Nutifood đặt nhiều kỳ vọng vào canh bạc sữa với Vissan và HAGL

Nutifood đặt nhiều kỳ vọng vào canh bạc sữa với Vissan và HAGL

Tại sao đầu tư vào sữa của Nutifood và Bầu Đức bị gọi là “canh bạc”

Sau thất bại với vài đối tác chiến lược tầm cỡ, Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đang chơi canh bạc dự án bò sữa lớn nhất với Bầu Đức và muốn chi phối ngược lại thị trường sữa tươi, vốn thuộc về những tên tuổi lớn.

Từ bóng đá đến sữa

Sau khi ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kinh Đô từ nhiệm VAFÀ quyết định thoái hết 30% vốn khỏi Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đầu năm 2012, ông Trần Thanh Hải đã tiếp quản “chiếc ghế nóng” trở thành Chủ tịch HĐQT Nutifood nhiệm kỳ 2012 - 2016. Ông Hải cùng vợ mình là bà Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc đều là người đã gắn bó với Nutifood từ những ngày mới thành lập (năm 1999).

Sự trở lại của ông Hải và bà Lệ sau nhiều biến cố tái cấu trúc Nutifood khiến các nhân viên có thể hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho công ty này. Những động thái gần đây cho thấy, họ đang gấp rút chuẩn bị để đưa con thuyền Nutifood trở lại quỹ đạo hưng thịnh trước đây. Trong đó, phải kể đến những lần “bắt tay” với Bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức), ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).

Đầu tiên, vào tháng10/2013, Nutifood bắt tay với Bầu Đức trong lĩnh vực bóng đá, với trị giá hợp tác trên 20 tỷ đồng, nhằm quảng bá thương hiệu Nutifood giai đoạn 2013-2017, đưa hình ảnh thương hiệu xuất hiện trong các hoạt động của HAGL và sử dụng hình ảnh của HAGL Arsenal JMG phục vụ quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp.

Vì cũng đam mê bóng đá, nên ông Hải rất tâm đắc cho rằng, theo chân HAGL vào sân chơi bóng đá cũng giúp doanh nghiệp mở rộng sự cộng hưởng trên mặt trận đối ngoại. Gần đây nhất, ông Hải lại cùng Bầu Đức làm dự án nuôi bò, xây dựng nhà máy sữa tại Khu công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku, Gia Lai). Cuộc chơi lần này có thêm người tình mới là Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) của ông Văn Đức Mười.

Bầu Đức hiện thực hóa chủ trương nuôi bò của mình ngay sau khi UBND tỉnh Gia Lai ra Công văn số 1769/UBND-NL đồng ý cho phép HAGL đầu tư Nhà máy sữa công suất 500 triệu lít/năm thuộc dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa, chế biến sữa, thịt, thức ăn gia súc, sản xuất phân bón và trồng cây hồ tiêu. Bầu Đức đã rót 16.138 tỷ đồng vào dự án này với quỹ đất ban đầu 4.000 ha. Dự kiến, tổng đàn bò thịt và bò sữa là 236.000 con, gồm 116.000 con bò thịt và 120.000 con bò sữa. Giai đoạn đầu nhập 40.000 con bò với 20.000 con là bò sữa cho sản lượng khoảng 1,2 triệu lít sữa/ngày.

Để thực hiện thương vụ hợp tác trên, Nutifood sẽ đầu tư một nhà máy chế biến sữa riêng tại Gia Lai với kinh phí khoảng 5.000 tỷ đồng, dây chuyền công nghệ nhập khẩu từ Đức và Thụy Điển. Dự kiến tháng 9/2014, Nutifood sẽ khởi công xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Trà Đa, diện tích 7 ha, cách trang trại bò sữa của Bầu Đức khoảng 40 km.

