Thêm nhiều thị trường xuất khẩu gia nhập "câu lạc bộ tỷ đô"

Thêm nhiều thị trường xuất khẩu gia nhập "câu lạc bộ tỷ đô"

Theo các chỉ số thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, kết thúc 5 tháng đầu năm 2017, đã có 23 thị trường xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 1 tỷ USD. Qua đây, có thể nhận diện “câu lạc bộ” các thị trường này ở một số góc độ đáng chú ý.
Trên góc độ số lượng thị trường, với con số 23 thị trường đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, “câu lạc bộ” các thị trường này đã tăng thêm 8 thị trường so với cùng kỳ năm trước, gồm: Canađa, Ấn Độ, Austria, Singapore, Campuchia, Đài Loan, Mexico, Philippines.

Trên góc độ quy mô, kim ngạch xuất khẩu của các thành viên “câu lạc bộ” trong 5 tháng đầu năm nay đã đạt 68,75 tỷ USD, tăng 11,11 tỷ USD so với cùng kỳ. Các thành viên này đã đóng góp 86% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, cao hơn tỷ trọng 85,3% của cùng kỳ. Trong đó có một số thị trường đã đóng góp khá lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, như Hoa Kỳ chiếm 20%, Trung Quốc chiếm 13,3%, Nhật Bản chiếm 8,2%, Hàn Quốc chiếm 6,9%. Chỉ với 4 thị trường này đã đóng góp 48,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trên góc độ tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, các thành viên “câu lạc bộ” đã có tốc tộ tăng 19,3%, cao hơn tốc độ tăng tương ứng 18,4% của cả nước. So với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng 12,44 tỷ USD, thì mức tăng của “câu lạc bộ” đã chiếm 89,3% tổng số, trong đó, tăng cao nhất là Trung Quốc đạt 3.140 triệu USD, Hoa Kỳ 1.463 triệu USD, Hàn Quốc 1.262 triệu USD, Nhật Bản 1.061 triệu USD, Malaysia 632 triệu USD...

23 thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Hà Lan, Đức, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Anh, Thái Lan, Malaysia, Italia, Ấn Độ, Australia, Pháp, Indonesia, Singapore, Austria, Philippines, Campuchia, Canada, Mexico, Đài Loan.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trên góc độ chuyển dịch thị trường, về thứ bậc tăng có Ấn Độ (từ thứ 17 lên thứ 13), Hà Lan (từ thứ 8 lên thứ 6), Hong Kong (từ thứ 6 lên thứ 5), Malaysia (từ thứ 13 lên thứ 11), Australia (từ thứ 15 lên thứ 14), Singapore (từ thứ 19 lên thứ 17)... Tuy nhiên, một số thị trường bị xuống bậc (như Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất từ thứ 7 xuống thứ 8, Canađa từ thứ 16 xuống thứ 21, Đức từ thứ 5 xuống thứ 7, Indonesia từ thứ 14 xuống thứ 16, Italia từ thứ 11 xuống thứ 12, Pháp từ thứ 12 xuống thứ 15).

Trên góc độ xuất/nhập siêu, có thể kể đến các thành viên của “câu lạc bộ” này xuất siêu lớn (trên 1 tỷ USD) là Hoa Kỳ đạt 12,07 tỷ USD, Hà Lan đạt 2,4 tỷ USD, Hồng Kông đạt 2,19 tỷ USD, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đạt 1,82 tỷ USD, Anh đạt 1,67 tỷ USD... Theo đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là một số thị trường chủ yếu thuộc châu Âu. Điều này đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá... Tuy nhiên, mức xuất siêu ở một số thị trường đang có xu hướng giảm dần, chủ yếu do Hoa Kỳ có xu hướng trở lại bảo hộ mậu dịch và một số FTA đã được ký kết...

Các thị trường là thành viên của “câu lạc bộ” mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất (trên 1 tỷ USD) có thể có kể đến: Hàn Quốc 12,96 tỷ USD; Trung Quốc 11,5 tỷ USD, Đài Loan 3,1 tỷ USD, Thái Lan 2,1 tỷ USD, Singapore 1,1 tỷ USD... Theo đó, Trung Quốc (nếu cả tiểu ngạch) vẫn là thị trường nhập siêu lớn nhất, còn nếu tính riêng chính ngạch thì Hàn Quốc đã vượt lên trở thành thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất và tăng cao.

10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD: hạt điều; cà phê; gỗ; thủy sản; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; giày dép; rau quả; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; điện thoại các loại và linh kiện.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Tin bài liên quan