Tam mã Viễn thông ép nhà mạng nhỏ vào “cửa tử”

Tam mã Viễn thông ép nhà mạng nhỏ vào “cửa tử”

Thông tin về việc MobiFone được đề xuất tách khỏi Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã khiến thị trường viễn thông nổi sóng. Vấn đề đặt ra là, nếu điều này là hiện thực và MobiFone thực hiện cổ phần hóa, thì thị trường di động sẽ phát triển ra sao, cơ hội sinh tồn cho nhà mạng nhỏ sẽ như thế nào?

Nhân tố mới trong “cuộc đua tam mã”

Tâm điểm của thị trường hiện nay vẫn là “cuộc đua tam mã” giữa Viettel, MobiFone và VinaPhone. Theo Sách Trắng công nghệ thông tin và truyền thông năm 2013, Viettel chiếm thị phần cao nhất về dịch vụ điện thoại di động (40,05%), tiếp đến là MobiFone với 21,4%  và VinaPhone với 19,88%.

Việc 3 nhà mạng trên chiếm hơn 81% thị phần viễn thông di động và đều là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cho thấy, chưa xuất hiện mối đe dọa nào ảnh hưởng đến sự lớn mạnh của 3 ông lớn này.

Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) đã nhiều lần ví 3 nhà mạng này như “3 đứa con trong một gia đình” và sự cạnh tranh giữa các nhà mạng là sự cạnh tranh nội bộ. “Về lâu dài, nếu để như vậy, những đứa con dưới sự bao bọc của cha mẹ (Nhà nước) sẽ khó lớn khôn. Bằng chứng là, tốc độ phát triển của thị trường viễn thông giai đoạn đầu rất nhanh, nhưng hiện đã chậm lại rất nhiều so với tốc độ phát triển của thế giới”, ông Trực nói.

Nếu MobiFone được tách ra, thực hiện cổ phần hóa và có thể bán vốn nhà nước tới 49% như ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, thì chắc chắn, thị trường viễn thông di động sẽ hình thành một thế kiềng 3 chân.

Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) cho rằng, việc tái cấu trúc thị trường viễn thông nói chung, trong đó có phương án tách MobiFone, ở một góc độ nào đó, nhằm tạo áp lực để thị trường viễn thông phát triển và cạnh tranh lành mạnh. “Việc cổ phần hóa MobiFone với sự tham gia của các nhà đầu tư ngoài Nhà nước bằng vốn, công nghệ hiện đại, trình độ quản lý sẽ tạo áp lực cạnh tranh cho 2 doanh nghiệp còn lại”, ông Thành nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Hồng Hải, nếu tách MobiFone ra, sẽ hình thành doanh nghiệp mới hoạt động độc lập, có khả năng cạnh tranh được với hai doanh nghiệp lớn còn lại trên thị trường là Viettel và VinaPhone (vẫn thuộc VNPT). Phương án này hình thành ít nhất 3 doanh nghiệp tương đối mạnh, tạo thế chân vạc cho thị trường cạnh tranh phát triển bền vững hơn.

MobiFone hiện mới chỉ chuyên sâu ở mảng thông tin di động, nhưng theo ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên MobiFone, nếu trở thành doanh nghiệp độc lập, MobiFone sẽ triển khai đa dạng dịch vụ hơn.

Mạng di động nhỏ khó thoát cửa tử

Cũng theo Sách Trắng công nghệ thông tin và truyền thông năm 2013, với hơn 81% thị phần thuộc về 3 nhà mạng lớn, các nhà mạng nhỏ chỉ chiếm thị phần rất khiêm tốn (Vietnamobile 10,74%, Gmobile 3,93% và SFone 0,01%). Trên thực tế, trong 3 nhà mạng nhỏ còn lại, chỉ còn mỗi Vietnamobile với hơn 10 triệu thuê bao là hoạt động khá ổn, còn Gmobile với gần 5 triệu thuê bao đang rất khó khăn, trong khi SFone thì chờ khai tử.

Không được ưu ái về tài nguyên tần số, chính sách và phải thuê đường truyền dẫn khiến các nhà mạng nhỏ rất khó khăn và nhiều khả năng, trong năm 2014, cùng với việc tái cấu trúc thị trường viễn thông, các nhà mạng này sẽ phải sáp nhập, hoặc bị khai tử.

Ông Phạm Hồng Hải cho biết, Luật Viễn thông không hạn chế việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp. Trên quan điểm nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp có thể tồn tại hoặc không.

“Có một số quy định đặc thù của lĩnh vực viễn thông, không đơn giản là nếu hoạt động không hiệu quả, không đúng cam kết, bị thu hồi giấy phép thì ngừng ngay cung cấp dịch vụ, mà họ có thể được chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khác”, ông Hải nói và lấy ví dụ trường hợp của EVN Telecom sau khi có quyết định sáp nhập vào Viettel trên cơ sở tận dụng hạ tầng đầu tư, người sử dụng dịch vụ của EVN Telecom vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ của Viettel…

Có thể thấy rõ rằng, các nhà mạng nhỏ đang có không gian sinh tồn cực kỳ chật hẹp. Họ không đủ năng lực để tham gia những cuộc chơi “đấu tiền, đấu lực” như chạy lên mạng 4G, cạnh tranh để giành thuê bao…

Phải chăng, sứ mệnh lịch sử của họ là tạo một thị trường viễn thông cạnh tranh, nhiều loại hình dịch vụ trong thời gian đầu đã xong và trong tương lai, những cái tên Vietnamobile, Gmobile, SFone… sẽ chỉ được nhớ đến như những tác nhân tích cực góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh và phát triển của thị trường viễn thông Việt Nam?

Tin bài liên quan