Xu hướng M&A trong lĩnh vực bất động sản có thể bùng nổ khi TPP được ký kết

Xu hướng M&A trong lĩnh vực bất động sản có thể bùng nổ khi TPP được ký kết

Thay vì hứng khởi, cần bình tĩnh đánh giá cơ hội TPP

(ĐTCK) Nói chuyện với doanh nghiệp và các nhà đầu tư tại Hội nghị đầu tư 2015 vừa được tổ chức vào cuối tuần qua tại TP. HCM, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, những nghiên cứu về lợi ích mà Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại đều được xây dựng trên những giả định, nếu giả định đó đúng thì cơ hội và lợi ích tính toán mới đúng.

Chính vì vậy, thay vì quá hứng khởi khi kết thúc đàm phán TPP, cần bình tĩnh đánh giá cơ hội và tự trả lời cơ hội có xuất hiện thật hay không, xuất hiện theo hướng nào và với doanh nghiệp nào?

Theo ông Khánh, kết thúc đàm phán, TPP mới chỉ hoàn thành 50% công việc, 50% còn lại là chờ quốc hội của từng nước thành viên tham gia TPP thông qua hiệp định này. “Công việc này còn khá nhiều khó khăn và cũng có thể có những bất ngờ”, ông Khánh nói.

Trả lời câu hỏi của một nhà đầu tư: nếu quốc hội của 1 trong 12 nước tham gia TPP không đồng ý thông qua thì liệu TPP có đổ vỡ?, ông Khánh cho biết, TPP có thiết kế điều khoản chỉ cần số nước tham gia TPP có chiếm tỷ lệ % GDP nhất định đồng ý, thì dù một vài nước không thông qua, TPP vẫn có hiệu lực.

Để quốc hội tất cả các nước thành viên TPP thông qua phải mất khoảng thời gian từ 1 đến 2 năm và cũng phải mất 4 đến 5 năm nữa các lợi ích đã được tạm xây dựng mới có thể trở thành hiện thực. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, những cơ hội mà TPP mang tới chúng ta có nắm bắt được hay không còn phụ thuộc vào hạ tầng cứng lẫn hạ tầng mềm mà chúng ta đã và đang chuẩn bị. Chắc chắn sẽ có một số ngành hàng bị cạnh tranh mạnh mẽ khi Việt Nam tham gia vào sân chơi này, nhưng với bất động sản và chứng khoán sẽ không có tác động nhiều.

“Bất động sản và chứng khoán không chịu ảnh hưởng bởi TPP, nhưng xu hướng M&A có thể sẽ bùng nổ trong những lĩnh vực này”, ông Khánh chia sẻ và cho rằng, nông nghiệp sẽ là ngành gặp nhiều khó khăn, bởi không dễ dàng thay đổi cơ cấu nông nghiệp trong một sớm một chiều. TPP về cơ bản là sẽ xóa bỏ thuế xuất nhập khẩu, vì thế cần chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng chúng ta có thế mạnh.

Tại hội nghị, nhiều thông tin quan trọng về nội dung Hiệp định TPP mà các doanh nghiệp quan tâm cũng được chia sẻ. Chẳng hạn, các nước tham gia TPP cam kết đưa thuế xuất nhập khẩu về 0%; xóa bỏ gần như toàn bộ thuế quan, tất nhiên vẫn có một số mặt hàng chỉ giảm thuế một phần hay dùng hạn ngạch thuế quan nhưng phải được 11 nước còn lại đồng ý.

Các nước tham gia TPP cũng không được phân biệt đối xử giữa các bạn hàng, không được phân biệt đối xử nhà cung cấp trong nước hay nước ngoài. Nước nào muốn bảo lưu các biện pháp phân biệt đối xử nào đó thì phải ghi vào danh mục đàm phán với những thành viên còn lại.

Việc mua sắm cho các cơ quan chính phủ cũng phải mở cửa và phải sử dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, không áp dụng các điều kiện dự thầu ưu tiên doanh nghiệp nhà nước, trừ những điều kiện đã được bảo lưu. Nhà nước cũng không được trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước một cách quá mức, gây ảnh hưởng bất lợi đối với các đối tác trong TPP.

Hiệp định TPP cũng hướng đến tiêu chuẩn cao về thực hiện sở hữu trí tuệ và thực thi tiêu chuẩn quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, hiệp định này cho phép xử lý hình sự vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mới về công nghệ thông tin. TPP khẳng định quyền lưu chuyển thông tin trên internet, không yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải đặt máy chủ tại nước sở tại mới được cung cấp dịch vụ tại nước sở tại.

Theo thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Việt Nam đồng ý về những yêu cầu đòi hỏi cao đối với sở hữu trí tuệ nhưng sẽ thực hiện theo lộ trình. Đối với ngành thương mại điện tử, ông Khánh cho biết, TPP yêu cầu không được phép phân biệt đối xử với sản phẩm số và không áp thuế xuất nhập khẩu cũng như thuế nội địa với sản phẩm này.

Tin bài liên quan