Giá xi măng quý I vừa qua đã tăng trung bình 20.000 đồng/tấn - Ảnh: Hoài Nam

Giá xi măng quý I vừa qua đã tăng trung bình 20.000 đồng/tấn - Ảnh: Hoài Nam

Tăng giá vật liệu xây dựng chỉ là “hạt muối bỏ biển”

(ĐTCK) Thông tin giá cả mặt hàng vật liệu tăng trong những tháng đầu năm được xem như tín hiệu vui của ngành vật liệu khi thị trường xây dựng khởi sắc.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều nhà sản xuất, thì việc tăng giá cũng giống như “hạt muối bỏ biển”, bởi chẳng thấm vào đâu so với giá nguyên liệu đầu vào, giá điện tăng.

Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt cho biết: “Ngày 19/5, thép Pomina sẽ tăng giá thêm 100.000 đồng/tấn. Tiêu thụ thép Pomina tăng khoảng 12%. Sở dĩ phải tăng giá không phải vì tiêu thụ tăng mà vì tỷ giá USD tăng, điện cũng lên giá”.

Trong những ngày giữa tháng 5, tại một số cửa hàng bán lẻ tại các quận Gò Vấp, Bình Tân trên địa bàn TP. HCM, giá thép xây dựng đã đồng loạt tăng khoảng 100.000 đồng/tấn, xi măng tăng khoảng 20.000 đồng/tấn, các loại gạch đỏ dao động từ 800 - 970 đồng/viên tùy chủng loại và thương hiệu.

Thống kê của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy, trong quý I/2015 nhiều DN ngành thép đã điều chỉnh giảm giá như: tháng 1 thép Thái Nguyên giảm 150.000 đồng/tấn, sang tháng 2 DN này tiếp tục điều chỉnh giảm 350.000 đồng/tấn tùy từng chủng loại. Đặc biệt, tháng 2, thép Vina Kyoei giảm 800.000 đồng/tấn tùy loại. Mức giá thép dao động từ 14,5 - 15,2 triệu đồng/tấn tại khu vực miền Trung và miền Bắc, miền Nam ở mức 14,7 - 15,2 triệu đồng/tấn.

Dù giá thép trên thị trường đã tăng thêm khoảng 100.000 đồng/tấn, nhưng mức bán ở các nhà máy hiện nay vẫn thấp hơn từ 1,15 - 3,8 triệu đồng/tấn, các cửa hàng bán lẻ thấp hơn từ 300.000 - 800.000 đồng/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức tăng 100.000 đồng/tấn hiện nay, các nhà sản xuất chưa bù được chi phí sản xuất tăng thêm trong thời gian qua.

Trong thời gian qua, đa số đại lý và cửa hàng bán lẻ tăng giá khoảng 20.000  đồng/tấn xi măng. Tuy nhiên, trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết: “VICEM chưa tăng giá xi măng dù giá điện, nguyên liệu đầu vào tăng trong thời qua. Muốn tăng giá cũng phải tính toán nhiều thứ. Từ nay đến cuối năm, VICEM đang nỗ lực chịu đựng nhưng cũng chưa thể nói trước điều gì. Tiêu thụ của VICEM đã tăng hơn một chút ở thị trường dân dụng. Miền Bắc và miền Trung giữ mức độ trung bình, miền Nam thuận lợi hơn”.

Đề cập đến vấn đề tăng giá xi măng, ông Bùi Trần Đông, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Mỏ - Việt Bắc (Xi măng Vinacomin) cho biết: “Trước sau gì DN cũng phải tăng giá nhưng tăng lúc nào còn phải tính, còn phải chờ xem các nhà sản xuất khác thế nào”.

Không riêng gì ông Đông, nhiều CEO của DN xi măng khác cũng chung nhận định “phải chờ động thái của VICEM và các công ty liên doanh khác. Thậm chí, phải đợi VICEM tăng giá trước…”. Trao đổi với đại diện nhóm nhà sản xuất được xem là “dẫn dắt” thị trường như VICEM, các đơn vị này lại có quan điểm rằng: “Tăng giá thời điểm nào còn phải tính, mỗi DN cũng chỉ chiếm mấy phần trăm thị phần, lớn như VICEM cũng chỉ có gần 37% thị phần thì việc tính toán tăng giá thời điểm nào không đơn giản”. Xem ra, vấn đề tăng giá xi măng cũng giống như vấn đề đánh trận, “trận giả - trận thật” chỉ có người trong cuộc mới biết.

Theo một số đại lý, việc tăng giá 20.000 đồng/tấn xi măng thì coi như không tăng giá, bởi đây là mức trả cho chi phí vận chuyển khi giá xăng dầu lên. Bán lẻ thì phụ thuộc vào khách hàng, ít nhiều đều phải vận chuyển nên phải tăng giá để bù chi phí mà thôi. Mặc dù vậy, tại nhiều đại lý tại miền Bắc còn chưa tăng giá bán lẻ vì phải cạnh tranh, tăng giá sợ mất khách.

Trên lĩnh vực gạch ốp lát và sứ vệ sinh, một số DN dù có mức tăng trưởng khả quan nhưng chưa có kế hoạch tăng giá bán. Chẳng hạn như Viglacera trong quý I/2015 đạt 120% kế hoạch quý, doanh thu đạt 130% kế hoạch quý. Trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5, doanh số bán hàng của 2 mặt hàng này tiếp tục tăng nhưng Viglacera chưa có kế hoạch tăng giá bán. Với lần điều chỉnh tăng giá cách đây hơn 1 năm, gạch ốp lát và sứ vệ sinh sẽ không dám tăng giá vì bên cạnh luôn có sản phẩm Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt.

Ghi nhận từ các nhà sản xuất lớn cho thấy thị trường vật liệu xây dựng có mức tăng trưởng khá hơn là do thị trường bất động sản sôi động hơn và các dự án hạ tầng giao thông đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, để nói thị trường vật liệu đã thực sự đi vào giai đoạn phát triển bền vững hay chưa thì vẫn còn quá sớm.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan