Tăng trưởng năm 2015 có thể cao hơn đáng kể so với mục tiêu

Tăng trưởng năm 2015 có thể cao hơn đáng kể so với mục tiêu

(ĐTCK) Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2015 với nhiều chuyển biến tích cực trong bức tranh chung của nền kinh tế 9 tháng đầu năm 2015.

Báo cáo ghi nhận, đà phục hồi tăng trưởng kinh tế vững chắc hơn với mức tăng GDP đạt 6,81% trong quý III, vượt lên xu thế trung hạn và là chuyển biến đáng kể so với 2 quý trước đó.

Chi tiêu dùng và đầu tư vẫn là các nhân tố chính giúp phục hồi tổng cầu. Theo nhận định của CIEM, nếu duy trì đà phục hồi trong quý IV, tăng trưởng cả năm 2015 sẽ cao hơn đáng kể so với mục tiêu đề ra (6,2%).

Tăng trưởng kinh tế diễn ra nhanh nhất ở khu vực công nghiệp - xây dựng. Giá trị gia tăng của khu vực này tăng 9,6% trong 9 tháng đầu năm (so với cùng kỳ 2014). Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng 9,8% trong cùng giai đoạn. Tuy nhiên, đà tăng của khu vực công nghiệp chưa thực sự bền vững, thể hiện qua việc chỉ số PMI liên tục giảm (đặc biệt trong tháng 9). Tỷ trọng của khu vực công nghiệp trong quý III tăng đáng kể so với cùng kỳ 2014.

Giá trị gia tăng của khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng chậm, chỉ đạt 2,1% trong quý III (so với cùng kỳ 2014), và không cải thiện nhiều so với các quý trước đó. Khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,2% trong 9 tháng đầu năm (so với cùng kỳ 2014).

Chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,07% và 0,21% trong các tháng 8 và 9 (so với tháng trước). Diễn biến giảm giá xảy ra ở không ít nhóm hàng. Lạm phát cơ bản 9 tháng đầu năm vẫn duy trì ở mức ổn định là 2,15%.

Nhận định về vấn đề lạm phát thấp, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEm cho rằng, lạm phát tương đối thấp trong quý III do một số nguyên nhân chính là giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới giảm; kỳ vọng lạm phát có dấu hiệu giảm; tổng phương tiện thanh toán được điều hành khá thận trọng, trong bối cảnh sự chi phối của chính sách tài khóa có phần giảm bớt; và đặc biệt Chính phủ đã lưu tâm hơn đến ổn định lạm phát.

Về hoạt động của các doanh nghiệp, báo cáo của CIEM ghi nhận có sự phục hồi đần trở lại của các DN. Cụ thể, trong quý III có 23.279 doanh nghiệp đăng ký mới, với số vốn đăng ký đạt hơn 138,5 nghìn tỷ đồng. Số doanh nghiệp giải thể và số doanh nghiệp ngừng hoạt động giảm tương ứng 0,96% và 9,4% (so với cùng kỳ 2014).

Hoạt động đầu tư cũng được nhận định có sự khởi sắc trong quý III. Tổng đầu tư toàn xã hội trong 9 tháng đầu năm tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2014, chủ yếu ở khu vực có vốn FDI và khu vực vốn đầu tư của dân cư và tư nhân. Tỷ lệ đầu tư so với GDP trong quý III đạt 33,2%.

Đặc biệt, theo báo cáo của CIEM, thu hút FDI là một điểm sáng trong quý III với số vốn đăng ký mới và tăng thêm trong quý III đạt gần 11,7 tỷ USD, cao hơn 2,7 lần so với cùng kỳ 2014 và hơn 2,1 lần so với 6 tháng đầu năm. Giải ngân vốn FDI trong quý III đạt 3,4 tỷ USD, cao nhất trong nhiều quý trở lại đây. Đầu tư của khu vực nhà nước tăng chậm, dù mức độ thực hiện trong quý III cao hơn so với quý II.

Xuất khẩu đạt 42,4 tỷ USD trong quý III, tăng 8,8% so với cùng kỳ 2014 - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2010. Cơ cấu hàng xuất khẩu ít thay đổi. Nhập khẩu đạt 43,4 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2014 – chậm hơn so với các quý trước. Theo đánh giá của CIEM,việc thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá NDT và sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc trong quý III chưa có nhiều ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Thâm hụt thương mại quý III đạt 0,9 tỷ USD, tương đương 2,2% xuất khẩu.

Về hoạt động thương mại, báo cáo cho thấy xu hướng tăng trưởng khá của lĩnh vực thương mại trong nước. Theo số liệu thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 802,4 nghìn tỷ đồng trong quý III, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2014 và là mức tăng trưởng cao nhất theo quý kể từ đầu năm.

Về tiến trình hội nhập, báo cáo nhận định việc hoàn tất cơ bản đàm phán TPP tại Atlanta vào ngày 5/10 có thể thay đổi đáng kể quan hệ thương mại và cấu trúc thương mại của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể, về dài hạn, Việt Nam có thể hưởng lợi chủ yếu từ: (i) gia tăng thương mại với các nền kinh tế có thu nhập cao và yêu cầu khắt khe nhất; (ii) tham gia chuỗi giá trị với các doanh nghiệp có trình độ quản trị và công nghệ cao; và (iii) sức ép đối với cải cách trong nước hướng tới môi trường đầu tư – kinh doanh thân thiện, bình đẳng hơn, có tính kết nối cao hơn.

Tuy nhiên, CIEM cũng cho rằng, việc hiện thực hóa TPP và các cơ hội mà nó mang lại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như  khả năng và tiến độ phê chuẩn của các nước thành viên; kết quả đạt được của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) như là một đối trọng ở Đông Á đối với TPP; và mức độ chuẩn bị về năng lực thể chế và doanh nghiệp ở các nước thành viên, trong đó có Việt Nam

Liên quan tiến trình cải cách, báo cáo ghi nhận Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trong cải cách thể chế kinh tế năm 2014, tập trung vào đơn giản hóa, hợp lý hóa, giảm chi phí và các thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong 9 tháng đầu năm 2015, Chính phủ và các Bộ, ngành cũng đã có những văn bản hướng dẫn thực hiện các Luật quan trọng. Nghị quyết 19 đã được triển khai thực hiện và có một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn chi tiết các Luật còn phổ biến. Kết quả thực hiện Nghị quyết 19 còn chưa đều, một số lĩnh vực chưa có cải thiện rõ nét.

Đánh giá một cách tổng thể, báo cáo của CIEM cho rằng, bối cảnh kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực trong 9 tháng đầu năm. Tuy vậy, theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam còn phải đối mặt với một số vấn đề như nền tảng kinh tế vi mô và vai trò của Nhà nước chưa được đổi mới tương xứng với định hướng phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng chưa có nhiều chuyển biến như kỳ vọng, chưa giải quyết được những vấn đề cố hữu như tăng trưởng cao đi kèm với nhập siêu, thiếu liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tái cơ cấu DNNN và đầu tư công...

Công tác điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, dù có sự điều phối chặt chẽ hơn, vẫn cho thấy sự chi phối của chính sách tài khóa đối với chính sách tiền tệ. Bản thân các mục tiêu trung gian của chính sách kinh tế vĩ mô còn thiếu rõ ràng, khiến hiệu quả chính sách phụ thuộc chủ yếu vào mức độ linh hoạt và khả năng “xoay xở” của các cơ quan hữu trách.

Tin bài liên quan