Khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế

Khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế 9 tháng: nhanh nhưng chưa thực chất

(ĐTCK) Bức tranh kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2015 đã có nhiều chuyển biến tích cực với đà phục hồi tăng trưởng rõ nét hơn.

Tuy nhiên, tính bền vững, sức lan tỏa tác động thực tế đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, những diễn biến phức tạp của thị trường ngoại hối, vấn đề trong điều hành chính sách và tiến trình cải cách, tái cơ cấu chưa đi vào thực chất là những quan ngại lớn được đưa ra tại báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2015 vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng ban Ban Kinh tế vĩ mô CIEM, kinh tế tăng trưởng vững chắc hơn có thể coi là điểm sáng rõ nét trong bức tranh kinh tế 3 quý đầu năm 2015. GDP tăng 6,81% trong quý III và tăng 6,5% trong 9 tháng. Đây là chuyển biến tích cực so với 2 quý đầu năm. Kết quả này nhờ sự gia tăng đầu tư và tiêu dùng, cũng như những cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn được thực hiện từ đầu năm.

“Nếu tiếp tục đà cải cách kinh tế nhanh mạnh, khả năng GDP tăng vượt mức 7% trong quý IV là khả thi”, ông Dương nhận định.

Theo báo cáo, chi tiêu dùng và đầu tư là các nhân tố chính giúp phục hồi tổng cầu. Trong 9 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 9,1% so với cùng kỳ 2014, đóng góp 7,3 điểm phần trăm vào mức tăng chung; tích lũy tài sản tăng 8,1%, đóng góp 2,62 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, thâm hụt cán cân xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ làm giảm 3,4 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Giá trị gia tăng của khu vực này tăng 9,6% trong 9 tháng đầu năm, cao hơn đáng kể so với các khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản, và dịch vụ.

Tuy nhiên, ông Dương cũng lưu ý, những số liệu tích cực trong 3 quý đầu năm có khả năng là những điểm sáng nhất thời và khó có tính bền vững nếu không có những cải cách thực sự.

“Mặc dù chỉ số công nghiệp IIP tăng 9,6%, tương đối cao so với các khu vực khác, nhưng trước những khó khăn của nền kinh tế thế giới, giá cả trong xu thế giảm, liệu sự tăng trưởng của khu vực này có kéo dài hay không?”, ông Dương đặt vấn đề và phân tích, lĩnh vực nông nghiệp đang có xu hướng giảm hàng tháng. Hoạt động sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn hơn các khu vực khác. Ngay cả thủy sản cũng giảm. Giá cả vẫn trong xu thế giảm, trong khi tổng cầu chưa phục hồi nhiều, đây là vấn đề đáng lo ngại cần đặc biệt quan tâm.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cũng đặt vấn đề về tính bền vững của sự phục hồi kinh tế và đà tăng trưởng khi những nhân tố chính tạo nên sự chuyển biến bền vững chưa thể hiện. Theo ông Cung, để xem tốc độ tăng trưởng có bền vững hay không, phải tìm xem nó đến từ đâu, có phải nhờ nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, nguồn lực, năng lực cạnh tranh hay vẫn như cũ. Nếu chỉ nhìn vào con số, chưa chắc đã là thực.

“Nhìn vào cơ cấu tăng trưởng có điểm đáng lưu tâm là công nghiệp chế tác, đặc biệt là công nghiệp khai khoáng, giảm liên tục sau đó lại tăng, góp phần vào tăng trưởng. Từ 2013 - 2014, giá nguyên liệu giảm, nhưng khối lượng tăng. Phải chăng ở đây có sự tác động chủ quan là muốn đạt mục tiêu tăng trưởng nên đẩy khu vực khai khoáng tăng?”, ông Cung nói.

Mặt khác, theo ông Cung phân tích, GDP được tính theo giá cố định năm 2010, không phải mức giá hiện hành. Điều này có nghĩa, hầu như mức tăng tính trên giá trị GDP là so với giá năm 2010, song nếu tính theo giá hiện hành, dòng tiền chưa chắc đã có. Lấy ví dụ như giá dầu, tính theo giá cố định năm 2010 là ở mức 100 USD/thùng, nhưng giá hiện nay chỉ còn dưới 50 USD/thùng.

Một nghịch lý khác cũng được ông Cung nêu ra từ báo cáo trong 3 quý đầu năm là, tuy lạm phát giảm nhưng lãi suất cho vay không giảm, vẫn duy trì ở mức cao 9 - 10%/năm. Hệ lụy là chi phí tài chính tăng, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất.

Đây là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp và là điểm yếu của thị trường Việt Nam, mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ nợ xấu vẫn cao và vấn đề tài khóa khiến chi phí ngân hàng tăng. Điều này đặt ra tính hiệu quả của việc xử lý nợ xấu cũng như tính đáng tin cậy của con số nợ xấu được xử lý đã công bố gần đây.

“Nguyên nhân lạm phát thấp trong 9 tháng năm 2015 chủ yếu do giá bên ngoài thấp nên giá trong nước giảm. Giả sử sang năm, giá cả thế giới giảm, thì lạm phát sẽ vẫn thấp và giữ ổn định. Nhưng nếu giá bên ngoài tăng, mà chúng ta vẫn tiếp tục mở tiền tệ và đầu tư như hiện nay thì bất ổn kinh tế sẽ quay trở lại và sẽ tương đối nhanh. Điều này thể hiện tính bền vững của ổn định kinh tế vĩ mô không tốt”, ông Cung phân tích và cho rằng, lạm phát thấp có thể tranh thủ giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, nhưng điều hành lại điều chỉnh tăng giá dịch vụ công. Trong điều kiện thu nhập của người dân không tăng lại điều chỉnh chi phí khiến đời sống của người dân giảm xuống. Cách điều chỉnh như vậy không thay đổi cấu trúc, lại giá chồng giá, phí chồng phí. Vì thế, cần có sự thay đổi tư duy và cách thức điều hành.

Tin bài liên quan