Ông Trần Đăng Khoa

Ông Trần Đăng Khoa

Thị trường điện cạnh tranh, cơ hội tăng lợi nhuận cho DN điện

(ĐTCK) Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo các Bộ, ngành gấp rút chuẩn bị các điều kiện để hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào đầu năm 2015. 

Liên quan đến vấn đề này, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đăng Khoa, Trưởng ban Thị trường điện, Tập đoàn Điện lực (EVN) về tình hình triển khai cũng như kế hoạch của EVN trong việc cổ phần hóa các công ty phát điện.

Sau 2 năm vận hành thử nghiệm thị trường điện cạnh tranh, ông có thể đánh giá về những mặt được của việc triển khai mô hình này?

Thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) chính thức vận hành từ 1/7/2012 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương với 32 nhà máy điện tham gia, tổng công suất ban đầu là 8.965 MW, chiếm 37% tổng công suất toàn hệ thống. Tính đến tháng 6/2014, toàn hệ thống điện có 102 nhà máy điện đang vận hành với tổng công suất 29.940 MW, trong đó 51 nhà máy điện do 46 đơn vị đại diện trực tiếp chào giá trên VCGM với tổng công suất 12.478 MW, chiếm 41,7% tổng công suất toàn hệ thống. 

Sau 2 năm vận hành VCGM, tổng sản lượng thực phát từ 1/7/2012 - 30/6/2014 của tất cả các nhà máy điện tham gia thị trường điện là 109,234 tỷ kWh. Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ vận hành VCGM hoạt động tốt, đảm bảo vận hành tin cậy, liên tục và ổn định. 

Vậy những khó khăn đặt ra trong quá trình vận hành VCGM là gì? Vấn đề giá mua điện được giải quyết như thế nào để khuyến khích các DN trong và ngoài ngành điện tham gia khi VCGM được chính thức triển khai trong năm 2015, thưa ông?

Sau 2 năm vận hành, VCGM còn bộc lộ một số hạn chế như nguồn cung trên thị trường điện chưa được dồi dào như kỳ vọng, đặc biệt là việc mất cân đối nguồn điện trong khu vực miền Nam, hệ thống truyền tải điện còn yếu, hiện tượng quá tải và nghẽn mạch còn diễn ra trên lưới 500kV, 220kV, có thể dẫn đến việc lợi dụng vị trí địa lý trong việc chào giá để hưởng lợi. Trong khi đó, cơ chế hiện nay chưa đủ mạnh để xử lý triệt để vấn đề này. Cơ chế cạnh tranh đã được đưa vào khâu phát điện, nhưng thị trường năng lượng sơ cấp (than, dầu, khí) vẫn chưa được tổ chức. Ngoài ra, hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến VCGM vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện.

Về cơ chế giá điện, hiện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đang chủ trì xây dựng Thiết kế chi tiết thị trường bán buôn cạnh tranh để chuẩn bị cho việc triển khai vào năm 2015, trong đó sẽ cụ thể hóa các cơ chế giá hợp đồng mua bán điện, giá bán lẻ điện và cơ chế khuyến khích đầu tư. Trước mắt, Bộ Công Thương mới ban hành Thiết kế tổng thể thị trường điện bán buôn để tạo nền tảng cho việc xây dựng thị trường này. 

Theo ông, việc tham gia VCGM đã tạo được sự minh bạch và bình đẳng trong giá mua điện của các nhà máy điện chưa? Và việc tham gia liệu có góp phần gia tăng lợi nhuận cho các nhà máy điện nói chung, cũng như của EVN như kỳ vọng?

Nhìn chung, các nhà máy điện tham gia VCGM đều tuân thủ đúng quy định của thị trường điện, tối đa hóa lợi nhuận đi đôi với việc đi đúng đường ray quy định đã đặt ra. Những nhà máy điện thuộc EVN tham gia VCGM cũng buộc phải tham gia chào giá cạnh tranh bình đẳng như các nhà máy điện khác.

Có thể nói, việc tham gia thị trường điện đã làm thay đổi hoạt động sản xuất - kinh doanh của các nhà máy điện. Trước kia, để gia tăng lợi nhuận, các nhà máy điện chỉ có một cách là giảm chi phí sản xuất, do giá điện đã được hình thành trong các thỏa thuận hợp đồng mua điện dài hạn. Nay khi tham gia thị trường điện, lợi nhuận của các nhà máy điện phụ thuộc đồng thời cả hai chiến lược, đó là chiến lược cắt giảm chi phí và chiến lược chào giá. Theo đó, thành công của các nhà máy điện trên thị trường điện phụ thuộc vào việc tổ chức tốt công tác chào giá, từ đầu tư các công cụ hỗ trợ đến đào tạo nguồn nhân lực tham gia công tác này. 

Để hoàn thiện VCGM và phát triển ngành điện nói chung, tiến trình tái cơ cấu các tổng công ty phát điện (Genco) là một trong những giải pháp hết sức quan trọng. Hiện nay, tình hình cổ phần hóa 3 Genco của EVN đang triển khai như thế nào, thưa ông?

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam, EVN đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị cho việc cổ phần hóa 3 Genco. Hiện Tập đoàn đã trình Bộ Công Thương kế hoạch cổ phần hóa 3 đơn vị này và Bộ đã thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn sẽ triển khai ngay các bước cần thiết để chuyển đổi sở hữu 3 tổng công ty phát điện này.

Dự kiến thị trường bán buôn cạnh tranh chính thức vận hành vào đầu năm 2015, vậy EVN đã chuẩn bị những gì để triển khai  thị trường này đúng lộ trình?  

Đối với việc hoàn thiện, phát triển VCGM, EVN sẽ phát hiện các bất cập nảy sinh trong quá trình vận hành thị trường điện để kiến nghị Cục Điều tiết điện lực xem xét sửa đổi, bổ sung văn bản pháp lý cho phù hợp; xây dựng Đề án đưa các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu tham gia VCGM, dự kiến sẽ trình Bộ Công Thương trong năm nay. Đồng thời, tiếp tục xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ thị trường điện chưa hoàn thiện như quy trình dịch vụ phụ trợ, quy trình điều độ thời gian thực, sửa đổi, bổ sung các quy định về hợp đồng mua bán điện...

Để chuẩn bị các điều kiện hình thành thị trường điện bán buôn, do thị trường này dự kiến sẽ kế thừa thiết kế thị trường điện giao ngay của VCGM hiện nay, nên EVN đặc biệt chú trọng hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực vận hành và tham gia thị trường này, đồng thời cử người tham gia Ban chỉ đạo Thị trường điện bán buôn do Bộ Công Thương chủ trì. Các nhiệm vụ khác sẽ được EVN tổ chức thực hiện ngay sau khi Thiết kế chi tiết thị trường điện bán buôn được ban hành.

Tin bài liên quan