Sức hút mang tên Việt Nam đang lớn dần

Sức hút mang tên Việt Nam đang lớn dần

(ĐTCK) Chỉ 1 ngày sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được tuyên bố thành lập, Diễn đàn đẩy mạnh hợp tác kinh tế Việt Nam - Đài Loan được tổ chức tại Đài Loan (23/11) đã thành công vượt mong đợi. 

Sự quan tâm của các doanh nghiệp Đài Loan tới thị trường Việt Nam có nhiều lý do, nhưng những cơ hội mang tên TPP và Cộng đồng chung ASEAN là không thể không nhắc tới.

Với số lượng khách mời dự kiến là 400, nhưng khi Diễn đàn được khai mạc, đã có tới hơn 500 đại diện doanh nghiệp Đài Loan tới tham dự. Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đơn vị tổ chức Diễn đàn, điều này cho thấy các doanh nghiệp Đài Loan đang rất quan tâm tới cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cũng theo ông Hà, Việt Nam và Đài Loan có quan hệ hợp tác đầu tư và giao thương kinh tế khá sâu rộng. Hiện Đài Loan đứng thứ tư trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 5 trong hợp tác thương mại với Việt Nam, hiện có khoảng 300.000 người Việt làm ăn, sinh sống tại Đài Loan…, những con số này dù rất ấn tượng nhưng chưa phản ánh hết tiềm năng hợp tác giữa 2 nền kinh tế, đặc biệt là khi Cộng đồng chung ASEAN được thành lập và Việt Nam là một thành viên trong Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

“Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cửa ngõ cho các doanh nghiệp Đài Loan đi vào thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á, các nước thành viên TPP”, ông Hà cho biết.

Điều đặc biệt, với hệ thống đường xuyên Á trong hành lang Đông-Tây, mà Việt Nam là điểm đầu với nhiều cảng biển hiện đại, sẽ giúp hàng hóa của doanh nghiệp Đài Loan dễ dàng đi tới các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar.

"Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cửa ngõ cho các doanh nghiệp Đài Loan đi vào thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á, các nước thành viên TPP"

Đánh giá về cơ hội đầu tư trong thời gian tới giữa 2 bên, ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, các doanh nghiệp Đài Loan có nhiều thế mạnh và phù hợp với nhu cầu thu hút đầu tư của Việt Nam, đặc biệt những ngành được ưu tiên như: cơ sở hạ tầng, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, giáo dục và đào tạo,…

Nhận định về tiềm năng đầu tư, bà Hoàng Trang Phương Dung, Ủy viên Tổng hội công nghiệp Đài Loan cho biết, Việt Nam là nước lớn với hơn 90 triệu dân, 65% dân số trong độ tuổi lao động, và đặc biệt là có sự tương đồng về văn hóa với Đài Loan. Những điều này là mang đến sự thuận lợi cho các doanh nghiệp Đài Loan tới đầu tư vào Việt Nam.

Cũng theo bà Dung, riêng với ngành dệt may, trước đây nhiều doanh nghiệp đã di chuyển sản xuất sang Indonesia, tuy nhiên với quy định của TPP có yêu cầu cao về xuất xứ ngay từ những nguyên liệu đầu vào khiến bài toán dịch chuyển sản xuất sang các nước TPP phải đặt ra. Trong 4 nước ASEAN tham gia TPP gồm Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam thì Việt Nam là nước phù hợp nhất với các doanh nghiệp dệt may Đài Loan đặt cơ sở sản xuất.

Tại Diễn đàn, bên cạnh những điều kiện thuận lợi được chỉ ra trong hợp tác kinh tế giữa 2 bên thì vẫn còn một số vấn đề mà các doanh nghiệp Đài Loan quan tâm, chẳng hạn về vấn đề mặt bằng cho sản xuất kinh doanh, các quy định về ưu đãi đầu tư, các quy định về về bảo vệ môi trường,...

Theo ông Hoàng Chí Bằng, Chủ nhiệm Văn phòng kinh tế văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam, điều mà một số doanh nghiệp Đài Loan quan tâm sau sự kiện gây rối tại các khu công nghiệp Bình Dương và Đồng Nai năm ngoái là vấn đề đình công. Vấn đề là cách ứng xử với sự kiện đình công hoặc gây rối tại mỗi địa phương lại khác nhau, vì vậy cần có cách xử lý thống nhất trong khuôn khổ pháp luật cho phép, ngăn chặn tình trạng đình công bất hợp pháp.

Sức hút mang tên Việt Nam đang lớn dần ảnh 1

 Hoạt động kết nối được đại diện doanh nghiệp 2 bên hết sức quan tâm.

Một điều không thể không nhắc tới trong khuôn khổ Diễn đàn là hoạt động kết nối đầu tư giữa doanh nghiệp hai bên, với 5 nhóm ngành gồm: cơ khí, công nghiệp, chế biến, chế tạo; dệt may, giày da, điện tử; xây dựng cơ sở hạ tầng; nông nghiệp; tài chính – ngân hàng.

Điều dễ ghi nhận là tất cả các hội trường nơi các doanh nghiệp tiếp xúc và tìm hiểu hoạt động kinh doanh của nhau đều chật kín đại diện của doanh nghiệp Việt Nam và Đài Loan. Nói như cách một đại diện doanh nghiệp Đài Loan tại buổi tiếp xúc thì với chất lượng thông tin mà ông thu thập được, những cơ hội hợp tác đã rất rõ ràng và chưa bao giờ gần như vậy.

Tin bài liên quan