Dù được độc quyền khai thác hệ thống đường sắt quốc gia, nhưng VNR hoạt động rất kém hiệu quả

Dù được độc quyền khai thác hệ thống đường sắt quốc gia, nhưng VNR hoạt động rất kém hiệu quả

“Thành trì trì trệ” nhất ngành giao thông đang nhúc nhắc

Kế hoạch tái cơ cấu một trong những “thành trì trì trệ” nhất của ngành giao thông - vận tải là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã chính thức được khởi động.

Sau rất nhiều sức ép, VNR cuối cùng cũng đã trình cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông - Vận tải kế hoạch tái cơ cấu, sắp xếp các doanh nghiệp trực thuộc giai đoạn 2014 - 2015. Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của kế hoạch tái cơ cấu trên diện rộng này chính là việc VNR đặt mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn trước ngày 31/12/2015.

Theo kế hoạch, hai đơn vị trên sẽ được chuyển đổi từ đơn vị hạch toán phụ thuộc thành các công ty TNHH một thành viên vận tải đường sắt do Tổng công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoàn thành trước ngày 31/12/2014. Phải nói thêm rằng, đây là 2 đơn vị đang trực thuộc công ty mẹ - VNR có đóng góp chủ lực về doanh thu và lợi nhuận trong lĩnh vực vận tải cho VNR.

Liên quan tới các đơn vị cung cấp sức kéo, VNR cho biết, sẽ tiến hành sắp xếp các công ty TNHH một thành viên Xe lửa Dĩ An và Nhà máy xe lửa Gia Lâm theo hai bước giống như 2 đơn vị vận tải.

Cụ thể, tại bước một, sẽ sáp nhập Xí nghiệp Cao su đường sắt vào Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, sau đó tách Nhà máy Xe lửa Gia Lâm ra khỏi Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội và chuyển Nhà máy xe lửa Gia Lâm thành công ty TNHH một thành viên do VNR nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoàn thành trước ngày 31/12/2014. Bước hai, tiến hành cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Xe lửa Dĩ An và Xe lửa Gia Lâm xong trước ngày 31/12/2015.

Cũng tại kế hoạch tái cơ cấu lớn nhất từ trước đến nay này, VNR đặt mục tiêu cổ phần hóa 20 công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt thành 20 công ty cổ phần bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, gồm 15 công ty cổ phần bảo trì cầu đường sắt và 5 công ty cổ phần bảo trì thông tin tín hiệu đường sắt, cũng với đích đến là phải hoàn thành trước ngày 31/12/2015.

Để có vốn đầu tư vào ngành nghề chính, VNR cũng đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải cho phép thoái toàn bộ vốn góp của Tổng công ty tại 10 công ty cổ phần; giữ vốn góp của VNR dưới 30% vốn điều lệ tại 3 công ty cổ phần là: Đầu tư và Xây dựng công trình 3, Công trình đường sắt, Công trình 6; giữ vốn góp ở mức dưới 20% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông - vận tải.

VNR hy vọng, sẽ hoàn tất quá trình thoái vốn tại 15 đầu mối nói trên ngay trong năm 2014. Được biết, hiện vốn của VNR tại các công ty cổ phần trên là 286 tỷ đồng, trong đó tại 7 công ty con là 85,77 tỷ đồng - tỷ lệ sở hữu/vốn điều lệ bình quân là 64,18%; 21 công ty liên kết là 200 tỷ đồng – bình quân 28,9 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2014, cổ tức chuyển về công ty mẹ là 15,8 tỷ đồng.

“Đây là bước đệm quan trọng để VNR tiến tới mục tiêu IPO công ty mẹ - Tổng công ty vào năm 2016”, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNR cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các công ty thành viên, tiến tới cổ phần hóa công ty mẹ vào năm 2016 đang là nhiệm vụ cấp thiết của VNR. “So với tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước của toàn ngành giao thông - vận tải (dự kiến về đích cơ bản cuối năm 2015), kế hoạch cổ phần hóa của VNR đề ra đã chậm 1 năm, nên cần tổ chức triển khai quyết liệt, không để chậm thêm nữa”, Thứ trưởng Đông chỉ đạo.

Cần phải nói thêm rằng, bất cập về cơ cấu tổ chức; bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, mang nặng tính bao cấp là những lý do khiến VNR hoạt động rất kém hiệu quả, dù được độc quyền khai thác hệ thống đường sắt quốc gia. VNR cũng là doanh nghiệp có bình quân thu nhập vào loại thấp nhất trong ngành giao thông.

Được biết, để tạo thêm sức ép cho VNR đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, Bộ Giao thông - Vận tải vừa quyết định giao các chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 làm căn cứ đánh giá, xếp loại doanh nghiệp cho công ty mẹ. Cụ thể, tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ phải đạt 5.211 tỷ đồng, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 59 tỷ đồng.

“Những chỉ tiêu mang tính pháp lệnh nói trên là cơ sở sát thực để đánh giá hiệu quả hoạt động của Ban lãnh đạo VNR trong năm nay – năm bản lề trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp đường sắt đầu đàn này”, một lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Giao thông – Vận tải) cho biết.

10 doanh nghiệp VNR sẽ thoái vốn toàn bộ là: Đá Mỹ Trang, Đầu tư công trình Hà Nội, Dịch vụ Du lịch đường sắt Hà Nội; Tư vấn đầu tư và Xây dựng công trình 1, Viễn thông tín hiệu đường sắt, Vĩnh Nguyên, Xây dựng công trình Đà Nẵng, Xây lắp và Cơ khí cầu đường, Công trình 2, Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị đường sắt.

Tin bài liên quan