Tiêu thụ thép tốt nhưng chủ yếu vẫn từ một số tên tuổi lớn - Ảnh: Hoài Nam

Tiêu thụ thép tốt nhưng chủ yếu vẫn từ một số tên tuổi lớn - Ảnh: Hoài Nam

Thị trường vật liệu, vui trong thấp thỏm

(ĐTCK) Kết quả tiêu thụ thép, xi măng, gạch, đá, kính xây dựng của hầu hết các DN 6 tháng đầu năm đều đạt hoặc vượt mức dự báo. Con số này cho thấy ngành VLXD đã vượt qua nỗi ám ảnh mang tên ế ẩm. Thế nhưng, trong từng nhóm hàng thì vẫn còn nguyên đó nỗi lo.

Với xi măng, 6 tháng qua, tiêu thụ đạt 34,16 triệu tấn, trong đó, tiêu thụ nội địa gần 26 triệu tấn, xuất khẩu 8,19 triệu tấn. Đây là mức tiêu thụ nằm trong dự báo, không có sự thay đổi nhiều.

Tuy nhiên, trong nội bộ ngành xi măng thì các DN có sức cạnh tranh cao đều đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và giảm đáng kể tỷ trọng xuất khẩu bởi xuất khẩu có lãi rất ít, cho thấy khó khăn vẫn thuộc về những thương hiệu nhỏ.

Đơn cử như tiêu thụ nội địa của Xi măng Cẩm Phả dự kiến tăng từ 1,19 triệu tấn năm 2012 lên 1,9 triệu tấn trong năm 2015, xuất khẩu giảm từ 0,94 triệu tấn năm 2012 còn 0,64 triệu tấn trong năm 2015. Xi măng Cẩm Phả đang từng bước đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và “đến năm 2018 chỉ tiêu thụ xi măng, không bán clinker”.

Trong 10,7 triệu tấn sản phẩm tiêu thụ 6 tháng đầu năm của VICEM thì có 9,58 triệu tấn nội địa và 1,15 triệu tấn xuất khẩu. Tỷ lệ xuất khẩu của VICEM đã giảm gần 40% so với cùng kỳ.

Ông Trần Việt Thắng, Tổng giám đốc VICEM khẳng định: “Tổng công ty không chỉ cạnh tranh về chất lượng mà còn về cơ chế giá. Giá bán lẻ của VICEM cao vì người tiêu dùng tin tưởng, chọn mua sản phẩm của VICEM. Còn giá vào công trình của VICEM đảm bảo cạnh tranh. Sản phẩm của VICEM đã có mặt ở các công trình bất động sản lớn như Vinhome Tân Cảng hay Đại Quang Minh”.

Dù tiêu thụ đang vượt mức dự báo, nhưng sức “vượt bão” của các DN xi măng vẫn chỉ là tốt lỏi. Khi tiêu thụ trong nước khả quan thì xuất khẩu clinker của Việt Nam đang bị các đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc chèn cho nghẹt thở. Việt Nam sẽ làm gì khi giá bán clinker của Trung Quốc thấp hơn từ 3 - 8 USD/tấn?

Dù Việt Nam đã vươn lên đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất xi măng đứng đầu thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Mỹ, nhưng sản lượng xi măng của Trung Quốc (2,5 tỷ tấn) gấp 35 lần của Việt Nam (72 triệu tấn). Vì thế, xi măng Việt Nam khó cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường xuất khẩu.

Sáu tháng đầu năm, ngành thép có mức tiêu thụ vượt dự kiến với trên 3 triệu tấn sản phẩm thép xây dựng, tăng 24% so với cùng kỳ, vượt xa con số dự báo khoảng 12% trước đó. Sản phẩm ống thép cũng có mức tăng trưởng khả quan, tăng 34% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ngành thép nói chung được xác định là vẫn chưa thoát khỏi bức tranh màu xám.

Trong khi các DN thép chiếm thị phần chủ yếu như VNSteel (23%), Hòa Phát (22%), Pomina (13,5%), Vinakyoei (8%) đạt mức tiêu thụ tốt thì đa số các DN khác vẫn hết sức “đì đẹt”. Mấy năm trước đây, sản phẩm tôn mạ của các DN Việt Nam đã khởi sắc rõ nét trong điều kiện thị trường tiêu thụ ảm đạm, thì nay đã chính thức bị hàng Trung Quốc chèn ép trên sân nhà.

Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy, 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu gần 500.000 tấn tôn mạ, trong khi cả năm 2014 là 700.000 tấn.

Ông Nguyễn Đức Hiệp, Tổng giám đốc VNSteel Thăng Long cho biết: “6 tháng, cả nước tiêu thụ 1,5 triệu tấn tôn mạ thì nhập khẩu từ Trung Quốc gần 500.000 tấn, tăng 30% so với cùng kỳ.”

Lý do nhập khẩu tôn mạ tăng đột biến theo giải thích của ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) là do, “giá bán tôn Trung Quốc rẻ, dù nước sơn kém và độ dày không đạt chuẩn, người bán đã hô biến tôn có độ dày 0,36 mm thành 0,42 mm để lừa người tiêu dùng…”.

Ông Sưa cũng cho biết thêm, DN tôn mạ đã có những kiến nghị đến VSA và nếu có đủ bằng chứng, Hiệp hội sẽ kiến nghị lên Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) để có biện pháp bảo vệ hàng trong nước. Tuy nhiên, Việt Nam chưa ban hành “Quy chuẩn quốc gia cho sản phẩm tôn trong nước” nên không thể “một sớm một chiều” lập hàng rào kỹ thuật bảo hộ sản phẩm tôn nội.

Về vấn đề lừa dối người tiêu dùng, Đầu tư Bất động sản đã tiếp xúc với nhiều cửa hàng bán tôn mạ tại TP. HCM, chủ các cửa hàng này cho biết: “Chúng tôi chả phải lừa ai, nói rõ loại này hàng Trung Quốc, loại này của Hoa Sen, loại này của Đông Á và đi kèm là giá bán. Chúng tôi tư vấn đầy đủ nhưng cuối cùng khách mua gì thì bán nấy. Vẫn biết rằng hàng Việt mình tốt, chất lượng đảm bảo, nhưng giá bán cao, người ta không mua đành chịu”.

Trong khi tôn mạ trong nước bị chèn ép bởi hàng giá rẻ từ Trung Quốc thì trên lĩnh vực xuất khẩu, mặt hàng này cũng gặp khó khăn khi nước ngoài đã “lập rào chắn” bảo vệ hàng nội địa. Chẳng hạn, Tôn Hoa Sen đã đối mặt với vụ kiện tại Úc, bị áp dụng phòng vệ thương mại ở thị trường Indonesia và mới đây bị Malaysia áp dụng thuế chống bán phá giá.

Ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch HĐQT Thép Pomina cho rằng: “Việc kiện cáo của nước ngoài là để bảo hộ sản phẩm trong nước, chứ DN Việt Nam, trong đó có Tôn Hoa Sen không vi phạm điều gì. Việc kiện này cũng giống như kiện chống bán phá giá với cá tra, cá ba sa… Vấn đề ở chỗ DN sẽ bị thiệt hại khi kiện tụng kéo dài”. 

Tin bài liên quan