Sức mạnh bó đũa

Sức mạnh bó đũa

(ĐTCK) “Chúng ta phải ngậm ngùi nhìn người Việt mua hàng ngoại và doanh nghiệp (DN) ngoại thì mua doanh nghiệp Việt”, ông Phạm Trọng Nhân, đại biểu tỉnh Bình Dương đã nêu vấn đề như vậy trước diễn đàn Quốc hội cuối tuần qua, để cảnh báo về tình trạng M&A một chiều. Dường như ý ông là đừng vội mừng khi vốn ngoại mua thâu tóm (M&A) nhiều DN Việt Nam.

Dẫn những số liệu cụ thể, năm 2017, Việt Nam tăng 5 bậc, lên vị trí thứ 6 về chỉ số bán lẻ toàn cầu. Năm 2016, tổng doanh số bán lẻ cả nước đạt hơn 118 tỷ USD.

Với 90 triệu dân, thị trường bán lẻ Việt Nam được coi là một thị trường béo bở mà các ông trùm bán lẻ thế giới liên tục nhòm ngó.

Từ năm 2014, khi Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ thì đã có 3 tập đoàn đặt chân vào, đó là EON Nhật Bản với chiến lược mở rộng thị phần đến năm 2020 sẽ có 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn.

Lotte Hàn Quốc cũng với chiến lược đến năm 2020 sẽ có 60 trung tâm thương mại dải khắp cả nước. Berli Jucker của Thái Lan đã chi ra 655 triệu euro thâu tóm toàn bộ chủ bán lẻ của Metro.

Central Group của Thái Lan đã mua lại 49% cổ phần của Công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Chưa hết, tháng 5/2016, Central Group thông báo thôn tính thành công toàn bộ chuỗi siêu thị BigC với giá trị 1 tỷ euro…

Chỉ trong 3 năm, khu vực FDI đã chiếm 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi, 17% qua trung tâm thương mại siêu thị, 50% thị phần bán lẻ trực tuyến.

Trong bối cảnh này, các DN Việt Nam đang ứng phó ra sao?

Phân tích của ông Nhân cho thấy, trong khi các DN trong nước loay hoay tìm hướng đi, thì các “gã khổng lồ” nước ngoài, sau khi thâu tóm xong nhiều chuỗi DN Việt, đã thay đổi phương thức và quy trình kinh doanh.

Nhiều chương trình xúc tiến chỉ dành cho hàng chính quốc, hàng Việt Nam từng bước bị từ chối và vô hiệu bằng nhiều hàng rào kỹ thuật.

Ðơn cử, 22 cửa hàng thế giới di động đã bị hất chân khỏi hệ thống BigC, Minh Long 1 tuyên bố rút khỏi hệ thống Metro.

Ðó là màn khởi đầu cho những lời cảnh báo.

Khi tập đoàn bán lẻ nước ngoài thống trị thị trường nội địa thông qua hệ thống các kênh phân phối và bán lẻ, thì chắc chắn sẽ tạo ra hệ lụy cho ngành sản xuất nội địa, cũng như rủi ro về giá cả cho người tiêu dùng.

Sự phụ thuộc ngày càng lớn và tổn thất sẽ nhiều hơn nếu chúng ta không đẩy các hoạt động M&A đi theo hướng tích cực, về phía các doanh nghiệp trong nước.

“Một khi 80% lợi nhuận sau thuế thay vì của doanh nghiệp trong nước nay lại về tay doanh nghiệp khối ngoại và chắc chắn được chuyển ra nước ngoài, khi đó nội lực của nền kinh tế dần giảm đi, vai trò đóng góp một phần trong 40% GDP xem ra rất khó để tiếp tục duy trì”, ông Nhân nói.

Trước thực trạng trên, điều đáng mừng là Chính phủ đã đưa ra giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước trong chuỗi các giải pháp thúc đẩy nền kinh tế 2017.

Ðáng mừng hơn là sáng 12/6, Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng, Luật mới sẽ thể hiện rõ vai trò của Chính phủ kiến tạo, sẽ tác động đến 95% doanh nghiệp Việt Nam.

Luật có 7 nội dung hỗ trợ, với tinh thần hỗ trợ các tổ chức trung gian, từ đó các tổ chức hỗ trợ lại cho các DN, tiếp thêm năng lượng mới cho DN vươn lên.

So với các tập đoàn nước ngoài, DN Việt Nam còn nhỏ bé về quy mô và yếu ớt về kinh nghiệm. Ðể vững trong hội nhập, DN không thể không liên kết lại, mà câu chuyện về sức mạnh của bó đũa là một bài học đáng thực thi.        

“Sự liên doanh, liên kết, tạo sức mạnh nội lực chống trọi với "gã khổng lồ" trong cuộc chiến giành lại thị trường nội địa. Làm thế nào để không biến chúng ta từ chủ nhà trở thành khách trong chính ngôi nhà của mình”, ông Nhân nói .

Không có cách nào khác ngoài việc DN Việt cần tận dụng tốt hơn lợi thế địa phương, sự hỗ trợ của Nhà nước, xây dựng những mối liên kết nội địa để đứng vững và vươn lên.

Có như vậy mới mong câu chuyện M&A hướng về phía DN nội, hàng tiêu dùng tại Việt Nam chiếm đa số là của DN nội, chứ không tràn lan sản phẩm ngoại, từ cái tăm, sợi chỉ như hiện nay.

Tin bài liên quan