Việt Nam xếp thứ 119 trên 175 nền kinh tế, có điểm số 31 trên 100 điểm

Việt Nam xếp thứ 119 trên 175 nền kinh tế, có điểm số 31 trên 100 điểm

Tham nhũng làm chệch hướng động lực doanh nghiệp

(ĐTCK) Ngày 11/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã họp cho ý kiến đối với báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2015 của Chính phủ.

Báo cáo của Chính phủ khẳng định, tình trạng tham nhũng diễn ra phức tạp, nhũng nhiễu trong khu vực công là phổ biến. Tuy nhiên, trái với đánh giá đầy lo ngại này, báo cáo của Chính phủ chỉ nêu 19 trong gần 100 bộ, ngành, địa phương có báo cáo về tham nhũng.

Nhiều đại biểu tham gia phiên họp đã không đồng tình với số lượng quá lớn bộ, ngành, địa phương “né” nhìn thẳng vào nạn tham nhũng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn lại trong 19 báo cáo, 7 bộ ngành, địa phương đánh giá tình hình tham nhũng ít nghiêm trọng, 4 bộ ngành địa phương cho biết không nghiêm trọng.

“Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đâu để đưa ra đánh giá thấp tình hình như vậy?”, bà Nga nêu câu hỏi.

Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp dự báo nguy cơ phát sinh tham nhũng trong quá trình triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách lớn như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu của các ngân hàng và hoàn thuế VAT. Thậm chí, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện còn yêu cầu thanh tra việc sáp nhập các ngân hàng thương mại, để xác định xem phần vốn bị âm là mất thật hay chuyển sang công ty con của ngân hàng và có tham nhũng trong các ngân hàng sai phạm hay không. Nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo tình trạng tham nhũng vặt diễn ra phổ biến trong các ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Như vậy, có thể thấy, tham nhũng tiếp tục là vấn đề nhức nhối trong môi trường kinh doanh của Việt Nam. Xếp hạng gần nhất của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho thấy, Việt Nam xếp thứ 119 trên 175 nền kinh tế, có điểm số 31 trên 100 điểm.

Một nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ ra rằng, nếu các khoản chi phí không chính thức ít hơn, doanh nghiệp giảm số tiền chi trả cho các khoản không chính thức thì nguồn lực này sẽ có thể được chuyển hướng vào đầu tư và tạo việc làm. Cụ thể, nếu giảm 1% đơn vị tần suất tham nhũng (tần suất tham nhũng được đo lường bằng tỷ lệ phần trăm doanh nghiệp thừa nhận có chi trả các khoản không chính thức), đầu tư tư nhân sẽ tăng 3,7%, việc làm tư nhân sẽ tăng 1% và thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5%.

Nếu giảm 1% đơn vị gánh nặng tham nhũng (tỷ lệ chi phí không chính thức trên thu nhập của doanh nghiệp), đầu tư tư nhân sẽ tăng 6,4%, số việc làm tư nhân sẽ tăng 1,8% và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng 2,3%. Đồng thời, nếu tăng 1% đơn vị tính dự báo của tham nhũng (đo lường bằng tỷ lệ % doanh nghiệp cho biết rằng họ nhận được dịch vụ mong muốn khi trả chi phí không chính thức), đầu tư tư nhân sẽ tăng 3,6%, việc làm tư nhân sẽ tăng 1% và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng 1,9%.

Nghiên cứu này cũng cho thấy, hành vi tham nhũng ảnh hưởng đến các hoạt động khác nhau của doanh nghiệp với nhiều cấp độ nghiêm trọng khác nhau. Một doanh nghiệp hối lộ sẽ ít chú ý đến việc đổi mới như các doanh nghiệp không hối lộ. Nói rõ hơn, xác suất một doanh nghiệp hối lộ muốn cải thiện sản phẩm so với các doanh nghiệp không hối lộ thấp hơn 6,2%.

Tương tự, xác suất một doanh nghiệp hối lộ muốn làm ra sản phẩm mới hay ứng dụng phương pháp sản xuất mới so với các doanh nghiệp không hối lộ thấp hơn 8,7%. Hơn nữa, xác suất một doanh nghiệp hối lộ muốn cải thiện sản phẩm, làm ra sản phẩm mới hay ứng dụng phương pháp sản xuất mới so với các doanh nghiệp không hối lộ thấp hơn 8,2%.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, tham nhũng làm chệch hướng động lực của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp đút lót, hối lộ ít quan tâm hơn đến đổi mới công nghệ hay sản phẩm và đây là một tác động đặc biệt nghiêm trọng trong môi trường cạnh tranh quốc tế gay gắt và đổi mới khoa học - công nghệ là động lực chính cho phát triển hiện nay.

Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp Việt đang có xu hướng tham gia vào tham nhũng do họ coi đó là một phần của luật chơi. Chính vì vậy, việc phá vỡ vòng luẩn quẩn này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, lĩnh vực kinh doanh và nền kinh tế.

“Việc làm này đòi hỏi phải có sự chung sức từ cả phía doanh nghiệp và chính quyền để có thể tạo ra được những khích lệ và hình phạt đúng đắn, nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh”, ông Doanh khuyến nghị.     

Tin bài liên quan