M&A trong lĩnh vực ICT sẽ nóng lên trong thời gian tới, khi MobiFone được cổ phần hóa

M&A trong lĩnh vực ICT sẽ nóng lên trong thời gian tới, khi MobiFone được cổ phần hóa

“Sóng roaming” dần phủ thị trường ICT

Xu hướng mua bán, sáp nhập (M&A) trong ngành công nghệ - thông tin và viễn thông (ICT) tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ từ năm 2013.

Thương vụ nối tiếp thương vụ

Khi thương vụ M&A tầm quốc tế của Công ty cổ phần FPT mua lại Công ty RWE IT Slovakia, công ty thành viên chuyên cung cấp các giải pháp SAP và “Smart Home” của Tập đoàn RWE (giữa tháng 6/2014), chưa kịp lắng xuống, thì chưa đầy một tháng sau, vào đầu tháng 7, FPT lại có thêm thương vụ M&A thứ hai, với việc mua lại website 123mua.vn của VNG. Giá trị của thương vụ này rơi vào khoảng 10 tỷ đồng.

Từ năm ngoái, thị trường ICT đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A. Đó là Samsung Electronics (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần TIE (Việt Nam) ký hợp đồng mua bán phần vốn góp của TIE, với giá trị chuyển nhượng ước đạt 96,15 tỷ đồng và Samsung Vina trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh bán lại 10% cổ phần cho Tập đoàn Nojima (Nhật Bản), với giá trị thương vụ là 64 tỷ đồng; Công ty cổ phần Giải pháp Phần mềm Hòa Bình (Peacesoft) bán 50% vốn của Ngân Lượng cho MOL Access Portal Sdn. Bhd (MOL); Navigos (sở hữu VietnamWorks và Navigos Search) bán 89,8% vốn cho En-Japan, với giá trị 22 triệu USD.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến việc Vietnam Online Network (sở hữu kiemviec.com, HRvietnam.com) cũng đã bán sản phẩm Yume cho MJGroup, sau đó bán toàn bộ công ty cho CareerBuilder; Mekong Capital cũng thực hiện việc thoái 6,7% vốn cổ phần tại Công ty cổ phần Thế giới di động cho một nhà đầu tư tài chính, với giá lên tới 110 triệu USD…

Theo Báo cáo Hoạt động M&A 2013 và triển vọng 2014-2018 của Công ty AVM, ngành viễn thông đang chứng kiến ngày càng nhiều thương vụ M&A, do thị trường ICT của Việt Nam đang “ăn nên làm ra”. Năm 2013, phần lớn các doanh nghiệp công nghệ - thông tin đều có mức tăng trưởng khá tốt, khoảng 30% so với năm 2012.

Bên cạnh đó, việc đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ - thông tin của Việt Nam ra nước ngoài cũng khá thành công. Vị thế của ngành công nghệ - thông tin của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định.

Hiện Việt Nam là điểm đầu tư khá hấp dẫn và nằm trong kế hoạch kinh doanh của các tập đoàn công nghệ lớn như Intel, Google, eBay, Hon Hai... Danh mục đầu tư của hầu hết các quỹ đầu tư trong và ngoài nước hiện nay đều có một vài doanh nghiệp trong ngành ICT. Chẳng hạn, Quỹ đầu tư IDG Ventures Việt Nam (IDGVV) có mặt tại Việt Nam được 3 năm và đã đầu tư vào hơn 25 công ty trong lĩnh vực ICT. Quỹ đầu tư DFJ VinaCapital (DFJV) cũng đã đầu tư vào 8 công ty ICT, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 15 triệu USD.

“Sóng roaming” lan rộng

Theo nhận định của ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM Việt Nam, M&A trong lĩnh vực ICT của Việt Nam sẽ nóng lên trong thời gian tới, đặc biệt là khi MobiFone - đại gia của ngành viễn thông Việt Nam sẽ được cổ phần hóa. Công ty này đang được định giá khoảng 3,4 tỷ USD, nếu bán 25%, Nhà nước sẽ thu về khoảng 850 triệu USD. Đây là cơ hội rất lớn cho các đại gia ICT thế giới tìm kiếm cơ hội vào thị trường Việt Nam.

Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT cho biết, FPT đang đẩy mạnh chiến lược toàn cầu hóa và M&A là một trong những bước để thực hiện chiến lược đó. M&A sẽ giúp FPT rút ngắn thời gian thâm nhập và tạo vị thế tại thị trường nước ngoài, cũng như nhanh chóng tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ công nghệ - thông tin tổng thể cho các khách hàng trên toàn cầu.

Theo lãnh đạo FPT, FPT sẽ dành 50 triệu USD cho việc mua bán các công ty công nghệ trong năm 2014 để thực hiện M&A. FPT tìm kiếm cơ hội M&A với các công ty trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ - thông tin có năng lực công nghệ và đội ngũ chuyên gia tư vấn mà FPT còn thiếu hoặc có cơ sở dữ liệu khách hàng phù hợp với mục tiêu của FPT. Thị trường M&A mà FPT nhắm tới là Mỹ, Nhật Bản, Singapore và châu Âu.  

Với các động thái của các doanh nghiệp công nghệ - thông tin trên thị trường M&A, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam nhận định, năm 2014, các thương vụ M&A ở ngành này sẽ rất sôi động, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ Internet, thanh toán điện tử và di động. Cụ thể, các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến thương mại điện tử như thanh toán điện tử, giải pháp quản lý hàng tồn kho, giao nhận, hay dịch vụ Internet (đào tạo trực tuyến, y tế trực tuyến, tài chính trực tuyến và bất động sản trực tuyến) sẽ nhận được sự quan tâm của giới đầu tư.

Theo ông Dũng, thị trường công nghệ - thông tin Việt Nam đang được các nhà đầu tư của Nhật Bản, Nga và Singapore nhắm tới để rót vốn, thông qua việc mua lại cổ phần, đầu tư vốn hoặc mua lại toàn bộ một doanh nghiệp tại chỗ. Các nhà đầu tư nước ngoài không dừng lại ở lợi nhuận, mà muốn tìm điểm xuất phát nhanh nhất khi bước vào thị trường mới này.

Tin bài liên quan