Tạo lợi thế cạnh tranh: Xu hướng trong thời hội nhập

Tạo lợi thế cạnh tranh: Xu hướng trong thời hội nhập

(ĐTCK) Để tồn tại và phát triển trong môi trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, các tổ chức kinh doanh phải tạo ra những chiến lược mang lại lợi thế cạnh tranh bền vững và giá trị cho khách hàng qua lăng kính của họ, cũng như cho xã hội.

Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định song phương và đa phương, thị trường mở ra cho các DN Việt không chỉ trong biên giới của Việt Nam. Về mặt tích cực, chúng ta được tiếp cận với các thị trường lớn, nhưng ngược lại, chúng ta cần phải mở cửa cho những đối thủ sừng sỏ hơn từ nước ngoài vào cạnh tranh tại chính thị trường nội địa.

Xu thế này không thể đảo ngược, bởi thế, các DN Việt phải chuẩn bị cho mình công cụ, định hướng để cạnh tranh với đối thủ. Trong chiến lược cạnh tranh ở giai đoạn mới, DN Việt cần tập trung vào đổi mới và sáng tạo, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thay vì chỉ dựa vào lợi thế của mình là nhân lực rẻ và gia công, hãy tập trung vào  các yếu tố đổi mới, sáng tạo và các khâu phân phối, dịch vụ.

Một vấn đề các DN cần lưu ý, khi thị trường mở cửa, thuế sẽ giảm về 0, nhưng hàng rào phi thuế quan lại dựng lên với các yêu cầu về chất lượng hàng hóa ngặt nghèo hơn, giá trị cao hơn, quy chuẩn hàng hóa ở mức khó khăn hơn. Để tạo ra các sản phẩm đáp ứng những yêu cầu đó, cần sự đồng bộ và hợp lực trong cách tiếp cận của DN, đi nhanh hay đi xa đều phải đi cùng nhau, chứ không phải là muốn đi nhanh là đi một mình.

Tính đến thời điểm này, DN Việt Nam đã có nhìn nhận đúng đắn hơn về chiến lược thương hiệu, marketing, cũng như năng lực tổ chức. Họ nhận thức rất rõ, hiện nay, tri thức kinh doanh sẽ tạo lên lợi thế cho DN. Không còn thời kỳ các DN dựa vào các yếu tố như quan hệ, đánh quả hay yếu tố khác mà có thể tạo được lợi nhuận một cách nhanh chóng. DN cần những phương pháp, tri thức kinh doanh bài bản để chuẩn hóa hệ năng lực của mình và tạo ra khách hàng, từ đó phát triển bền vững.

Tuy nhiên, có một vấn đề nhiều DN gặp phải, là họ chưa thấy được bức tranh toàn cảnh, do vậy, áp dụng kiến thức về chiến lược, thương hiệu, marketing một cách dập khuôn khó thành công. Có thể, họ nắm được những kiến thức đã trở thành chuẩn mực, nhưng để áp dụng phù hợp với DN Việt Nam, cần có những điều chỉnh và DN phải hiểu được bản chất của những nguyên tắc đã được áp dụng và thừa nhận rộng rãi trong lĩnh vực marketing cạnh tranh.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay và tới đây, các DN Việt cần khai thác lợi thế DN nhỏ, linh hoạt hơn, dễ kiểm soát hơn, dễ xây dựng hơn để luồn sâu vào các ngóc ngách thị trường; hiểu khách hàng hơn, cung cấp nhiều hơn các giá trị thỏa đáng cho khách hàng. Như vậy, rõ ràng đổi mới, sáng tạo sẽ trở thành kim chỉ nam, phải có ý tưởng sáng tạo, DN mới có lợi thế cạnh tranh và biến các ý tưởng sáng tạo đó thành giải pháp phục vụ, tạo giá trị cho khách hàng. Phải thực sự đổi mới, sáng tạo mới được thị trường đón nhận.

Trong chiến lược cạnh tranh mới, một vấn đề DN Việt cần hết sức lưu ý là nhiều DN nhìn qua lăng kính của mình và cho rằng, những gì mình nghĩ là giá trị thì sẽ có giá trị, nhưng rất có thể người tiêu dùng lại đánh giá khác. Bởi vậy, cần xuất phát từ người tiêu dùng, nhìn mọi việc qua lăng kính của họ để tạo ra đề xuất, giải pháp và đưa ra thị trường.

Đồng thời, không nên máy móc áp dụng kiến thức ngoại lai. Những kiến thức đó hữu ích, nhưng để áp dụng thì phải hiểu bản chất. Chúng ta vẫn hay nghe câu nói “kiến thức lớn, DN nhỏ”, khi áp dụng những công cụ mới, DN nên tận dụng chất xám của các chuyên gia thực hành để truyền tải lại ngôn ngữ của những công cụ đó. Chẳng hạn, cùng là những nguyên tắc xây dựng thương hiệu, nhưng tổ chức lớn và nhỏ sẽ có cách tiếp cận khác nhau.

Trong chiến lược cạnh tranh mới, yếu tố nhân sự không thể không nhắc đến, đặc biệt với những DN có chiến lược “vươn ra biển lớn”. Thực tế cho thấy, những vị trí như giám đốc marketing đang cực kỳ khó tuyển dụng. Có câu “trăm quân dễ kiếm, một tướng khó tìm”, tìm được nhân sự phù hợp đã là thành công một nửa.

Hiện nay, tuyển dụng những vị trí quản lý tầm trung có thể dễ dàng, nhưng quản lý cấp cao hơn thường không dễ, bởi những vị trí đó nhân sự đã ổn định, hoặc nhân sự đó mong muốn tạo lập sự nghiệp riêng, có kỳ vọng khác và yếu tố tài chính không còn là áp lực... Vì vậy, các chủ DN nên lưu ý trong tuyển dụng những nhân sự này, đã dùng thì phải tin, không tin thì đừng dùng. Nếu thực sự cầu thị, DN sẽ tìm được những người phù hợp. Họ có thể là các chuyên gia làm lâu năm ở nước ngoài, hoặc làm cho các DN nước ngoài, sẵn sàng tham gia, đóng góp tạo nên giá trị mới trong các DN Việt. Các DN trong nước cũng có thể học hỏi sự khôn ngoan của các DN nước ngoài bằng cách tuyển dụng trực tiếp chuyên gia quản lý nước ngoài.

Ông Đoàn Đức Thuận có 15 năm kinh nghiệm công tác tại các tập đoàn đa quốc gia như Piaggio (Italy), Toyota (Singapore), Colgate-Palmolive (Việt Nam). Tại buổi Marketing Talk do Học viện Thương hiệu và truyền thông Sage tổ chức mới đây, ông Thuận chia sẻ:“Chiến lược là nền móng quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp. Để đạt được Chiến lược, cần tạo ra Lợi thế cạnh tranh bền vững, đồng thời, lợi thế cạnh tranh luôn gắn liền với Giá trị doanh nghiệp tạo ra cho khách hàng. Để làm được tất cả những điều trên, tổ chức cần có một Hệ năng lực tổ chức, trong đó nổi bật là đổi mới, sáng tạo và Văn hóa tổ chức”.

Tin bài liên quan