Dự án này chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I được triển khai trong vòng hai năm tới, với vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng, quy mô sản xuất khoảng 290 triệu lít sữa tươi/năm. Giai đoạn II được thực hiện trong các năm tiếp theo với vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng để nâng công suất nhà máy lên 500 triệu lít sữa tươi/năm. Khoảng tháng 8/2015, Dự án sẽ có dòng sữa tươi đầu tiên ra lò.

Canh bạc nhiều kỳ vọng

Nutifood đã chơi một canh bạc và đặt nhiều kỳ vọng của mình vào Bầu Đức. Với kinh nghiệm làm sữa, cộng với hệ thống phân phối trên cả nước, Nutifood chắc chắn biết sẽ phải làm gì để thắng ván bài này. Thậm chí, nếu sản lượng sữa tươi chiếm từ 20 đến 30% thị phần ngành sữa như hai bên dự kiến, Nutifood muốn chi phối ngược lại thị trường sữa tươi, vốn thuộc về những tên tuổi lớn.

Không phủ nhận vị thế của Nutifood trong ngành sữa Việt Nam, nhưng với sức mạnh của Vinamilk, TH True Milk hay Friesland Campina như hiện tại, Nutifood chỉ như một “viên ngọc thô”.

Nói cách khác, Nutifood đã không còn là một tên tuổi đầy kiêu hãnh như những năm 2000, khi Nutifood chuyển đổi từ Cơ sở thực phẩm Đồng Tâm thành Công ty cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Đồng Tâm và đạt tốc độ tăng trưởng chóng mặt. Chỉ trong vòng 4 năm sau đó, Nutifood đã tạo được thế đứng vững chắc trên thị trường, với tốc độ tăng trưởng đều đặn trên 250% mỗi năm. Nutifood được đánh giá là một trong 5 thương hiệu điển hình của Việt Nam và dẫn đầu về thị phần cho mặt hàng sữa bột nguyên kem và sữa dành cho trẻ em đang tăng trưởng.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng đó cộng với tham vọng trở thành công ty sữa lớn thứ hai của Việt Nam tham gia thị trường chứng khoán, năm 2007, Nutifood quyết định tái cấu trúc bộ máy nhân sự, mời hàng loạt nhân sự cấp cao từ các tập đoàn đa quốc gia về điều hành. Trong đó có ông Lê Trung Thành, Phó tổng giám đốc PepsiCo về làm Tổng giám đốc của Nutifood.

Nhưng chỉ hơn 1 năm sau, những tên tuổi mới về đồng loạt từ nhiệm. Nutifood ẵm trọn một năm kinh doanh với khoản lỗ lên đến 148 tỷ đồng, trong đó lỗ từ hoạt động sản xuất - kinh doanh lên đến 93 tỷ đồng, chấm dứt khoảng thời gian tăng trưởng huy hoàng. Bà Trần Thị Lệ lại phải quay lại điều hành Nutifood.

Tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của Nutifood lúc đó phải kể đến là lao vào “cuộc tình” với Kinh Đô, với dự định sẽ tung ra mảng bánh dinh dưỡng. Song Nutifood lại dính vào lĩnh vực đầu tư tài chính và bất động sản cùng với Kinh Đô. Năm 2008, thị trường tài chính suy giảm, Nutifood lỗ 45 tỷ đồng. Đó là lúc Nutifood bừng tỉnh nhận ra chiến lược phát triển của mình và Kinh Đô không còn nhất quán.

Kế tiếp, mối lương duyên chiến lược với Quỹ Đầu tư Công nghiệp DI Châu Á (DI Asian Industrial Fund, DIAIF) nhằm phát triển thêm lĩnh vực nước giải khát và thực phẩm dinh dưỡng cũng bất thành, khi quỹ này thoái gần 25% cổ phần tại Nutifood chỉ sau hai năm rót vốn.

Và giờ đây, Nutifood tiếp tục đến với HAGL và Vissan với niềm tin vững chắc sẽ không có rủi ro xảy ra, theo cam kết của các bên. “Trong chăn nuôi bò, chi phí dành cho thức ăn chiếm 70 - 80% tổng chi phí, nên đối với các doanh nghiệp khác thì tỷ lệ rủi ro tương đối lớn, nhưng HAGL hoàn toàn không có chút rủi ro nào”, ông Đức lý giải.

