Thâu tóm VE9, ông chủ LiOA toan tính gì?

Ông Nguyễn Duy Linh, Tổng giám đốc Công ty LiOA đang nỗ lực thâu tóm Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng VNECO 9 (mã chứng khoán là VE9).

Ngoài ổn áp, LiOA đã đầu tư sản xuất dây và cáp điện nên cần thâu tóm VE9 - đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây lắp điện

Ngoài ổn áp, LiOA đã đầu tư sản xuất dây và cáp điện nên cần thâu tóm VE9 - đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây lắp điện

Từ động thái của CEO LiOA

Theo thông tin từ sàn chứng khoán Hà Nội, hồi đầu tháng 10/2015, ông Nguyễn Duy Linh đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu của VE9, ngày dự kiến kết thúc giao dịch là 2/11/2015.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 của VE9 cho thấy, cổ phiếu lưu hành của Công ty là 7.847.929 đơn vị. Mới đây, việc  Công ty phát hành thêm 3,75 triệu đơn vị đã nâng tổng số cổ phiếu lưu hành là 11.596.165 cổ phiếu.

Với động thái mua vào 1 triệu cổ phiếu sẽ giúp ông Linh sở hữu thêm 8,64% cổ phần VE9. Trước đó, ông Linh đã sở hữu 8,75% cổ phần (tương đương 686.449 cổ phiếu) và hiện giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của VE9. Như vậy, tổng số cổ phần ông Linh đang sở hữu của VE9 là hơn 17%.

Theo Báo cáo thường niên năm 2014 của VE9, cổ đông lớn hiện chỉ chiếm 16,35% cổ phần công ty, số còn lại là do các cổ đông nhỏ nắm giữ. Như vậy, với tỷ lệ sở hữu hiện nay, ông Linh đương nhiên sẽ là người nắm giữ cổ phần nhiều nhất trong số các cổ đông lớn của VE9.

Tính từ năm 2011 đến nay, doanh thu và lợi nhuận của VE9 đều tăng trưởng hằng năm, doanh thu từ 35 tỷ đồng năm 2010 tăng lên xấp xỉ 140 tỷ đồng năm 2014, lợi nhuận ròng từ 1,1 tỷ đồng tăng lên 6,6 tỷ đồng.

Hai năm trở lại đây, cổ phiếu VE9 đã tăng gần 400%, lúc đạt đỉnh từ giá phát hành là 4.000 đồng lên mức 16.000 đồng/cổ phiếu. Tính riêng từ đầu năm 2015 đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu công ty đã tăng hơn 100%, từ 4.000 đồng lên 11.000 đồng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong giai đoạn 2013 đến 2014, VE9 mạnh tay đầu tư vào nhà đất khiến tổng dư nợ tăng gấp 3 lần chỉ trong một năm, từ 98 tỷ đồng lên gần 350 tỷ đồng, dẫn đến tỷ lệ ROE (lợi nhuận ròng trên vốn cổ phần) giảm lần đầu tiên sau 3 năm tăng liên tiếp, chỉ xấp xỉ 7,5%.

Trong khi đó, để đầu tư Khách sạn xanh Nha Trang, nay là Green World, VE9 đã vay Ngân hàng Nam Á, chi nhánh Nha Trang tổng số tiền là 230 tỷ đồng trong 8 năm với lãi suất 11,5%/năm, được điều chỉnh sau 6 tháng/lần theo Hợp đồng vay số 0178/2014/401 ngày 27/6/2014.

Nợ cao, lợi nhuận ròng thấp, dẫn đến tỷ lệ ROA (lợi nhuận ròng trên tổng tài sản) trong năm 2014 của VE9 cũng không mấy hấp dẫn, chưa tới 1,5%. Với các thông số như vậy, VE9 không phải là một mã có sức hút, thậm chí doanh nghiệp này vẫn đang gồng mình trả nợ ngân hàng.

Điều gì khiến LiOA muốn thâu tóm VE9?

Giả thiết thứ nhất là LiOA nhằm vào các bất động sản giá trị mà VE9 đang sở hữu thông qua công ty con.

