Dự án EC2 hỗ trợ nâng cao năng lực nhận thức của người dân trong việc tham gia hoạt động phát triển kinh tế xã hội tại địa phương

Dự án EC2 hỗ trợ nâng cao năng lực nhận thức của người dân trong việc tham gia hoạt động phát triển kinh tế xã hội tại địa phương

Tăng cường vai trò cộng đồng trong phát triển kinh tế - xã hội

(ĐTCK) Dự án mang tên “Xã hội dân sự trao quyền cho cộng đồng nông thôn” (EC2) do Tổ chức Action Aid tại Việt Nam (AAV) phối hợp với các đối tác triển khai thực hiện dưới sự hỗ trợ của Ủy ban Châu Âu đã và đang được triển khai tại 33 cộng đồng, với gần 11.000 đối tượng thụ hưởng tại 2 huyện thuộc diện khó khăn nhất của Việt Nam là Thông Nông (Cao Bằng) và Quản Bạ (Hà Giang).

Dự án trên nhằm mục tiêu tăng cường và trao quyền cho cộng đồng cũng như các tổ chức xã hội dân sự trong cuộc chiến chống đói nghèo và thúc đẩy các quy định pháp luật nhằm giảm bất bình đẳng kinh tế và xã hội.

Với cách tiếp cận thiết thực, trực tiếp thông qua tăng cường ảnh hưởng và sự tham gia bền vững của cộng đồng trong việc quyết định chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, Dự án EC2 đã giúp nâng cao nhận thức người dân, từ đó tăng cường vai trò giám sát và tiếng nói cộng đồng dân sự, góp phần mang lại một diện mạo mới cho cuộc sống người dân. 

Nâng cao tiếng nói cấp cơ sở

Chia sẻ về hoạt động các dự án của AAV tại 5 xã, trong đó có xã Thái An và Quản Bạ, bà Vương Thị Viện, cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quản Bạ, trưởng nhóm Chương trình hỗ trợ phát triển huyện Quản Bạ cho biết, Thái An và Quản Bạ là 2 xã khó khăn nhất của huyện và nằm trong Đề án 30A của Chính phủ về xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế cho các vùng đặc biệt khó khăn.

Hai xã có địa hình đồi núi hiểm trở, tập trung số hộ nghèo trong huyện, với tỷ lệ trên 13% trong tổng số gần 1.130 hộ dân trên địa bàn 2 xã, chủ yếu rơi vào các hộ người dân tộc ít người. Do đó, AAV có nhiều hoạt động hỗ trợ cho thanh niên, đối tượng chính trong độ tuổi lao động của các xã, cũng như hỗ trợ năng lực cho những người đại diện cho nhân dân, trực tiếp đại biểu HĐND cấp huyện và xã.

Các hoạt động này gồm các khóa tập huấn nâng cao năng lực về khoa học kỹ thuật, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc và giải quyết các khó khăn với cộng đồng, trang bị cho các đối tượng kiến thức cơ bản về nâng cao trách nhiệm cộng đồng, khả năng tham gia cộng đồng và tham vấn cho cộng đồng trong phát triển, đồng thời tập trung hỗ trợ các đối tượng có kiến thức tự phát triển kinh tế gia đình, tự vươn lên trong cuộc sống.

Các hoạt động hỗ trợ có sự tham gia đối ứng của chính quyền địa phương trong việc tổ chức đánh giá dịch vụ công, đồng thời kết hợp huy động người dân tham gia đối ứng tổ chức, cùng chính quyền địa phương đóng góp ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo cuộc sống.

Theo bà Viện, trong khuôn khổ dự án, bên cạnh các hoạt động tập huấn và các buổi sinh hoạt cộng đồng theo hình thức câu lạc bộ (CLB) định kỳ để tuyên truyền, trang bị kỹ năng, phổ biến kiến thức luật pháp, kiến thức phát triển kinh tế cho các thành viên và người dân, đã có một số mô hình kinh tế thiết thực và hiệu quả được áp dụng tới các hộ dân và đang được nhân rộng như Mô hình hộ nuôi gà xương đen, CLB Nghề thêu lanh cho phụ nữ.

Cùng với đó, một số hoạt động nâng cao vai trò cộng đồng được thực hiện theo hình thức cùng đóng góp cơ sở vật chất giữa người dân và dự án đã và đang được triển khai như xây dựng sân thể thao, nhà văn hóa thôn tại xã Tùng Vài Phìn, xây trường tiểu học tại xã Quản Bạ..., góp phần nâng cao đời sống tinh thần người dân.

Mô hình nuôi gà xương đen do Dự án EC2 hỗ trợ đang góp phần giúp người dân cải thiện cuộc sống 

Kết hợp các mô hình kinh tế, ước vọng cải thiện chất lượng cuộc sống

Chị Lý Thị Thím, Phó chủ nhiệm CLB Nghề thêu lanh cho phụ nữ thôn Nậm Đăm, xã Quản Bạ cho biết, CLB được thành lập từ tháng 1/2014. Các hội viên được dự án hỗ trợ đào tạo về kỹ năng thêu, kiến thức tiếp thị bán hàng, đồng thời được hỗ trợ nguyên liệu vải ban đầu để trực tiếp tạo ra sản phẩm. Sản phẩm khi đã hoàn thiện được các hội viên tiếp thị với các đầu mối thu gom bán cho khách du lịch.

Theo chị Thím, nhiều hội viên mới tham gia nên tay nghề chưa nhuần nhuyễn, kỹ năng tiếp thị bán hàng chưa tốt nên hầu hết chưa dám làm nhiều vì sợ tồn hàng, đọng vốn. Do đó, thu nhập của các hội viên mới chỉ đạt 3 - 4 triệu đồng/năm. Các hội viên đều mong muốn, dự án sẽ được đẩy mạnh, hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề để tạo ra các sản phẩm tinh xảo hơn, từ đó mở rộng sản xuất, thu hút thêm thành viên tham gia và tăng mức tiêu thụ, bởi nhu cầu từ khác du lịch là khá lớn.

