Các chủng loại thép sản xuất tại Việt Nam đều có sản lượng vượt gấp đôi so với nhu cầu tiêu thụ. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Các chủng loại thép sản xuất tại Việt Nam đều có sản lượng vượt gấp đôi so với nhu cầu tiêu thụ. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Thép nội tính kế “chiến” thép ngoại

Trước sự lấn lướt của thép nhập khẩu, để bảo vệ mình, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và các doanh nghiệp thép đang tính tới việc phải thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính đến hết tháng 10/2015, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam đã lên tới 12,62 triệu tấn, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2014, với kim ngạch 6,28 tỷ USD.

Chủ tịch VSA, ông Hồ Nghĩa Dũng cho biết, lượng sắt thép đổ từ Trung Quốc quá lớn đang tạo nhiều áp lực cho các nhà sản xuất trong nước. Trong khi đó, năng lực sản xuất thép nước ta đang lớn hơn nhu cầu đã khiến nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng.

Số liệu từ VSA cho thấy, hiện nay tổng năng lực sản xuất ngành thép Việt Nam 22 triệu tấn và hầu hết các chủng loại thép đều có sản lượng vượt gấp đôi so với nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Kể từ tháng 10/2015 đến nay, giá thép trong nước liên tục đi xuống, do 3 nguyên nhân chủ yếu: xu hướng giảm giá thép trên thị trường thế giới; sức hấp thụ từ thị trường xây dựng còn hạn chế và thép nhập khẩu giá rẻ.

Bộ Công Thương đã thành lập đoàn công tác kiểm tra việc nhập khẩu phôi thép để quản lý chặt chẽ, ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại trong nhập khẩu phôi thép.

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), tại thị trường nội địa, trong nửa đầu tháng 11/2015, các doanh nghiệp thép lớn như Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty Gang Thép Thái Nguyên, Vinakyoei đã điều chỉnh giảm giá thép xây dựng, với mức giảm từ 150 - 800 đồng/kg tùy từng loại. Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất thép đang điều chỉnh tăng mức chiết khấu bán hàng khoảng 100 - 200 đồng/kg tùy từng loại.

Trước tình trạng thép nhập khẩu đổ bộ vào thị trường nội địa, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công thương hướng dẫn Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất thép thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại trong trường hợp cần thiết, nếu tình trạng phôi thép hợp kim có chứa crom nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến và cạnh tranh không lành mạnh với phôi thép trong nước.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn công tác kiểm tra việc nhập khẩu phôi thép để quản lý chặt chẽ, ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại trong nhập khẩu phôi thép.

Đoàn công tác bao gồm: Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và công nghệ và Hiệp hội Thép Việt Nam hiện đang thực hiện kiểm tra 5 công ty nhập khẩu phôi kê khai phôi thép hợp kim là: Công ty TNHH Thép Vinakyoei (Bà Rịa - Vũng Tàu), Công ty TNHH IPC (Hải Phòng), Công ty TNHH Thương mại Dương Tiến (Bắc Giang), Công ty TNHH Thương mại Vĩnh Long (Hà Nội), Công ty Sản xuất thép Úc SSE (Hải Phòng). Kết quả kiểm tra sẽ được báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào ngày 29/11/2015.

Tin bài liên quan