Bất kỳ một sự đầu tư nào đối với Khách sạn Kim Liên cũng đòi hỏi phải có sự đồng thuận cao từ các cổ đông hiện hữu

Bất kỳ một sự đầu tư nào đối với Khách sạn Kim Liên cũng đòi hỏi phải có sự đồng thuận cao từ các cổ đông hiện hữu

Thế kẹt của bầu Thụy trong thương vụ Khách sạn Kim Liên

(ĐTCK) Chi gần 1.000 tỷ đồng để sở hữu hơn 52% vốn điều lệ của CTCP Du lịch Kim Liên (DN sở hữu Khách sạn Kim Liên), nhưng trong cơ cấu sở hữu hiện tại của Khách sạn Kim Liên, mức 52% chưa đủ để tạo ra tiếng nói áp đảo. 

Người chủ mới có thể sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, nếu không có được sự ủng hộ của các cổ đông còn lại.

Theo thông tin tại Bản công bố thông tin chào bán cổ phiếu Khách sạn Kim Liên, tại ngày 1/9/2015, CTCP Du lịch Kim Liên có 4 cổ đông lớn bao gồm: SCIC nắm chi phối 52,43% vốn điều lệ, Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) sở hữu 26,89% vốn điều lệ, Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu Điện sở hữu 6,69% vốn điều lệ và CTCP Đầu tư Bất động sản Toàn cầu sở hữu 6,62% vốn điều lệ.

Với tỷ lệ sở hữu quá bán, cổ đông mới thay thế SCIC sẽ có ưu thế đặc biệt trong việc đưa người vào HĐQT, Ban kiểm soát, Ban tổng giám đốc, hay vị trí Kế toán trưởng…, là những vị trí có ảnh hưởng quan trọng đến việc điều hành công việc hàng ngày của Khách sạn Kim Liên. Thế nhưng, với những vấn đề liên quan đến tăng vốn, tái cấu trúc DN, thì sở hữu trên 52% vốn điều lệ chưa thực sự có tiếng nói quyết định.

Trong 3 năm 2012 - 2014, Khách sạn Kim Liên lãi lần lượt 21,315 tỷ đồng, 14,485 tỷ đồng và 13,494 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2015, tình hình kinh doanh của Công ty sụt giảm mạnh, lợi nhuận chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh này, cổ đông lớn mua lại phần vốn góp của SCIC tại Khách sạn Kim Liên khó có thể trông chờ thu hồi vốn từ hoạt động kinh doanh hiện tại. Chờ bán lại cổ phần với giá cao hơn, nâng cấp quy mô đầu tư, chất lượng Khách sạn Kim Liên, hoặc thay đổi mục đích sử dụng đất… là những điều mà cổ đông này có thể hướng tới.

Tuy nhiên, ngoại trừ phương án bán lại cho bên thứ ba, bất kỳ một sự đầu tư nào đối với Khách sạn Kim Liên cũng là một bài toán đòi hỏi phải có sự đồng thuận cao từ các cổ đông hiện hữu, vì quy mô tài sản của Công ty hiện ở mức rất thấp.

Cụ thể, tại ngày 30/6/2015, tổng tài sản của Công ty là 98,533 tỷ đồng, với gần 60 tỷ đồng tiền và tương đương tiền. Trong khi đó, với quy mô 3,5 héc-ta, nhu cầu đầu tư vào Công ty (dù theo phương án nào) cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng, đòi hỏi phải được sự đồng thuận của ĐHCĐ.

Nhà đầu tư đã thắng cuộc bỏ ra 1.000 tỷ đồng để mua toàn bộ số cổ phần SCIC nắm giữ tại CTCP Du lịch Kim Liên trong cuộc đấu giá vừa qua chính là Thai Group của bầu Thụy. Mức giá này gấp khoảng 9 lần mức giá khởi điểm mà SCIC đưa ra.

Theo bản đăng ký đấu giá, Thaigroup có vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng. Thaigroup – tiền thân là Công ty cổ phần Xuân Thành Group do ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch HĐQT công ty.

Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp quy định, với các nội dung liên quan đến phương án tăng vốn, đầu tư trên 35% tổng tài sản, tái cấu trúc DN…, thì quyền quyết thuộc về ĐHCĐ, các nội dung này chỉ được thông qua khi có sự chấp thuận của tối thiểu 65% số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự.

Với cơ cấu cổ đông tại Khách sạn Kim Liên cô đặc như hiện nay, xác suất để ĐHCĐ được tổ chức với sự tham gia của cả 4 cổ đông lớn nêu trên gần như là 100% (chiếm 92,63% vốn điều lệ). Trong trường hợp không có sự tham gia của nhóm cổ đông nhỏ lẻ, quyền quyết tương ứng của cổ đông lớn mới vừa thay thế SCIC chỉ đạt 56,6%, thấp hơn khá nhiều so với yêu cầu tối thiểu là 65%.

Có nhiều kịch bản có thể xảy ra, khi cả GPBank, GPInvest và Tài chính Bưu điện đều đã nắm khá lâu cổ phiếu của Khách sạn Kim Liên và có thể có nhu cầu thu hồi vốn. Thế nhưng, có 2 lựa chọn điển hình cho nhóm 3 cổ đông này mà thị trường có thể dự báo. Một là, tiếp tục bỏ vốn lớn vào Khách sạn Kim Liên để chờ thu lời sau đó. Hai là, liên kết nhóm 3 cổ đông, dùng quyền phủ quyết các phương án tái cấu trúc để gây sức ép lên cổ đông mới nhằm bán lại vốn cổ phần và thu lời.

Sức ép sinh lời của cổ đông mới với số tiền 1.000 tỷ đồng để mua 52,43% Khách sạn Kim Liên là không hề nhỏ. Nhóm cổ đông cũ, xét trong điều kiện phủ quyết, đang có ưu thế tuyệt đối, nếu đoàn kết. Vấn đề là, nhóm cổ đông cũ chọn quyết định nào, khi bản thân nhóm này cũng chờ đợi một phương án tái cấu trúc Khách sạn Kim Liên, nhưng giờ đây, “ván bài” đã chốt và họ không có quyền chủ động và can thiệp sâu vào hoạt động DN.

Có thể nói, cổ đông mới, dù sở hữu chi phối Khách sạn Kim Liên, nhưng rơi vào tình huống “mắc kẹt” với khoản đầu tư của chính mình. Trong khi đó, một phép so sánh đơn giản, Dự án Madarin Garden có quy mô gần 3 héc-ta, tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng, theo Hòa Phát, có mức sinh lời xấp xỉ 500 tỷ đồng.

Giữa Madarin Garden và Khách sạn Kim Liên, quy mô không chênh lệch quá lớn, ưu thế tuyệt đối trong so sánh là không có, nhưng Hòa Phát không phải bỏ ra 2.000 tỷ đồng để sở hữu quyền được đầu tư vào dự án này. Vậy ông chủ mới của Khách sạn Kim Liên sẽ làm gì để tạo dựng phương án kinh doanh khả thi với Khách sạn Kim Liên? Câu trả lời đang chờ ông chủ mới lộ diện.   

Tin bài liên quan