Hiện nay, VE9 đang sở hữu hai khách sạn đang hoạt động tại Nha Trang, gồm khách sạn 3 sao Green Hotel và khách sạn 4 sao Green World, thông qua công ty con là Công ty cổ phần Du lịch xanh Nha Trang.

Ngành du lịch đang gặp nhiều khó khăn do lượng khách hàng Nga giảm mạnh trong thời gian gần đây. Lượng khách này chiếm 30% khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa trong 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, doanh thu hoạt động kinh doanh khách sạn của VE9 năm 2014 khá khả quan khi tăng trưởng 109% so với năm 2013 (16,69 tỷ đồng so với 14,833 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, theo Báo cáo thường niên 2014 của VE9, cả Green Hotel và Green World được công ty định giá hơn 600 tỷ đồng. Trong đó, Khách sạn Green Hotel từng được Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM, chi nhánh Nha Trang định giá hơn 130 tỷ đồng theo Hợp đồng số 0156B/HĐTDTDH-DN/044 ký ngày 15/9/2014. Ngoài Green Hotel và Green World, VE9 còn sở hữu hai lô đất nằm trên đường Nguyễn Thiện Thuật, TP. Nha Trang, hiện đang thế chấp với Ngân hàng Nam Á, chi nhánh Nha Trang.

Giả thiết thứ hai là thông qua sở hữu VE9, LiOA muốn củng cố vị thế của mình trong thị trường dây và cáp điện.

Được biết, ban đầu LiOA là công ty sản xuất ổn áp để đáp ứng nhu cầu ổn định dòng điện của khách hàng. Tuy nhiên, theo đà phát triển, khi hạ tầng điện trong nước được nâng cấp, nguồn điện ổn định hơn, các dòng sản phẩm ổn áp của LiOA không còn sức hấp dẫn.

Trong thời gian qua, Công ty cũng xuất khẩu sản phẩm ổn áp sang các thị trường có nguồn điện không ổn định, chủ yếu là ở các nước đang phát triển.

Năm 1998, ông Nguyễn Duy Linh đầu tư hơn 10 triệu USD để xây dựng nhà xưởng dây và cáp điện diện tích  2,5 ha tại KCN Như Quỳnh (Hưng Yên), hiện là Công ty Dây và Cáp điện LiOA.

Năm 2014, ông Linh xây dựng nhà máy với mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng tại Đồng Nai để mở rộng thị trường tại khu vực phía Nam, nâng số lượng nhà máy LiOA sở hữu lên con số 4 (tại các địa phương là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Đồng Nai). Quy mô Công ty hiện nay hơn 1.300 nhân viên.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất dây và cáp điện chỉ còn thị trường nội địa để phát triển, miếng bánh xuất khẩu gần như thuộc về các doanh nghiệp FDI.

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2014, các doanh nghiệp FDI chiếm đến 97% kim ngạch xuất khẩu trong ngành dây và cáp điện Việt Nam. Hiện nay, các doanh nghiệp này chỉ tập trung sản xuất để cung ứng cho các công ty liên kết của họ ở nước ngoài.

Tuy nhiên, khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết có hiệu lực, cam kết cắt bỏ hoàn toàn các dòng thuế thuộc nhóm hàng dây cáp điện, các chuyên gia dự đoán, nhóm doanh nghiệp FDI sản xuất dây cáp điện sẽ ồ ạt tấn công thị trường nội địa, có thể kể đến những cái tên như LS, Taya Việt Nam…

Theo đánh giá, thị trường dây và cáp điện còn khả năng tăng trưởng cao do Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa. Các dự án có vốn ngoại sẽ trở thành đối thủ lớn với các doanh nghiệp dây và cáp điện Việt Nam khi tham gia đấu thầu.

Do đó, việc sở hữu VE9, đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây lắp điện sẽ là lợi thế không nhỏ cho LiOA khi tham gia đấu thầu với các doanh nghiệp ngoại trong tương lai.

Tin bài liên quan