc cấp chứng nhận xuất xứ điện tử đối với C/O mẫu D, về đăng kiểm điện tử đối với cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, xe mô tô, xe gắn máy…

Tuy nhiên, kết quả rà soát thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, vẫn còn nhiều tồn tại chưa được giải quyết, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể, theo bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh, trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Nghị định 187/2013/NĐ-CP yêu cầu 12 bộ, ngành liên quan ban hành danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành. Hiện mới chỉ có 7/12 bộ ban hành danh mục này và số lượng danh mục mặt hàng chỉ đạt 32,7% (35/107).

Cũng theo bà Thảo, quy định yêu cầu danh mục hàng phải quy định rõ tên hàng, mã số HS, chế độ quản lý thì mới đủ căn cứ để làm thủ tục thông quan. Tuy nhiên, trong số các văn bản đã ban hành, chỉ có Thông tư 18/2014/TT-NHNN là quy định đủ các nội dung.

Các văn bản khác hoặc là thiếu mã HS, hoặc là thiếu chế độ quản lý. Điều này gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan. Vì vậy, cơ quan hải quan vẫn phải áp dụng Nghị định 12/2006/NĐ-CP vốn đã hết hiệu lực từ ngày 20/2/2014, trong khi chờ các bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn Nghị định 187.

Bên cạnh đó, bà Thảo cho biết, hiện vẫn chưa có thông tin của các bộ về việc triển khai rà soát, sửa đổi, xây dựng các văn bản đang gây vướng mắc trong quản lý chuyên ngành được nêu tại Nghị quyết 19.

Trong đó, có trách nhiệm của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế trong việc rà soát, xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện các nghị định đối với hàng hóa thuộc danh mục quản lý chuyên ngành và sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hiện về kiểm tra hàm lượng Formaldehyt trên các sản phẩm dệt may, về danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm và đối với hàng thủy sản xuất khẩu, về ghi nhãn hàng hóa, cũng như giải pháp kiểm soát việc loạn thu phụ phí của các hãng tàu thời gian gần đây.

Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng cường toàn diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID (GIG) bổ sung, vẫn còn tồn tại vướng mắc liên quan đến kiểm dịch hàng xuất khẩu đối với nhiều mặt hàng, trong đó có mặt hàng dăm gỗ.

Theo đó, doanh nghiệp phải kiểm dịch thực vật tại Việt Nam và phải trả nhiều phí, trong khi thị trường nhập khẩu không đòi hỏi kiểm dịch. Hay như việc khai hải quan và giấy nộp tiền đối với nhiều mặt hàng vẫn tồn tại. Do chưa thực hiện được việc rút gọn còn 1 giấy nộp tiền cho nhiều tờ khai hải quan nên doanh nghiệp mất thời gian và tốn thêm chi phí “bôi trơn” để hoàn thành các thủ tục nộp tiền thông quan.

Đặc biệt, một văn bản khiến các doanh nghiệp thép phải “kêu trời” đó là Thông tư liên tịch số 44 do Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ ban hành, quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhận khẩu.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp với đoàn khảo sát của CIEM, khi lấy mẫu để kiểm định, cơ quan kiểm định cắt một phần sản phẩm của thép tấm hoặc thép hình làm cho sản phẩm đó trở thành phế phẩm và không còn giá trị sử dụng.

“Đối với sản phẩm thép tấm carbon, với một lần cắt lấy mẫu kiểm dịch như vậy khiến doanh nghiệp mất từ 5.000 - 10.000 USD/tấm thép, còn đâu là lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đó là chưa kể tới thời gian chờ đợi kiểm định hơn 2 tuần, làm chậm trễ thông quan và phát sinh chi phí lưu kho, lưu bãi tại cảng”, đại diện một doanh nghiệp bức xúc nói.

Theo đề xuất của các chuyên gia CIEM, đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nhà sản xuất uy tín tại các nước phát triển đã được cơ quan kiểm định xác nhận đủ tiêu chuẩn tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, cần cho phép miễn kiểm tra chất lượng. Ngoài ra, các bộ có liên quan cần khẩn trương rà soát sửa đổi các quy định pháp luật về quản lý chuyên ngành để giảm thời gian và chi phí, tạo điểu kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.   

Tin bài liên quan