Siêu thị, trung tâm thương mại nước ngoài đã thực sự lấn át doanh nghiệp nội địa

Mặc dù về số lượng siêu thị, trung tâm thương mại và thị phần, doanh nghiệp nội địa đang áp đảo, nhưng chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Ngọc Hòa, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Mart vẫn lo lắng cho tương lai của các nhà bán lẻ trong nước.
TS. Nguyễn Ngọc Hòa, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Mart

TS. Nguyễn Ngọc Hòa, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Mart

Trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tỏ ra khá lạc quan khi cho biết, hiện chỉ có khoảng 70 cơ sở bán lẻ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tổng số gần 900 cơ sở bán lẻ trên cả nước. Ông có lạc quan không?

Tôi không hề lạc quan, mà ngược lại. Đúng là về số lượng, cơ sở bán lẻ của Việt Nam áp đảo, nhưng quy mô, doanh số của các siêu thị, trung tâm thương mại FDI lớn gấp 5 - 6 lần cơ sở trong nước, nên số lượng cơ sở bán lẻ không phản ánh thực trạng áp đảo của lực lượng này.

Điều đáng lo ngại nữa là, doanh số bán hàng của cơ sở bán lẻ FDI ngày càng lớn, tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng chung của ngành. Điều đó có nghĩa là, thị phần của doanh nghiệp trong nước giảm dần.

Nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn áp đảo về thị phần, thưa ông?

Theo số liệu của Bộ Công thương, doanh số bán lẻ của các cơ sở bán lẻ FDI chỉ chiếm 3,4% thị phần. Con số này không sai nếu tính tất cả các mặt hàng bán lẻ, bao gồm cả những mặt hàng đặc thù có doanh thu rất lớn như xăng dầu, vàng bạc; vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, cây trồng, con giống của ngành nông nghiệp… Nhưng nếu chỉ tính các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày, như lương thực, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, thiết bị điện tử gia đình… được bán qua hệ thống kênh phân phối hiện đại, thì cơ sở bán lẻ FDI chiếm thị phần rất lớn và ngày càng phát triển, nên trong tương lai không xa, có thể sẽ áp đảo thị phần của doanh nghiệp trong nước.

Nhưng cũng không quá lo lắng khi hàng hóa sản xuất trong nước hiện vẫn chiếm tới 90% trong các siêu thị, trung tâm thương mại? Trả lời chất vấn của tôi tại Phiên chất vấn Kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tỏ ra khá tự tin khi cho biết, trên 90% hàng hóa bán trong các siêu thị, trung tâm thương mại là hàng “made in Vietnam”.

Sự tự tin của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không sai, nhưng là ở thời điểm hiện tại. Còn trong tương lai gần, tỷ lệ hàng hóa nội địa trong các cơ sở bán lẻ sẽ không còn cao như thế, khi số lượng siêu thị, trung tâm thương mại FDI nhiều lên, doanh thu của mỗi siêu thị, trung tâm thương mại FDI tiếp tục tăng trưởng cao.

Đâu là cơ sở để ông cho rằng, hàng hóa nhập khẩu được bán trong cơ sở bán lẻ sẽ tăng nhanh?

Cách đây 5 - 10 năm, khi đầu tư xây dựng cơ sở bán lẻ tại Việt Nam, doanh nghiệp FDI phải thực hiện rất nhiều thủ tục, mất rất nhiều thời gian và công sức. Chẳng hạn, để có được 30 cơ sở bán lẻ, Big C phải mất rất nhiều năm. Tương tự, việc Parkson mở được 8 cơ sở, Lotte mở 11 cơ sở… cũng phải mất rất nhiều thời gian, công sức.

Nhưng hiện nay, với tiềm lực tài chính hùng mạnh, chỗ dựa về nguồn lực tài chính tại các ngân hàng “chính quốc” vững chắc, với thời gian vay dài hạn, lãi suất thấp, nên chiến lược đầu tư của doanh nghiệp FDI đã thay đổi.

Cụ thể, thay vì việc xây dựng từng cơ sở bán lẻ, chỉ cần 5 - 7 tháng đàm phán, doanh nghiệp FDI hoàn toàn có thể “thôn tính” cả hệ thống bán lẻ rộng khắp cả nước mà doanh nghiệp nội địa phải mất nhiều chục năm xây dựng.

Mấu chốt thành công trong lĩnh vực bán lẻ là có được mạng lưới rộng khắp. Khi chưa có mạng lưới, nhà bán lẻ phụ thuộc vào nhà sản xuất cung cấp đầu vào, nhưng khi đã nắm trong tay cả hệ thống bán lẻ rộng khắp với thị phần tương đối lớn, thì nhà bán lẻ trở thành người định hướng cho nhà sản xuất, định hướng thị trường và định hướng cả thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Hậu quả sẽ là gì, thưa ông?

Chỉ mới bước chân vào thị trường Việt Nam, Aeon đã có 30 - 40 siêu thị, trung tâm thương mại thông qua việc hợp tác với Citimart. Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới này không hề giấu giếm tham vọng khi đặt ra kế hoạch đến năm 2025 sẽ sở hữu chuỗi bán lẻ với 500 siêu thị, trung tâm bán thương mại mang thương hiệu Aeon Citimart. Các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới khác hiện có mặt tại Việt Nam cũng đặt kế hoạch mở rộng thị phần, mở rộng hệ thống phân phối.

Kể từ năm 2015, đa số các mặt hàng nhập khẩu có thuế suất thuế nhập khẩu 0% khi Việt Nam phải thực hiện theo các hiệp định thương mại tự do, nên doanh nghiệp FDI sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hoá, dẫn đến giảm thị phần của hàng hóa sản xuất trong nước bán trong cơ sở bán lẻ.

Trong tương lai không xa, khi doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh được thị trường, họ sẽ tập trung nhập khẩu hàng hóa về để bán, vì họ có lợi thế là mua với khối lượng hàng hóa lớn, nên giá bán rất cạnh tranh để phân phối cho hệ thống của họ trên toàn cầu.

Tin bài liên quan