Ảnh Internet

Ảnh Internet

Tài ứng biến của ông chủ doanh nghiệp

(ĐTCK) Đồng EUR, JPY giảm mạnh so với USD đang khiến nhiều DN xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU), Nhật Bản bị ảnh hưởng trực diện.

Riêng trong ngành thủy sản, tính đến hết quý I, tổng sản lượng xuất khẩu thủy sản giảm 23% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 1,27 tỷ USD. Giá sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào các nước châu Âu, Nhật tính bằng đồng USD đang đắt hơn, khiến các nước này tìm nguồn hàng giá rẻ hơn từ Thái Lan hay Ấn Độ. DN thủy sản Việt Nam đang làm gì để ứng biến với cơn bão này?

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Thủy sản Hùng Vương (HVG) chia sẻ, hiện 1 EUR chỉ đổi được 1,08 USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2014 là 1,39 USD và giảm 32% so với năm 2008 là 1,58 USD. Đồng Yên Nhật cũng đang mất giá 20% so với năm 2008 so với đồng USD. Ông Minh cho biết, giá xuất khẩu thủy sản của HVG những tháng đầu năm 2015 giảm 5% so với năm 2014, tổng sản lượng xuất khẩu không giảm, nhưng giá trị xuất khẩu của HVG lại giảm vì ảnh hưởng của tỷ giá.

Tại CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Năm Căn (SNC), cơn bão của đồng EUR cũng ảnh hưởng không nhỏ đến DN. Ông Ngô Minh Hiển, Giám đốc SNC cho biết, hiện mặt hàng tôm xuất khẩu sang EU chiếm 50% tổng sản lượng. Quý I/2015, Công ty giảm 30% sản lượng xuất khẩu sang thị trường EU. Nguyên nhân, cuối năm 2014, các nước châu Âu mua trữ hàng rất nhiều, hiện giá EUR đang giảm nên họ chưa vội mua mà chờ giá tốt. Bên cạnh đó, Ấn Độ đang vào mùa tôm, các DN nước này không có truyền thống trữ lạnh nên họ bán giá thấp để đẩy hàng đi. Điều này khiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam quý I giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2014.

Tại CTCP Thủy sản Minh Hải (Sea Minh Hai), ông Trần Thiện Hải, Tổng giám đốc cho biết, tỷ trọng thủy sản xuất khẩu của Công ty sang EU chiếm 20% doanh thu. Quý I năm nay, Công ty giảm sản lượng xuất khẩu gần 30%. Dự kiến doanh thu cả năm 2015 từ xuất khẩu cũng giảm khoảng 20%.

Để chặn đà suy giảm tổng sản lượng và giá trị xuất khẩu thủy sản bởi đồng EUR, các DN xuất khẩu thủy sản đang tích cực tìm kiếm thị trường thay thế, giảm chi phí, gia tăng giá trị cho sản phẩm. Hướng đi của HVG là đang và sẽ tập trung mở rộng thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Thái Lan. Với SNC, doanh thu năm 2015 của SNC dự kiến 38 triệu USD, nhưng có thể sẽ giảm thêm 10-20% nếu thị trường vẫn khó khăn. SNC thực hiện biện pháp giảm mua tôm nguyên liệu trữ kho, chờ tình hình đến tháng 6 có thể biến động tốt hơn. Cùng với đó là tìm cách tiết giảm chi phí, tìm kiếm thị trường mới tránh áp lực từ đồng EUR.

Cũng đối mặt với việc đồng EUR suy giảm, nhưng CTCP Thủy sản số 4 (TS4) lại chọn một cách đi khác. Ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch HĐQT TS4 khẳng định, Công ty sẽ vẫn duy trì thị trường EU bằng cách tăng cường chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe tại đây. Xuất khẩu quý I của TS4 vẫn tăng 1,5%, đồng thời với việc Công ty tăng cường bán hàng qua các nước châu Á như Phillippines, Singapore, Thái Lan…

Áp lực cạnh tranh toàn cầu buộc các DN Việt phải năng động, sáng tạo hơn, tìm hướng đi cho chính mình. Hàng nghìn cổ đông đang dõi theo tài ứng biến của các ông chủ DN, với mong đợi hiệu quả kinh doanh của DN sẽ tăng trưởng ổn định trong sự biến động khó lường của môi trường kinh doanh.