Đi sau mô hình CLB thêu lanh, mô hình nuôi gà xương đen tại hộ gia đình ở thôn Nậm Đăm cũng bắt đầu được áp dụng thí điểm với một số hộ là cán bộ trong thôn, trong đó 3 hộ ban đầu đầu được chọn áp dụng là hộ của Bí thư Chi đoàn thanh niên thôn, đoàn viên Đoàn thanh niên thôn.

Lý giải về lựa chọn nêu trên, bà Viện cho biết, tiêu chí lựa chọn dự án đặt ra ban đầu để đảm bảo mô hình thành công và có thể nhân rộng phát triển là gia đình có đủ nhân lực thực hiện, đủ điều kiện chuồng trại, có nguồn thức ăn dồi dào đảm bảo chăn nuôi, hộ đủ năng lực và có sự cam kết về trách nhiệm để phát triển mô hình nuôi gà tại địa phương. Mô hình mới áp dụng thí điểm được 3 tháng, song kết quả bước đầu rất khả quan.

Theo một hộ nuôi thí điểm, với hỗ trợ ban đầu từ dự án gồm 100 con giống và 10 kg cám, hiện nay, sau gần 3 tháng nuôi, đàn gà sinh trưởng tốt, hứa hẹn lứa xuất bán đầu tiên thuận lợi, tạo điều kiện cho việc nhân giống và mở rộng mô hình tới các hộ dân.

Tăng giám sát và đối thoại để cải thiện môi trường hành chính công

Đánh giá về hiệu quả dự án trao quyền cho cộng đồng triển khai trên địa bàn các xã thuộc huyện Quản Bạ, ông Hạng Dương Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Quản Bạ khẳng định: “Kết quả dự án góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức cho nhiều người dân trong việc tham gia hoạt động chung phát triển kinh tế - xã hội, mang lại cơ hội và điều kiện tốt hơn để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng vùng biên giới”.

Không chỉ có vậy, theo ông Lý Tạ Mìn, Phó Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND xã Quản Bạ, nhờ dự án, người dân đã nâng cao được nhận thức về tiếng nói và vai trò giám sát của cộng đồng dân sự. Qua đó, tăng khả năng đối thoại với chính quyền, hướng tới cải thiện các dịch vụ công nói chung, cũng như môi trường hành chính công nói riêng để phục vụ đời sống người dân tốt hơn.

“Người dân đã nắm bắt được nội dung để thực hiện trong cuộc sống hàng ngày, được đối thoại với chính quyền. Điều này thể hiện trong các đợt xây dựng kế hoạch cho các tổ đại biểu tiếp xúc cử tri, ý kiến của người dân được kịp thời phản ánh lên HĐND xã, đặc biệt là các vấn đề gây bức xúc như chất lượng xây dựng đường không đảm bảo trong chương trình xây dựng nông thôn mới, vấn đề thất thoát ở các công trình công do Nhà nước đầu tư…”, ông Mìn nói.

Đối với chính quyền địa phương, với việc đưa vào thực hiện cơ chế 1 cửa theo mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, khi nhận thức của người dân nâng lên, chính quyền cũng ý thức được việc cải cách thủ tục hành chính tương thích với năng lực giám sát của cộng đồng dân sự. Theo đó, hiệu quả giải quyết của cơ chế 1 cửa được nâng cao, từ đó người dân được tạo thuận lợi hơn trong việc giải quyết các thủ tục.

“Hiện nay, bộ phận 1 cửa của xã luôn có cán bộ tiếp dân thường trực và trực tiếp cán bộ lãnh đạo trực. Khi người dân có vấn đề cần giải quyết đều được cán bộ tiếp dân chuyển qua bộ phận 1 cửa, tới lãnh đạo liên quan để giải quyết nhanh nhất. Thời gian tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đối với các thủ tục bình thường như đăng ký nhân khẩu, khai sinh, đăng ký hộ kinh doanh tối đa 1 tiếng là trả kết quả”. Đó là những bước tiến bộ rất lớn trong công tác cải cách thủ tục hành chính được ông Mìn ghi nhận.

Ở góc độ người dân, anh Sùng Thình Phừ, thôn Cán Hồ, xã Thái An cho biết, nhờ tham gia vào các CLB cộng đồng trong khuôn khổ Dự án EC2, anh cùng các thành viên trong CLB và người dân trong thôn nói chung đều nắm được nội dung sinh hoạt theo kế hoạch của HĐND và UBND xã về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, về quyền con người, về vai trò của người dân trong tiếp cận, giám sát và đối thoại với chính quyền nhằm nâng cao nhận thức về cải cách dịch vụ công và thủ tục hành chính. Qua đó, người dân nắm bắt được các vấn đề liên quan đến cải cách pháp luật và thể chế, phục vụ đời sống người dân tốt hơn.

Theo Phó chủ tịch huyện Quản Bạ, ông Hạng Dương Thành, hiệu quả dự án là đáng ghi nhận bởi nội dung triển khai hỗ trợ tại huyện về cơ bản là phù hợp. Tuy nhiên, qua triển khai trên thực tiễn cũng cần rút kinh nghiệm một số vấn đề để phát huy hiệu quả hỗ trợ tốt hơn của dự án như tăng cường chuyên gia địa phương am hiểu địa bàn, sâu sát với đối tượng thụ hưởng là người dân hơn nữa để họ không bị “rơi rụng” kiến thức đã tập huấn…

Tin bài liên quan