Thị trường điện cạnh tranh, bao giờ mới… thực sự cạnh tranh?

Thị trường điện cạnh tranh, bao giờ mới… thực sự cạnh tranh?

(ĐTCK) Thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) đã chính thức vận hành hơn 2 năm tính từ thời điểm 1/7/2012. Mục tiêu quan trọng nhất của VCGM là góp phần minh bạch và tăng tính cạnh tranh trong khâu phát điện, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các nhà sản xuất, cung ứng điện.

Tuy nhiên, cho đến nay, dường như các tiêu chí về minh bạch hóa và cạnh tranh lành mạnh của VCGM vẫn nằm trên lý thuyết. 

Theo nguyên lý thiết kế, VCGM là nơi các đơn vị phát điện có thể tự quyết định chiến lược kinh doanh thông qua bản chào giá bán điện của mình. Các nhà máy điện sẽ được huy động theo thứ tự giá chào bán từ thấp đến cao. Việc huy động sản lượng từ các nhà máy điện được tính toán hàng giờ và việc thanh toán cho các nhà máy này được thực hiện ngay sau ngày vận hành. Như vậy, có thể hiểu rằng, các nhà máy tham gia vào thị trường này về nguyên tắc cần nắm bắt được đầy đủ các thông tin về thị trường, về đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là các thông tin về giá chào, khả năng công suất của đối thủ cạnh tranh, từ đó có phương án chào giá và năng lực tốt nhất để có thể bán được điện cho cơ quan điều tiết.

Tuy nhiên, theo đại diện Tổng công ty Điện lực Vinacomin, một trong những nhà cung ứng điện lớn cho thị trường phát điện, đơn vị này hầu như không hề nắm được các thông tin cơ bản của các nhà máy cùng tham gia vào VCGM.

“Bản thân các nhà máy điện của Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV) cũng không hề nắm được thông tin các nhà máy của Tập đoàn Điện lực (EVN) tham gia thị trường điện như thế nào, chào bán giá ra sao và cũng không nắm được thông tin các nhà máy ngoài TKV đang được huy động bao nhiêu công suất, giá bán thế nào”, vị đại diện này khẳng định và nói thêm, không chỉ riêng TKV mà nhiều DN sản xuất điện cũng gặp tình trạng tương tự khi tham gia vào VCGM, tức là chỉ nhà máy nào biết nhà máy đó.

Trên thực tế, đây chính là tồn tại lớn nhất của thị trường phát điện cạnh tranh hiện nay, bởi đã là thị trường thì cần phải rõ ràng, minh bạch các thông tin cơ bản về khách hàng, nhu cầu về điện phải được công bố, thị trường cần bao nhiêu, có những ai tham gia vào thị trường, năng lực thế nào, công suất phát bao nhiêu, giá chào thế nào… Trên cơ sở đó, các nhà sản xuất, cung ứng điện mới có thể tính toán được phương án chào giá hợp lý nhất và quan trọng hơn là có thể chủ động trong kế hoạch sản xuất để đảm bảo công suất vận hành ở mức chi phí hợp lý nhất. Tuy nhiên, hiện nay, mặc dù VCGM chính thức vận hành hơn 2 năm và có sự tham gia của khá nhiều nhà máy điện ngoài EVN, song tồn tại này vẫn chưa được khắc phục.

Hệ lụy của tình trạng thiếu minh bạch trên thị trường điện cạnh tranh không chỉ đơn giản là khiến các DN sản xuất không biết đằng nào mà chào giá, mà quan trọng hơn khiến họ rất bị động trong kế hoạch và tăng chi phí sản xuất.

Ông Lê Văn Xuân, Phó giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Na Dương thuộc Tổng công ty Điện lực Vinacomin cho biết, khi tham gia VCGM, hàng năm, Nhiệt điện Na Dương cũng như các nhà máy nhiệt điện khác thuộc TKV đều nhận phân bổ sản lượng theo cơ chế giao sản lượng theo hợp đồng từ EVN. Song nhìn chung, chưa năm nào nhà máy này chạy hết công suất theo sản lượng được giao, thậm chí có thời điểm chỉ huy động 1 tổ máy với 60% công suất, từ đó làm tăng chi phí sản xuất và giảm hiệu quả vận hành của các tổ máy.

“Tất nhiên, cần tính tới quy luật mùa vụ là các mùa mưa thường các nhà máy thủy điện sẽ được huy động nhiều hơn cho việc phát điện, song nếu như chúng tôi được thông báo rõ ràng về công suất của các nhà máy được huy động vào thị trường phát điện thì sẽ chủ động hơn trong sản lượng sản xuất, từ đó giảm bớt chi phí”, ông Xuân cho biết.

Bên cạnh đó, một khó khăn không nhỏ cho các nhà máy phát điện ngoài EVN tham gia VCGM là vấn đề duy tu, bảo dưỡng các tổ máy phát điện vốn là hoạt động không thể thiếu trong vận hành nhà máy phát điện.

“Có thời điểm mùa mưa hay nhu cầu tiêu thụ điện thấp, các nhà máy phải giảm công suất thậm chí phải dừng các tổ máy, song bản thân nhà máy cũng không biết thực tế các nhà máy khác có phải dừng như mình không, do đó rất bị động trong kế hoạch duy tu, bảo dưỡng và công tác bố trí lao động. Bởi muốn dừng để làm nhưng chỉ sợ đang bảo dưỡng khi thị trường cần huy động ngay lại không kịp. Vì vậy, cái mà chúng tôi rất cần hiện nay là sự minh bạch  và rõ ràng về các thông tin của các nhà máy tham gia vào thị trường điện để chủ động kế hoạch sản xuất và bảo dưỡng, tránh phát sinh thêm các chi phí khởi động lại các tổ máy sẽ làm tăng chi phí sản xuất vốn đã rất cao”, ông Ngô Chí Thịnh, Tổng giám đốc Tổng ty điện lực Vinacomin đề xuất.

Tin bài liên quan