Trong khi đó, ông Văn Đức Mười cũng cho rằng, HAGL không có rủi ro vì đang sở hữu đến 100.000 ha đất nông nghiệp, còn có sẵn 30.000 ha đất để trồng cỏ. HAGL hiện có một lượng thức ăn cho bò khổng lồ chưa khai thác gồm đọt mía, mật mía, thân cây bắp, thân và bã cọ dầu. Do đó, các doanh nghiệp khác tốn hơn 70% chi phí mua thức ăn cho bò, nhưng HAGL hoàn toàn không tốn đồng nào.

Mục tiêu không phải quy mô

Cái cớ để Nutifood mạnh tay dấn thân vào cuộc chơi với dòng sản phẩm sữa tươi vẫn xoay quanh câu chuyện chiều cao cho trẻ em Việt Nam. Theo số liệu mới nhất do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đưa ra, Việt Nam có 2,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị mắc bệnh suy dinh dưỡng, chiếm gần 30%. Nguyên nhân là các em chưa nhận được nguồn dinh dưỡng đầy đủ, trong đó sữa là một nguồn rất quan trọng. “Với vai trò là một nhà sản xuất sữa, chúng tôi thấy mình cũng phải có trách nhiệm cải thiện tình hình này”, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Nutifood nói.

Để tránh đối đầu với những ông lớn trong ngành sữa, hoặc có thể chiến đấu ngang ngửa với họ, thì Nutifood nhắm vào hiệu quả, chất lượng, chứ không phải quy mô. Hiện các chiến lược về kinh doanh chưa được tiết lộ, song giới phân tích cho rằng, với tiền sử lợi thế về các nghiên cứu và ứng dụng lâm sàng của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, Nutifood chắc chắn sẽ đầu tư rất mạnh vào nghiên cứu phát triển sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt. Việc đầu tư này luôn chiếm 12-15% lợi nhuận mỗi năm của Nutifood.

Sứ mệnh mà Nutifood đặt ra là mỗi sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng chuyên biệt cho từng lứa tuổi và các bệnh lý khác nhau, đóng góp vào sự phát triển thể chất toàn diện của người Việt Nam. “Với sứ mệnh đó, Nutifood đã hợp tác với HAGL trong dự án phát triển bò sữa, với mong muốn tạo ra sản phẩm sữa tươi 100% từ chính nguồn nguyên liệu trong nước có chất lượng tốt nhất mà giá cả thật cạnh tranh. Chúng tôi tin, với sự kết hợp giữa HAGL và Nutifood, mục tiêu này sẽ thực hiện được”, ông Hải nhấn mạnh.

Hiện nay, Nutifood đã và đang cạnh tranh với các thương hiệu khác trên cả 3 “mặt trận” là: giá cả, chất lượng và dịch vụ. Riêng về giá, Nutifood đang cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu khác về giá, nay nếu cộng thêm cả HAGL có nông nghiệp công nghệ cao, thì giá sẽ còn cạnh tranh hơn nữa…

“Nutifood đã cam kết với HAGL rằng, một khi giá nguyên liệu đầu vào của HAGL thấp hơn thị trường thì giá sữa tươi đầu ra của Nutifood cũng chắc chắn sẽ thấp hơn thị trường”, ông Hải nói.

Với chừng ấy tuyên bố, liệu kẻ chậm chân đầy tham vọng như Nutifood, kết hợp với cách làm táo bạo như HAGL có tạo nên sức mạnh chi phối ngược lại thị trường sữa tươi hay không? Thời gian sẽ đưa ra trả lời xác đáng nhất, song một điều chắc chắn rằng, cả hai tên tuổi này đang sở hữu những lợi thế nhất định.

Tin bài liên quan